Giáo dục

Bằng mọi biện pháp giảm thiểu, hỗ trợ, kiểm soát bạo lực học đường

Minh Trang 29/06/2025 09:41

Khẳng định những người làm giáo dục "luôn đau đáu" một điều là trong trường học sẽ không còn bạo lực học đường, mọi mái trường đều là trường học hạnh phúc và ở đó không còn bạo lực, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn bằng mọi cách, mọi biện pháp để giảm thiểu, hỗ trợ, kiểm soát bạo lực học đường.

Nhà trường tích cực hỗ trợ, kiểm soát bạo lực học đường ở mức tối đa

Quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) ghi nhận, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều hình thức chỉ đạo xử lý quyết liệt đối với các trường hợp bạo lực học đường. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực học đường, đặc biệt là "bắt nạt trên mạng", từ năm 2023 đến nay có những diễn biến báo động, di chứng để lại lâu dài. Đây là thách thức đáng lo ngại đối với môi trường giáo dục, ảnh hưởng đến thế hệ trẻ cả về thể chất, tinh thần, ngăn cản phát triển con người toàn diện.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
ĐBQH Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) nêu câu hỏi chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Với nhiệm vụ của ngành giáo dục là phải "quét sạch" bạo lực khỏi trường học, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến khi nào thì không còn bạo lực học đường? Trách nhiệm của nhà trường và xử lý như thế nào khi để xảy ra tình trạng này?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, những người làm giáo dục “luôn đau đáu" rằng, trong trường học sẽ không còn bạo lực học đường, mọi mái trường đều là trường học hạnh phúc và ở đó không còn bạo lực. Song, cũng phải thẳng thắn nhìn vào sự thật, trường học là một bộ phận không thể tách rời khỏi xã hội, “bức tường” vây quanh trường học ngày càng mong manh, khoảng cách từ bên trong trường học đến bên ngoài trường học dần bị xóa nhòa bởi mạng internet, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông hiện đại.

z72_7735-bo-truong-bo-giao-duc-va-dao-tao-nguyen-kim-son.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV

Mặt khác, vấn đề bạo lực của xã hội hiện đại vẫn đang diễn biến rất phức tạp. "Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn bằng mọi cách, mọi biện pháp để giảm thiểu, hỗ trợ, kiểm soát bạo lực học đường", Bộ trưởng khẳng định.

Theo con số thống kê điều tra của ngành giáo dục, có đến 70% số học sinh có hành vi bạo lực đối với người khác đều là có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, bố mẹ ly hôn hoặc phải chứng kiến bạo lực gia đình hoặc bản thân bị bạo lực gia đình. Hoàn cảnh như vậy cũng ảnh hưởng đến đời sống tâm lý, thái độ ứng xử, quan điểm nhìn nhận của các em học sinh. Do đó, một yếu tố rất quan trọng quyết định thái độ, đạo đức, hành vi ứng xử của học sinh nằm ở chính gia đình và sự gương mẫu của người lớn.

Về phía trường học, Bộ trưởng cho biết, nhà trường cũng sẽ là nơi tích cực hỗ trợ và kiểm soát bạo lực học đường ở mức tối đa.

Tranh luận về nội dung này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, giáo dục là sự nghiệp "trồng người" và để "trồng người" thành công, thì phải có "3 chân kiềng": Nhà nước - xã hội - gia đình. Theo đại biểu, mỗi "chân kiềng" có một vai trò riêng không thể thay thế. Khi nói về bạo lực là đang nói về sự bất lực của cái thiện, nhưng cái thiện, tình yêu, lòng nhân từ phụ thuộc rất nhiều vào gia đình và xã hội. Vì vậy, một số quốc gia phát triển đã bắt đầu hạn chế học sinh sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội. Bởi, mạng xã hội cung cấp cho người dùng cả điều tốt và điều xấu, cái thiện, cái ác, trong khi đó trẻ em không tự kiểm soát, không nhận thức và quyết định được một cách đúng đắn.

Nhưng, nếu Nhà nước đã có biện pháp mà gia đình lại buông lỏng và các định chế xã hội xem nhẹ vai trò giáo dục, định hướng của mình, thì sự nghiệp "trồng người" cũng không thể thành công. Do đó, bên cạnh vai trò của Nhà nước thì các tổ chức, cá nhân trong xã hội, đặc biệt là của gia đình có vai trò hết sức quan trọng, đại biểu nêu quan điểm.

Xem xét ban hành bộ tiêu chí bắt buộc về an toàn học đường?

Cũng tham gia tranh luận, ĐBQH Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, bạo lực trên môi trường mạng là một vấn đề rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp với nhiều hình thức tinh vi, như các hình thức cô lập, xúc phạm danh dự, bêu xấu trên mạng xã hội, gây ra tổn thương lớn về tâm lý đối với học sinh.

Để giải quyết tận gốc, theo đại biểu, không chỉ cần có các giải pháp công nghệ hay quản lý hành vi trên mạng mà còn phải nhìn vào chính cách thức của nhà trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập, ứng xử với các vụ việc xảy ra trong thực tế hiện nay... Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp cụ thể gì để tăng cường trách nhiệm và chế tài đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc bảo đảm an toàn học đường cả trên thực tế và không gian mạng? Liệu có thể xem xét ban hành bộ tiêu chí bắt buộc về an toàn học đường áp dụng chung cho cả trường công và trường tư đi kèm với cơ chế thanh tra, kiểm tra độc lập để bảo vệ thực chất quyền học tập an toàn của học sinh?

Nêu rõ bạo lực học đường không phân biệt "được công hay tư" mà là một vấn đề chung, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đến nay, các khảo sát, điều tra cho thấy vấn đề này xuất hiện ở cả hệ thống trường công và trường tư, các chính sách hiện đang là các chính sách chung. Đối với các trường tư, Bộ trưởng cho biết, có nhiều trường tư chăm sóc học sinh tốt, nhưng cũng có những trường chưa làm tròn trách nhiệm và xử lý các vụ việc chưa đến nơi đến chốn.

“Trách nhiệm tăng cường kiểm tra, giám sát của Sở Giáo dục và Đào tạo và của chính quyền các địa phương đối với các trường trong khối trường tư đã được phân cấp, tôi sẽ lưu ý về phía các sở, các địa phương tăng cường đối với hệ thống các trường này". Khẳng định điều này, Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ có khảo sát, đánh giá kỹ thêm nếu thấy thực sự cần thiết phải ban hành một số chính sách để quản lý chặt hơn đối với hệ thống này. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thêm kỹ lưỡng hơn, Bộ sẽ có biện pháp phù hợp.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bằng mọi biện pháp giảm thiểu, hỗ trợ, kiểm soát bạo lực học đường
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO