Trong nhiều tuần qua, quốc gia Nam Á này đã bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình của sinh viên phản đối hạn ngạch việc làm trong khu vực công. Theo quy định này, 30% việc làm sẽ dành cho các thành viên gia đình của những người có công trong cuộc Chiến tranh giành độc lập khỏi Pakistan năm 1971. Điều này đã gây ra sự tức giận trong số những sinh viên phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, với gần 32 triệu thanh niên Bangladesh không có việc làm hoặc không được đi học.
Các cuộc biểu tình trở nên căng thẳng sau khi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chối đáp ứng các yêu cầu của người biểu tình, với lý do các thủ tục sửa đổi đang diễn ra, và gọi những người phản đối hạn ngạch là "razakar" - một thuật ngữ được sử dụng để chỉ những người bị cáo buộc đã hợp tác với quân đội Pakistan trong cuộc chiến tranh năm 1971.
Các cuộc biểu tình trở nên bạo lực trong tuần này khi hàng nghìn người biểu tình đụng độ với các thành viên của đảng Liên đoàn Awami cầm quyền trên khắp cả nước. Cảnh sát đã sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán những người biểu tình.
Chính quyền Bangladesh đã triển khai cảnh sát chống bạo động, cùng với lực lượng bán quân sự Biên phòng Bangladesh, tại các khuôn viên trường đại học trên khắp cả nước để duy trì luật pháp và trật tự.
Vào cuối ngày 16.7, Ủy ban Tài trợ Đại học đã ra lệnh cho tất cả các trường đại học đóng cửa và yêu cầu sinh viên rời khỏi khuôn viên trường ngay lập tức vì lý do an ninh. Các trường trung học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục khác cũng đóng cửa bắt đầu từ ngày 17.7.
Nahid Islam, điều phối viên các cuộc biểu tình chống hạn ngạch, cho biết sinh viên tiếp tục tổ chức diễu hành vào 17.7 để bày tỏ sự đoàn kết với những người biểu tình đã thiệt mạng.
Các cuộc biểu tình là thách thức đáng kể đầu tiên đối với Chính phủ của Thủ tướng Hasina kể từ khi bà đắc cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 1. Các chuyên gia cho rằng tình trạng bất ổn này là do sự trì trệ trong tăng trưởng việc làm ở khu vực tư nhân, khiến việc làm ở khu vực công, vốn cung cấp mức lương tăng đều đặn và nhiều đặc quyền khác, ngày càng được ưa chuộng.
Hiện nay, 56% việc làm ở khu vực công của Bangladesh được phân bổ theo nhiều hạn ngạch khác nhau, bao gồm 10% cho phụ nữ, 10% cho người dân ở các vùng sâu vùng xa, vùng kém phát triển, 5% cho cộng đồng bản địa và 1% cho người khuyết tật.