Bang Oregon, Mỹ: Doanh nghiệp không được hỏi tuổi ứng viên trước vòng phỏng vấn
Để tăng cường bảo đảm công bằng trong tuyển dụng, cơ quan lập pháp bang Oregon, Mỹ, vừa thông qua dự luật Hạ viện 3187 (HB 3187), cấm nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cung cấp thông tin về tuổi tác, ngày sinh hoặc năm tốt nghiệp trước vòng phỏng vấn đầu tiên. Dự luật hiện đã được chuyển đến Thống đốc Tina Kotek để chờ ký ban hành thành luật.

Xóa bỏ định kiến tuổi tác
Phân biệt tuổi tác trong môi trường làm việc không phải là vấn đề mới tại Mỹ. Từ năm 1967, Luật Chống phân biệt tuổi tác trong công việc đã được ban hành để nghiêm cấm các doanh nghiệp từ chối tuyển dụng hoặc sa thải nhân viên chỉ vì lý do tuổi tác, áp dụng cho người lao động từ 40 tuổi trở lên. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ quyền lao động và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, những định kiến ngầm vẫn tồn tại dai dẳng trong cách thức tuyển dụng hiện nay. Việc nhà tuyển dụng nắm được tuổi tác ứng viên quá sớm có thể vô tình tạo ra rào cản vô hình, khiến những lao động lớn tuổi không có cơ hội tiến vào vòng phỏng vấn, dù họ hoàn toàn đủ năng lực và kinh nghiệm.
Dự luật HB 3187 được xây dựng nhằm giải quyết điểm yếu này trong hệ thống tuyển dụng. Cụ thể, dự luật cấm các doanh nghiệp và tổ chức đào tạo nghề yêu cầu ứng viên tiết lộ tuổi, ngày sinh hoặc năm tốt nghiệp trong quá trình nộp hồ sơ xin việc ban đầu. Những thông tin này chỉ có thể được hỏi sau khi ứng viên đã vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên. Một số ngoại lệ được quy định rõ, ví dụ như các công việc cần xác minh độ tuổi theo yêu cầu của luật tiểu bang hoặc liên bang - như ngành vận tải, dịch vụ có điều kiện tuổi tác hoặc làm việc với các chất bị kiểm soát.
Trong phiên tranh luận tại Thượng viện bang Oregon hôm 13.5, Thượng nghị sĩ Deb Patterson (D-Salem), người bảo trợ chính của dự luật nhấn mạnh: “Thông tin tưởng chừng như vô hại như tuổi tác hay năm tốt nghiệp thường là căn cứ dẫn đến những định kiến ngầm. Hệ quả là, nhiều người lao động lớn tuổi bị loại từ vòng đầu tiên mà không có cơ hội chứng minh năng lực”. Bà gọi đây là “bước đi khiêm tốn nhưng quan trọng” để bảo đảm người lao động lớn tuổi có cơ hội cạnh tranh công bằng trong thị trường lao động đang ngày một khắc nghiệt.
Một điểm đáng chú ý là dự luật HB 3187 đã nhận được sự đồng thuận lưỡng đảng, điều hiếm có trong bối cảnh chính trị hiện nay. Tại Thượng viện bang, dự luật được thông qua với 20 phiếu thuận và chỉ 3 phiếu chống. Điều này cho thấy nhận thức chung ngày càng tăng về tầm quan trọng của môi trường làm việc công bằng, không bị chi phối bởi những định kiến về tuổi tác.
Dự luật cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức công đoàn lớn tại bang Oregon, bao gồm Hiệp hội y tá Oregon và Hiệp hội Nhân viên trường học Oregon (OSEA). Các tổ chức này nhấn mạnh rằng, người lao động lớn tuổi - với vốn kinh nghiệm và tính ổn định - đang đóng vai trò trụ cột trong nhiều ngành thiết yếu như giáo dục, y tế và hành chính công. Trong - bức thư gửi tới các nhà lập pháp, OSEA cho biết: “Nhiều thành viên của chúng tôi bị loại khỏi quá trình tuyển dụng chỉ vì các con số trên hồ sơ, chứ không phải vì năng lực chuyên môn. HB 3187 sẽ giúp họ lấy lại cơ hội xứng đáng”.
Giữa kỳ vọng và lo ngại
Tuy nhiên, không phải mọi bên đều hoan nghênh thay đổi này. Phòng Thương mại bang Oregon và Cục Nông nghiệp Oregon - đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như ngành nông nghiệp - đã lên tiếng phản đối dự luật. Trong thư phản hồi gửi tới cơ quan lập pháp, Phòng Thương mại cho rằng, HB 3187 sẽ tạo thêm gánh nặng hành chính và pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát, thiếu hụt lao động và sự bất ổn kinh tế đang đè nặng lên cộng đồng doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp đang phải vật lộn với quá nhiều khó khăn, đại diện Phòng Thương mại Oregon viết. “Dự luật này chỉ làm tăng thêm rủi ro bị kiện tụng và làm phức tạp thêm quy trình tuyển dụng vốn đã rối rắm.” Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng lo ngại rằng không thể xác định tuổi ứng viên từ đầu sẽ khiến họ khó tuân thủ các quy định về lao động trẻ vị thành niên, vốn rất nghiêm ngặt trong ngành nghề này.
Dù còn nhiều tranh cãi, HB 3187 vẫn được xem là bước đi tiên phong của bang Oregon trong xu thế bảo vệ quyền lợi người lao động lớn tuổi - lực lượng ngày càng quan trọng khi tuổi thọ trung bình tăng lên và nhiều người phải làm việc lâu hơn trước khi nghỉ hưu. Theo dự báo của Cục Thống kê lao động Mỹ, vào năm 2030, người lao động từ 55 tuổi trở lên sẽ chiếm hơn 25% lực lượng lao động toàn quốc.
Nếu được Thống đốc Tina Kotek ký thông qua trong những ngày tới, luật sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm tài khóa tiếp theo. Đây sẽ là dấu mốc quan trọng trong hành trình hướng tới thị trường lao động không thiên vị, nơi cơ hội được trao dựa trên năng lực chứ không phải độ tuổi.
Theo nhiều nhà quan sát, HB 3187 không chỉ là biện pháp mang tính hành chính. Nó phản ánh sự thay đổi trong cách nhìn nhận của xã hội về giá trị của người lao động lớn tuổi và sự cần thiết phải xóa bỏ những rào cản vô hình ngăn cản họ tiếp cận cơ hội việc làm. Trong thời đại mà năng lực không còn đồng nghĩa với tuổi trẻ, câu hỏi mà nhà tuyển dụng cần đặt ra không còn là “ứng viên bao nhiêu tuổi?” mà là “ứng viên có thể đóng góp gì?”.