Bàn về nguyên tắc hiến định: Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

Gs. Ts Trần Ngọc Đường 06/01/2014 09:15

Tranh tụng trong xét xử có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp. Trước hết, tranh tụng không chỉ là phương tiện, là cách thức để tìm ra chân lý, làm sáng tỏ sự thật khách quan; tranh tụng còn là cách thức nâng cao nhận thức, tạo ra môi trường dân chủ bình đẳng trong quan hệ tố tụng, buộc các chủ thể có thẩm quyền từ điều tra, truy tố, xét xử nâng cao năng lực, trình độ hạn chế được chủ quan, duy ý chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

1. Tranh tụng trong xét xử có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện quyền tư pháp. Trước hết, tranh tụng không chỉ là phương tiện, là cách thức để tìm ra chân lý, làm sáng tỏ sự thật khách quan; tranh tụng còn là cách thức nâng cao nhận thức, tạo ra môi trường dân chủ bình đẳng trong quan hệ tố tụng, buộc các chủ thể có thẩm quyền từ điều tra, truy tố, xét xử nâng cao năng lực, trình độ hạn chế được chủ quan, duy ý chí trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Điều đó là đặc biệt cần thiết trong hoạt động xét xử của Tòa án, qua tranh tụng tại phiên tòa, các chứng cứ sẽ có điều kiện được kiểm định lại và làm sáng tỏ thêm, những người có thẩm quyền tham gia tố tụng tại phiên tòa, có điều kiện trình bày, chứng minh, phản biện một cách dân chủ, công khai, minh bạch; chủ tọa phiên tòa sẽ có điều kiện đánh giá một cách khách quan hơn so với tố tụng chỉ thiên về xét hỏi. Như vậy, tranh tụng trong xét xử góp phần rất quan trọng để Tòa án phán xét đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế tình trạng oan sai, bảo đảm cho nền tư pháp của nước nhà là biểu hiện điển hình của công bằng và công lý. Tranh tụng trong xét xử là nguyên tắc phổ quát trong tố tụng tư pháp của hầu hết các nhà nước dân chủ và pháp quyền. Đó là một giá trị và là một tiêu chí để đánh giá một nền tư pháp có dân chủ và pháp quyền hay không? Chính vì thế, trong định hướng về cải cách tư pháp, Đảng ta đã nhấn mạnh phải tăng cường tranh tụng tại phiên tòa và Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã quy định thành nguyên tắc: Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (khoản 5, Điều 103)

2. Ở nước ta mô hình tố tụng là xét hỏi, mặc dù chủ trương cải cách tư pháp đã đề ra tăng cường tranh tụng tại phiên tòa, nhưng cho đến nay tranh tụng vẫn chưa có sự chuyển biến gì đáng kể, cả về nhận thức lẫn trong các hoạt động thực tiễn về xây dựng pháp luật và xét xử tại phiên tòa. Sở dĩ như vậy, theo tôi do các nguyên nhân sau đây:

Một là, về nhận thức, trong tư duy của những chức danh tư pháp có thẩm quyền trong các quan hệ tố tụng từ điều tra viên đến kiểm sát viên và thẩm phán đều tự cho mình có quyền năng cao hơn, đứng trên các chủ thể khác không những là bị cáo, các đương sự mà cả đối với luật sư, người trợ giúp pháp lý cho thân chủ. Quan hệ thiếu bình đẳng đó, làm sao có thể tạo ra được bầu không khí thật sự dân chủ? quan tâm, chú ý lắng nghe ý kiến của người khác? Có thể nói quyền uy nhà nước vẫn còn giữ ưu thế trong các mối quan hệ tố tụng tư pháp đặc biệt là tố tụng hình sự. Những vụ án oan sai gần đây được đưa ra công luận cho thấy rằng  còn có tình trạng mớm cung, bức cung, không chú ý lắng nghe ý kiến của luật sư, tiếng kêu oan của những người vô tội. Suy cho cùng những biểu hiện đó là do nhận thức thiếu bình đẳng trong quan hệ tố tụng tư pháp. Mệnh lệnh quyền uy trong các quan hệ hành chính nhà nước được đem vào trong các quan hệ tố tụng tư pháp hay nói ngắn gọn là hành chính hóa các quan hệ tố tụng trong tư pháp. Mô hình tố tụng xét hỏi là mô hình mà một bên có quyền hỏi và bên kia phải có nghĩa vụ trả lời. Vì thế rất dễ tạo ra cho các chức danh tư pháp quyền uy, mệnh lệnh, thiếu dân chủ và bình đẳng trong các quan hệ tố tụng tư pháp. Để tranh tụng hình thành, điều trước tiên là phải thay đổi nhận thức, trước hết là thay đổi nhận thức của các chức danh tư pháp (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán) tạo lập môi trường và mối quan hệ dân chủ, bình đẳng, xóa bỏ yếu tố quyền uy mệnh lệnh hành chính trong các quan hệ tố tụng tư pháp.

Hai là, về pháp luật tố tụng hiện hành ở nước ta chưa phân định được rạch ròi, minh bạch chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Ví dụ như viện kiểm sát vừa thực hành chức năng buộc tội (là một bên trong quan hệ tranh tụng) lại vừa thực hiện chức năng kiểm sát và tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng (mà đều là các chủ thể tranh tụng với mình). Nếu nhận thức không đúng, Viện kiểm sát khó có sự bình đẳng, dân chủ trong tranh tụng. Còn tòa án, trong quan hệ tố tụng tại phiên tòa đáng ra là người trọng tài ngọa sơn quan hổ đấu để xem cuộc tranh tụng giữa một bên là Viện kiểm sát và các bên khác trong quan hệ tố tụng, nhưng pháp luật lại quy định Tòa án có quyền khởi tố vụ án hình sự, có quyền trả hồ sơ để điều tra bổ sung, có trách nhiệm chứng minh tội phạm... Chính vì thế, việc tranh tụng tại phiên tòa khó được thực hiện, phiên tòa không có điều kiện diễn ra trong không khí dân chủ và tôn trọng tiếng nói của các bên tham gia tố tụng. Chất lượng tranh tụng giữa kiểm sát viên, người giữ quyền công tố và luật sư còn rất hạn chế, còn mang tính hình thức, không xem tranh tụng là trách nhiệm là nghĩa vụ của mình, là phương tiện, là cách thức tìm ra chân lý. Hội đồng xét xử nhiều lúc làm thay chức năng của bên buộc tội (công tố), dành thời gian xét hỏi nhiều hơn là ngồi nghe hai bên tranh tụng.

Pháp luật tố tụng tư pháp chưa làm rõ vị trí, vai trò, chức năng của Tòa án là người trọng tài, người phán quyết. Do vậy, Tòa án được quan niệm như là một cơ quan tiến hành tố tụng giống như các cơ quan tiến hành tố tụng khác (cơ quan điều tra, Viện kiểm sát). Ví dụ điều 13 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định để xác định tội phạm. Điều 104 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện được tội phạm hoặc người phạm tội mới cần phải điều tra; Điều 63: Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án phải chứng minh có hành vi phạm tội… ai là người phạm tội…; Điều 65: Để thu thập chứng cứ, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án có quyền triệu tập…; Điều 179: Thẩm phán  ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án, khi có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác. Từ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nêu trên có thể thấy rằng Tòa án không khác gì cơ quan điều tra, cơ quan truy tố. Tòa án cũng có trách nhiệm chứng minh và có quyền thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm, đồng nhất trách nhiệm Tòa án với trách nhiệm của cơ quan điều tra, của Viện kiểm sát.

Trong giai đoạn xét xử tại phiên tòa, pháp luật tố tụng hình sự quy định nặng về hỏi đáp của Hội đồng xét xử làm cho cơ quan buộc tội không chủ động, tích cực trong tranh luận. Ví dụ điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: Khi xét hỏi, chủ tọa phiên tòa hỏi trước, rồi đến hội thẩm, sau đó đến kiểm sát viên, người bào chữa… Để tranh tụng thì đáng ra Viện kiểm sát là cơ quan buộc tội phải chủ động trình bày quan điểm chứng cứ buộc tội của mình, trên cơ sở đó bên gỡ tội chứng minh quan điểm gỡ tội của mình. Hội đồng xét xử chứng kiến, xem xét đánh giá cuộc tranh tụng đó; chứ không phải là người lãnh đạo tại phiên tòa, là một bên tranh tụng.

3. Từ thực trạng nói trên, để thực hiện nguyên tắc hiến định tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, theo chúng tôi cần có những đổi mới căn bản sau đây:

Một là, Hiến pháp sửa đổi  năm 2013 đã có quy định: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp (khoản 1, điều 102) và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (khoản 5, điều 103). Đây là hai quy định mới thể hiện quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với tổ chức và hoạt động tư pháp. Vì thế cần có nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn các quy định này của Hiến pháp sửa đổi. Hiến pháp sửa đổi lần này quy định Tòa án thực hiện quyền tư pháp điều đó có nghĩa là công bằng và công lý của một quốc gia, trước hết và chủ yếu biểu hiện điển hình và tập trung nhất ở việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Theo đó, bảo đảm tranh tụng trong xét xử là một nguyên tắc đặc biệt quan trọng để công bằng và công lý của một quốc gia được thể hiện. Có thể nói thực hiện quyền tư pháp và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm có quan hệ chặt chẽ với nhau như hình với bóng, Không thể thực hiện quyền tư pháp nếu thiếu tranh tụng trong hoạt động xét xử. Ngược lại, chỉ có tranh tụng được bảo đảm thì quyền tư pháp mới được thể hiện. Nếu thừa nhận mối quan hệ hữu cơ như vậy thì phải có một sự đổi mới về tư duy và nhận thức; phải coi trọng tranh tụng; tạo lập cho được môi trường thật sự dân chủ và bình đẳng tại phiên tòa. Ở đó, Hội đồng xét xử là những trọng tài chủ tọa cuộc tranh tụng để trên cơ sở đó đưa ra phán quyết.

Hai là, thể chế hóa nguyên tắc hiến định tranh tụng trong xét xử được bảo đảm trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Bộ luật Tố tụng hình sự và các luật có liên quan. Theo đó, cần phải thể chế một số nội dung sau đây:

+  Tòa án thực hiện quyền tư pháp tức là thực hiện quyền xét xử. Những gì không thuộc quyền xét xử không nên giao cho Tòa án như quyền khởi tố vụ án hình sự; có trách nhiệm chứng minh tội phạm và trong trường hợp Viện kiểm sát thì Hội đồng xét xử vẫn phải nghị án...

+ Về Viện kiểm sát phải quy định rõ tại phiên tòa, Viện kiểm sát có chức năng buộc tội. Kiểm sát việc xét xử của Tòa án tại phiên tòa chủ yếu được thực hiện thông qua việc buộc tội (thực hành quyền công tố).

+ Coi trọng quyền chứng minh của người bị buộc tội; không nên xem đây là nghĩa vụ của họ. Vì vậy, pháp luật phải tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, bình đẳng hơn nữa cho luật sư, người trợ giúp pháp lý tham gia vào hoạt động tố tụng.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bàn về nguyên tắc hiến định: Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO