Bạn vong niên
Truyện ngắn của Ý Nhi

21/02/2012 07:39

Anh cảm thấy có phần nhẹ nhõm khi quyết định chọn tour du lịch cho mấy ngày Tết. Đó là nơi anh có thể ghé thăm người bạn vong niên của mình. Có thể, chính câu chuyện tầm phào cuối buổi làm việc đã khiến anh bứt rứt khó chịu và đã dẫn anh tới chuyến đi này. Cậu T tự nhiên kêu lên, ông A chết rồi phải không. Bà H vừa đóng ngăn tủ vừa đáp, ừ, nghe đâu vậy. Ông K đập đập tay vào trán, bậy, còn sống. Cậu M đội mũ lên mái tóc thưa, ừ, còn, tháng trước tôi còn gặp ở hội chợ nông sản mà… Cứ như vậy, kẻ nói không, người bảo có về ông A, người mới rời nhiệm sở hơn một năm.

Bạn vong niên<BR><I>Truyện ngắn của Ý Nhi</I> ảnh 1
Minh họa của Thanh Huyền

Ông A là người đầu tiên anh gặp khi đến chỗ làm mới. Không hiểu sao, ngay từ lần gặp ấy anh đã cảm thấy tin cậy người đàn ông khuôn mặt xương xương, tóc bạc cắt ngắn, đeo kính gọng nâu to bản. Đôi khi ông trò chuyện với anh, những câu chuyện không đâu như chuyện bẫy chim mía ở quê ông, chuyện một lần đi tàu gặp cướp, giúp mọi người giữ được đồ đạc, khi yên rồi mới biết cái túi của mình bị lấy mất, chuyện hồi nhỏ tắm sông, bị bạn nghịch dìm nước tưởng chết, cố ngoi lên thì trông thấy bạn đang chìm dần, chỉ còn nhô một chỏm tóc, bơi vội đến cứu bạn, hai đứa thở không ra hơi… Ông có giọng nói ấm áp, phát âm chuẩn xác, khó nhận ra dấu ấn của một miền quê cụ thể. Anh đồ chừng ông đã đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, cái việc ngồi dịch tài liệu cho viện thiết kế này chắc chỉ là một công việc bất đắc dĩ ở cuối chặng đường. Ông kiệm lời, hình như mọi sự đánh giá của ông chỉ gói gọn trong hai từ: dễ chịu hoặc khó chịu. Khen cô thủ thư ở thư viện, ông bảo cô ấy dễ chịu. Chê một tập tài liệåu dở, ông bảo nó khó chịu.

Có lần, ông nán lại đợi anh chỗ phòng bảo vệ, cậu có rỗi không. Anh cười, rất rỗi. Ông nhìn anh, giọng nhẹ nhàng, dần dần, người ta sẽ quen với cảnh ngộ mới của mình. Anh ngẩn người nhìn ông. Không một ai trong sở làm biết anh đang trải qua một thời kỳ khó khăn như thế nào. Ông vỗ nhẹ lên vai anh, rỗi thì về chỗ tôi cho biết, tôi có một nơi chốn tuyệt vời lắm. Ông cười. Tiếng cười ngắn ngủi như thở hắt ra vậy.

Hóa ra, ông ở trên tầng sáu một chung cư loại khá. Giản dị, ngăn nắp. Một chiếc giường. Một chiếc bàn. Một kệ sách. Và, một cái ban công đủ rộng để kê một chiếc ghế xếp bằng gỗ. Ông gập chiếc ghế, quay lại bảo anh, cậu ra ngoài đó, thấy hết cả trời mây, phố xá đấy. Ông bưng một chiếc khay gỗ màu nâu, trên khay có một cây giò nhỏ, lá chuối bọc bên ngoài đã khô, một chùm nem chua, mấy trái dưa chuột, đặt xuống sàn nhà. Ông bảo, cởi áo ra, cả ngày gò bó rồi. Anh làm theo lời ông, cảm thấy thoải mái hẳn. Anh cười, hóa ra, mặc hay cởi một chiếc áo lại là chuyện quan trọng. Ông giơ chai rượu lên định rót, chợt dừng lại, cái gì cũng có thể quan trọng mà cũng có thể không quan trọng. Tùy vào mình thôi. Anh nhìn chăm chú mấy ngón tay thanh mảnh đang cầm chai rượu. Ông nói, chắc cậu nghĩ tôi an nhàn lắm. Anh đáp, bác đọc được ý nghĩ của người khác à. Ông chìa ly cho anh, thôi, cụng ly đã. Chúc sức khỏe cậu. Cậu nếm thử món nem chua này đi. Họ gọi là nem chợ Huyện, một người bạn cũ vừa đem cho. Chiều hôm qua chúng tôi cũng chén chú chén anh ở cái vương quốc này. Uống rượu với một người bạn, chẳng cái thú nào bì được. Ông chợt dừng lại, nhìn thẳng vào mặt anh. Một ánh tinh quái lóe lên sau cặp kính, cậu đang cười thầm, đang nghĩ, sao cái ông già ở chỗ làm thì im như thóc mà ở nhà thì lại ba hoa chích chòe, phải không. Anh đỏ mặt, đưa ly rượu lên môi. Ông bảo, cậu đừng cười, đừng sốt ruột, rồi tôi sẽ kể đầu đuôi cho cậu nghe. Tôi ít khi đọc sách văn học lắm, một phần vì bận bịu, phần khác vì không phải là kẻ mê văn chương. Vậy mà đúng lúc khốn đốn, một ông nhà thơ ở xứ nảo xứ nào đã cứu tôi đấy. Tôi tình cờ lật xem một cuốn sách tại nhà người bạn, thấy hay hay, mượn về nhà, đọc một lần, hai lần, rồi thỉnh thoảng lại đọc. Mỗi lần hiểu thêm một chút về sự đời, sự người. Hóa ra có sách gối đầu giường thật. Hồi đó, tôi thấm thía câu nói của nhà thơ: người ta chỉ mất hai năm để học nói nhưng cần đến sáu mươi năm để biết im lặng. Tôi nghĩ, dù đã lớn, tôi vẫn chưa biết im lặng. Người ta, kẻ trên người dưới hè nhau đánh tôi túi bụi vì tôi nói. Họ kết luận, tôi không tuân thủ nguyên tắc này nguyên tắc nọ, họ bảo tôi làm mất đoàn kết nội bộ. Tôi nhìn những kẻ cúi đầu, những kẻ mồm lem lẻm bao điều dối trá, lòng tự nhiên thấy chán nản cùng cực. Tôi chịu hết nổi. Tôi nghỉ việc, nghỉ ngang xương, không chế độ chính sách gì hết. Cố nhiên, vợ con tôi là người chịu hậu quả trực tiếp của sự việc đó. Vợ tôi là người ngay thẳng, bà ấy không chịu đựng nổi sự bất công. Có vẻ như bà ấy còn đau đớn hơn cả tôi. Sau đó, nhân có chuyến đi thực tập ở nước ngoài, bà ấy xin mang con theo. Tôi biết là bà ấy sẽ không về nữa nhưng tôi không can ngăn. Tôi đã vài ba lần đề nghị thủ tục ly dị nhưng bà ấy không chịu. Bà ấy hai lần về nước thuyết phục tôi đi nhưng tôi từ chối. Đấy, mọi việc của tôi là vậy. Ông cúi xuống một lúc rồi ngẩng lên, đưa tay vuốt ngược mái tóc bạc. Anh nhận thấy nét thảng thốt trên gương mặt ông. Nhưng ông nói chậm rãi, cậu thấy đấy, cũng đâu có chi nhiều.

Ông ngừng nói, tay bó gối, cái ly rỗng nằm giữa mấy ngón tay dài, xương xương. Có vẻ ông đã quen ngồi trong tư thế ấy. Anh nhận thấy ông có một khuôn mặt thật đẹp. Trán rộng, mũi thẳng, cằm vuông vức. Một khuôn mặt chính trực. Một khuôn mặt của đấng nam nhi. Anh muốn cười vì mấy chữ vừa chợt đến nhưng tiếng cười bị nén lại thành một tiếng thở dài khe khẽ.

Anh nhỏm người, gỡ chiếc ly khỏi tay ông. Ông nói, giọng khàn xuống, ừ, uống thêm đi. Nhiều khi tôi nghĩ việc qua rồi, mình quên rồi nhưng có lẽ không đúng. Nhiều ngày tôi im lặng rồi có lúc tự nhiên thèm nói kinh khủng, mà biết nói với ai. Thế là tôi đọc sách. Cũng là một cách trò chuyện mà. Tôi cứ thấy buồn cười vì đủ thứ chức năng, đủ thứ tính này tính nọ người ta gán cho văn học. Người ta tranh cãi, vu vạ, thậm chí triệt hạ nhau vì những thứ đó. Tôi thích câu thơ của một nhà thơ nọ, đại khái: thơ như mái hiên cho ta trú lúc mưa, như ánh nhìn thân thiện khi ta cô độc, như một giọng nói quen ở nơi xa lạ. Văn học đối với tôi là vậy. Mới đây, trong một bài viết về Joseph Brodsky, tôi đọc thấy một câu rất hay: nhiều khi chính những dòng thơ về nỗi thất vọng của ông đã giúp người khác vượt qua giây phút tuyệt vọng. Văn học đối với tôi là vậy. Nhưng tôi ít đọc thơ vì thơ hay rất hiếm và cũng vì đọc thơ rất khó. Khi có một cuốn sách hay trong tay, tôi có kiểu đọc của người ăn dè món ngon. Tôi đọc một số trang rồi dừng lại, hôm sau đọc tiếp, sợ nó hết. Mà thú thật, trong cái sự kéo dài thời gian này nhiều khi cũng còn có mục đích giết thời gian nữa. Có lúc, chẳng biết làm gì cho hết một buổi chiều. Lần nọ, tôi đi tha thẩn rồi ghé vào một quán cà phê bên đường. Quán rất đẹp, có vườn rộng, có con đường rải sỏi trắng, có mấy vòm nguyệt quế đang độ hoa. Vừa bước vào, trông thấy một ông già lúi húi chỗ gốc mai chiếu thủy, tôi ghé lại xem. Hóa ra ông già đang dùng một que hương để giết bầy kiến. Kiến bò hàng đàn, hàng lũ mà ông già cứ cầm que hương gí vào từng con một. Tôi hỏi sao ông không dùng bình xịt. Ông già cười, không đáp. Tôi chợt hiểu, ông già cũng không biết làm gì cho hết cái buổi sáng oi bức ấy. Thế là thành bạn. Có dịp, tôi lại ghé quán tán chuyện, xem ông già tỉa cây, chăm phong lan. Và, giết kiến. Anh chen vào. Nhưng ông già không cười. Ông đưa bàn tay cầm ly rượu lên, dùng ngón trỏ day day chỗ chân mày giao nhau, rồi chợt kêu lên, à, mà sự chuyển vùng của tôi lại cũng chịu tác động trực tiếp của một nhà văn đấy, một nhà văn Pháp. Thường thì văn chương ít có những tác động trực tiếp nhưng chuyện này thì thực sự là trực tiếp. Ông gật đầu rồi lẩm bẩm, trực tiếp, thực sự là trực tiếp. Anh nghĩ ông say, muốn đứng dậy đỡ ông đi nằm nhưng ông nói tiếp, giọng hoàn toàn tỉnh táo. Ông nhà văn này vốn là một nhân viên kế toán. Vì lý do công việc, ông ta được cử đến vùng của những người Eskimo, Pygmy và Dzigan. Không hiểu vì nguyên cớ gì mà sau khi trở về, ông ta bắt đầu viết truyện trinh thám và rất nổi tiếng. Tôi có đọc vài cuốn. Truyện của ông ta có một vẻ bí hiểm buồn bã. Ông cười khẽ, nhưng tôi không có ý định viết văn đâu. Tôi chỉ nghĩ, một sự dịch chuyển có thể thay đổi cuộc đời một con người.

Ông nhận ly rượu từ tay anh rồi lại vòng tay qua gối. Ly rượu hơi nghiêng nhưng rượu không sánh ra ngoài. Anh định hỏi xem việc chuyển vùng có ích gì cho ông không. Nhưng ông đã nói trước, với tôi, chẳng ích gì. Những điều kỳ diệu chỉ xảy ra với các tài năng mà thôi. Cách nay mấy ngày tôi nhận được điện thoại của một người quen cũ, anh ta báo ở đó người ta nhắc đến tôi nhiều lắm, các điều tôi nói hồi ấy đều đúng, nhiều điều đã được giải quyết… Cậu nghĩ tôi vui ư. Không. Thậm chí là rất buồn nữa. Người gọi điện thoại cho tôi là một tiến sĩ khoa học đấy. Có phải anh ta không biết là tôi đúng đâu. Nhưng mà cúi đầu chờ thời. Loại này không ít đâu. Nó lại sinh sôi nảy nở rất nhanh. Mà thôi, bỏ qua chuyện đó đi. Đời còn nhiều trò vui lắm. Tôi không hiểu vì sao lúc trẻ tôi chẳng bao giờ ghé mắt vào các trò ảo thuật, vậy mà bây giờ tôi chẳng bỏ qua màn ảo thuật nào trên TV, có lúc còn đến rạp nữa. Cậu thử hình dung nhé, ảo thuật gia mặc một bộ complet đen đúng mốt, chemise trắng, cổ thắt nơ, đầu đội mũ nỉ sang trọng, bước ra, cúi chào ta. Vẻ mặt trang nghiêm, bí ẩn, anh ta đưa ra trước ta một tấm bìa trắng, một mặt của tấm bìa vẽ hình con cá. Anh ta lật qua lật lại tấm bìa để chứng minh rằng đó đích thực là một tấm bìa, rồi nhẹ nhàng đặt tấm bìa xuống mặt bàn phủ khăn trắng. Anh ta giang rộng tay, cúi chào một lần nữa rồi xoay người, bước vào trong, bưng ra một chiếc cóng thủy tinh sóng sánh nước. Anh ta đưa chiếc cóng đến chỗ các khán giả ngồi hàng ghế đầu, mời họ chấm tay vào nước để xác minh đó chỉ là một bình nước trong veo. Anh ta đặt chiếc cóng lên bàn, xoa xoa tay rồi xòe rộng bàn tay trước ta. Ta nhìn thấy hai bàn tay với những ngón dài thanh tú. Anh ta lại duyên dáng xoay người, dùng hai ngón tay nhón lấy tấm bìa, nhúng từ từ vào cóng nước. Đợi tấm bìa lút hết nước, anh ta từ từ, rất từ từ nhấc nó ra. Và, ta ồ lên vì nhìn thấy chú cá vàng rực rỡ đang bơi lội giữa làn nước. Rồi một bộ bài bị xé vụn từng con trước mắt ta, sau mấy lần vò nát, bỗng hiện ra nguyên vẹn, xòe rộng như một chiếc quạt giấy xinh xắn. Rồi những dải khăn màu dài vô tận được kéo ra từ một chiếc hộp rỗng không, những con bồ câu trắng muốt bay lên từ chiếc mũ ta vừa nhìn thấy chỉ có một bông hồng đỏ thắm… Cậu nghĩ sao. Hay tôi đã thành một đứa trẻ nhỉ. Ông cười nhẹ, không đổi tư thế.

Anh nhận ra mình cũng ngồi bó gối, tay cầm ly rượu còn đầy. Câu chuyện về các trò ảo thuật của ông khiến anh thấy xót xa, bứt rứt. Niềm vui này có cái gì giả tạo, gắng gượng rất tội nghiệp. Cổ họng anh khô đắng. Anh nhấp một chút rượu rồi cố hắng giọng nhưng không một âm thanh nào phát ra. Nếu nói được, chắc chắn anh sẽ nói với ông câu chuyện anh chưa từng nói với ai, câu chuyện cũng liên quan đến một người đàn ông Pháp. Cũng có thể coi, ảnh hưởng của người này đến cuộc đời anh, là một ảnh hưởng trực tiếp, theo cách nói của ông già.

Anh còn nhớ như in buổi chiều đó. Anh thấp thỏm về nhà, mong sao được nhìn thấy cửa nhà không bị khóa. Nhưng H đã ra đi. Chiếc khóa sắt cũ im lìm, lạnh ngắt trong tay anh. Anh chạy ào ra ga, mua vé về quê H, không phải vì tin H đang ở đó mà vì anh không còn biết tìm cô ở nơi đâu, không biết phải làm gì vào lúc đó. Trên chiếc giá đỡ bằng sắt gắn bên vách toa tàu, anh nhìn thấy một tờ báo cuộn tròn cẩn thận. Có lẽ của ai đó bỏ quên. Một tờ báo thể thao khổ nhỏ. Ngay ở trang nhất, anh nhìn thấy dòng chữ in đậm: “Lizarazu: Bóng đá cũng bất định như cuộc đời”. Tự nhiên anh ứa nước mắt. Anh lật tìm bài báo, chăm chú đọc bài viết ngắn về hậu vệ mang áo số 3 của đội tuyển Pháp. Nhìn đôi mắt ẩn sâu dưới cặp mày rậm của Lizarazu anh như bắt gặp một ánh sẻ chia, an ủi.

Từ đó, anh bắt đầu theo dõi những trận đấu có Lizarazu, lúc thì trong màu áo lam của đội tuyển Pháp, lúc thì trong màu áo đỏ của Bayern Munich. Cứ theo mãi các trận đấu có Lizarazu, anh thành tín đồ của môn bóng đá lúc nào không hay. Bóng đá, với anh, không phải là một trò giải trí mà là sự trải nghiệm, là sự thấu hiểu, là niềm an ủi. Anh thuộc hết các giải đấu, từ Series A, Premier League, Bundes Liga, La Liga đến Champions League, World Cup… Anh theo dõi các cuộc chuyển nhượng cầu thủ, các lần thay đổi huấn luyện viên, các tranh cãi về công tác trọng tài, các bình luận của chuyên gia bóng đá nổi tiếng… Anh đã gửi một phiếu lên mạng để bầu chọn Maradona là cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ. Anh yêu tài năng rực rỡ và cuộc đời đầy thăng trầm, nhiều khi cay đắng ê chề của Maradona. Dần dà, những nhận xét, những đánh giá, những ví von của anh đều liên quan đến bóng đá. Nhìn thấy ai đó thành công vào phút cuối, anh bảo đó là bàn thắng của phút bù giờ. Anh bảo, không có nỗi khổ nào bằng nỗi khổ khi đá phản lưới nhà. Anh bảo, tâm trạng nặng nề như của danh thủ khi đá quả 11m quyết định…

Có lần, trong dịp tổng kết cuối năm hay đại hội công nhân viên chức gì đó, sau một hồi kêu gọi mà không ai trả lời, vị chủ tọa bỗng chìa tay về phía anh, mời phát biểu. Bị bất ngờ, anh đứng bật dậy nhưng không sao có thể cất lời. Vị chủ tọa khuyến khích, anh nói đi, nói gì cũng được, miễn là có ích cho tổng công ty. Anh đáp vâng, một cách máy móc rồi vẫn đứng yên, mặt đỏ bừng như đã làm gì nên tội. Đám đông bắt đầu la hét, vỗ tay như trong một trận đấu căng thẳng và không ngừng gào thét, nói đi, nói đi. Biết chẳng còn chỗ lùi, anh đành xoay xỏa trong khoảng không chật hẹp của mình, như một cầu thủ thực thụ và bất ngờ bắt đầu bài diễn từ. Tôi nghĩ, có thể coi tổng công ty như một liên đoàn và mỗi công ty là một câu lạc bộ. Trong thực tế, không có những đội bóng tuyệt đối hoàn hảo. Thường được công thì yếu thủ, mạnh cánh trái thì nhẹ cánh phải, tổ chức tốt chưa chắc đã ghi bàn hay. Vấn đề ở đây là phải ý thức được cái mạnh, cái yếu của mình để không ngừng tự hoàn thiện. Thứ nữa, phải hiểu rằng, trên sân cỏ mọi vị trí đều quan trọng. Kiến thiết bóng, tấn công hay phòng thủ đều có ý nghĩa sống còn với một trận đấu. Khi một tiền đạo ghi bàn có nghĩa là anh ta đã hoàn tất một quy trình, một chuỗi hành động hiệu quả của cả đội bóng. Các khâu, các vị trí cần có sự gắn kết uyển chuyển như một cơ thể sống vậy. Có những đội bóng không có ngôi sao nhưng đã thắng. Sức mạnh của họ nằm ở sự gắn kết. Ngược lại, có mười một ngôi sao mà không có sự gắn kết thì mọi việc sẽ chẳng tới đâu. Điều thứ ba là, mỗi cầu thủ phải ý thức sâu sắc chỗ đứng của mình, nhiệm vụ của mình trên sân. Mắc lỗi vị trí là điều cực kỳ nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Điều này hoàn toàn không mâu thuẫn với sự di chuyển linh hoạt, thông minh, quyết đoán để có thể ghi bàn. Điều thứ tư tôi muốn nói là bóng đá đương nhiên là chuyện của đôi chân nhưng theo tôi, cái đầu tỉnh táo, sáng suốt, sự quan sát tinh tế, nắm bắt nhanh nhạy, cảm giác bóng tốt là điều tối cần thiết cho một cầu thủ. Chỉ những cầu thủ như vậy mới biết tận dụng cơ hội. Có những trận đấu khiến ta có cảm giác như đội bóng này đông hơn đội bóng kia, chính vì họ biết tận dụng mọi cơ hội, tưởng như ở đâu, ở thời khắc nào cần, họ đều có người. Điều quan trọng nữa là phải có tư tưởng tấn công. Một đội bóng mạnh là đội bóng biết cách tấn công đối thủ chứ không phải tìm cách hạn chế sự tấn công của họ. Tôi thích câu nói quen thuộc của các bình luận viên: cách phòng thủ tốt nhất là hãy tấn công. Khi bàn về bóng đá, có vô vàn những cái để nói, ví dụ vai trò của huấn luyện viên – người điều hành trực tiếp của một câu lạc bộ. Một huấn luận viên giỏi, không chỉ là người có chiến lược đúng mà còn là người biết thay đổi chiến thuật, biết tìm ra giải pháp tốt nhất cho từng trận đấu, biết tạo nên kỷ luật mà không hạn chế cảm hứng sáng tạo của từng cầu thủ. Những ông chủ, khi tuyển chọn huấn luyện viên rất cần để ý đến cấp độ quản lý, sở trường sở đoản của họ. Có những huấn luyện viên thành công ở cấp câu lạc bộ nhưng lại thất bại khi làm cho đội tuyển quốc gia và ngược lại. Anh ngần ngừ một chút như thể đang cân nhắc, đắn đo điều gì rồi tiếp tục, giọng điệu sôi nổi, thưa quý vị, còn một điều nữa, một điều không thể xếp theo trật tự nào, một điều mà tôi cho là vô cùng quan trọng, nhiều khi, đó là điều quan trọng nhất, đó chính là số phận, là sự may rủi. Có khi, chơi hay mà vẫn thua, bóng cứ một mực trúng xà ngang, dội cột dọc. Có khi, không mắc lỗi mà vẫn dính thẻ, thậm chí thẻ đỏ. Có khi, bị trọng tài từ chối một bàn thắng mười phần hợp lệ. Có khi thua vào lúc không ngờ nhất, khi ta tưởng như đã nắm phần thắng trong tay…

Anh giật mình khi nghe có tiếng vỗ tay. Anh dừng lại, nhìn thấy vị chủ tọa chắp hai bàn tay vào nhau, miệng tươi cười, đầy vẻ khuyến khích. Anh chợt tỉnh, nói mấy chữ tôi xin lỗi rồi ngồi thụp xuống. Hội trường vỡ ra trong tiếng hò hét, hoan hô. Anh nhân viên lặng lẽ ở một phòng nhỏ xíu trong tổng công ty bỗng trở nên nổi tiếng. Nhưng mỗi lần nhớ lại buổi sáng đó, mặt anh vẫn đỏ bừng vì xấu hổ. Anh không hiểu nguyên cớ nào khiến anh trở nên nông nổi đến vậy. Anh cho rằng mình đã tự tay xé rách cái vỏ bọc của mình, cái vỏ bọc có từ ngày H ra đi.

Anh khâm phục Johan Cruyff, Franz Beckenbauer, Platini, Johan Micoud, Zidane, Figs…. Anh yêu Hagi, Roberto Carlos, Nedved, Ronaldinho, Morientes… nhưng anh biết ơn Li, người đã nói với anh về sự bất định. Trước đó, ít nhất, anh đã tin vào sự bất biến của một mối tình.

Anh vẫn giữ bài báo về Li trong cuốn sổ ghi chép của mình. Cách đây ít lâu, anh tình cờ gặp một người bạn cũ tại quán cà phê lúc hai giờ sáng khi đang xem trận tứ kết cúp C1 giữa Real và Monaco. Anh bạn nói với anh rằng H đã rời bỏ người đàn ông sau này của cô. Anh cười cười, bảo bạn, có cái gì là bất biến đâu. Vừa dứt lời, anh đã nhận ra sự chua chát trong câu nói của mình. Hóa ra, anh vẫn chưa thôi đau đớn vì H. Anh hơi ngượng với bạn nhưng anh ta đang mải chăm chú vào màn hình, rồi đập mạnh tay xuống bàn, tuyệt. Giuly vừa ấn định tỷ số 3 -1 cho Monaco. Anh ta quay sang hỏi anh, sao cậu ở đây. Anh không đáp, cúi xuống nhặt chiếc phin cà phê vừa bị hất tung vào góc nhà. Từ ngày đó, anh đã mấy lần chuyển chỗ làm, chuyển nơi ở. Đôi khi anh tự giễu mình, đã ngộ ra sự bất định rồi chăng. Nhưng anh đang muốn ở lại đây, nơi chỉ có mươi người đồng nghiệp cùng phòng và có một người hiểu cảnh ngộ của anh.

Anh ngẩng nhìn ông già đang ngồi bất động như một pho tượng, đầu tựa vào cánh cửa, khuôn mặt khuất trong bóng tối. Anh đặt ly rượu, nhẹ nhàng đứng lên. Anh gần như giật mình khi nghe thấy giọng nói ấm áp của ông, ừ, cậu về đi, cứ để cửa đấy, lát nữa tôi đóng.

Sau bữa đó, ông già có vẻ ngượng ngùng khi gặp anh. Vài lần anh cố tình bắt chuyện ông đều trả lời qua quýt, cáo bận, phải tìm tài liệu này, phải đi thư viện kia.

Rồi chiều nọ, ông nán lại, đợi anh nơi phòng bảo vệ. Ông chìa tay cho anh, tạm biệt cậu, tôi về núi đây. Dạo này sức khỏe của tôi không được ổn. Ông cười, thu xếp xong tôi sẽ liên lạc với cậu. Nhưng tất cả thông tin anh có được về ông lại được chắp nối từ nhiều nguồn, trừ ông. Ông có một người bà con ở B, người này làm nghề sao chế chè. Họ nhờ ông giúp giao dịch với các đối tác nước ngoài.

Đã nhiều ngày tháng qua đi. Câu chuyện anh từng muốn kể cho ông giờ không còn nhiều ý nghĩa nữa. Anh nghe tin H lấy một tay cự phú như nghe chuyện của một người bạn cũ. Nơi anh làm việc, có người ra đi, có người vừa đến. Anh không có thêm người bạn mới nào. Anh cũng không còn thức dậy vào lúc hai, ba giờ sáng, mải mê xem các trận cầu trên khắp hành tinh nữa. Trong thâm tâm, anh nhận thấy niềm say mê bóng đá của mình cũng không khác nhiều lắm với nỗi vui có được nhờ các trò ảo thuật của ông. Không có nhiều những chuyện anh có thể nói với ông. Nhưng điều đó đâu có gì quan trọng. Hai người bạn có thể ngồi bên nhau hàng giờ mà không cần nói một lời nào.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bạn vong niên<BR><I>Truyện ngắn của Ý Nhi</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO