Bàn về khái niệm dân nguyện

19/06/2007 00:00

Trên bình diện ngôn ngữ, “dân nguyện” là một thuật ngữ Hán - Việt. “Dân” nghĩa là nhân dân nói chung, còn “nguyện” có nghĩa là mong ước. Dân nguyện có nghĩa là những điều mong ước của nhân dân (1). Đi tìm cội nguồn của thuật ngữ “mong ước” cho thấy: hầu hết các từ điển tiếng Việt đều định nghĩa đó là những ao ước, khát vọng, mong muốn... và chờ đợi, hy vọng được đáp ứng. Trong tiếng Anh, “dân nguyện” được viết là People’s aspirations, cũng có nghĩa là nguyện vọng, khát vọng. Với cách tiếp cận đó, có thể hiểu “dân nguyện” là những tâm tư, nguyện vọng, mong ước của nhân dân, bao gồm cả sự chờ đợi được hồi âm, giải quyết.

      Trên bình diện pháp lý, khái niệm “dân nguyện” thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa nhân dân và nhà nước. Nó được trình bày dưới dạng các ý kiến, kiến nghị, đề xuất... thông qua hình thức thể hiện bằng lời nói trực tiếp, bằng văn bản, bằng dư luận xã hội hoặc bằng sức ép của dân chúng được tập hợp thành các cuộc biểu tình để đưa yêu sách đối với nhà cầm quyền. Nói cách khác, hễ là những gì liên quan đến khát vọng, mong muốn, những yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân đều có nghĩa là dân nguyện. Do đó, khái niệm dân nguyện có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, thì dân nguyện là lòng dân nói chung mong muốn được hưởng thụ cuộc sống trong hoà bình, ấm no, hạnh phúc mà chế độ mang lại. Theo nghĩa hẹp, dân nguyện là ý chí, tâm tư, nguyện vọng của một người, một bộ phận nhân dân mong muốn các cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết một vấn đề nào đó. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) rằng, “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Bởi vậy, dân nguyện không chỉ thuần tuý là một hiện tượng xã hội, mà còn là một thuộc tính gắn liền với quyền con người và quyền công dân - xét trong mối quan hệ với nhà nước.
      Trong xã hội có giai cấp, những đòi hỏi, mong muốn, mơ ước của nhân dân không chỉ thuần túy là những ý kiến, kiến nghị nói chung, mà còn là đối tượng nghiên cứu và tác động của nhà nước. Việc coi trọng đến những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của nhân dân - xét từ góc độ quản lý trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội - là tiền đề quan trọng để xem xét bản chất  nhà nước. Chính vì vậy, ngay từ khi nhà nước mới  xuất hiện, các giai cấp thống trị luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, quảng bá về bản chất ưu việt của mình nhằm thu hút sự ủng hộ của đông đảo của quần chúng nhân dân. Đó là một trong những lý do sản sinh ra các học thuyết chính trị - pháp lý mang bản chất của giai cấp thống trị và sự hình thành nên các kiểu nhà nước trong lịch sử. Các cuộc nổi dậy của nhân dân chống lại nhà cầm quyền đều bắt nguồn từ nguyên nhân cội rễ, đó là sự không thoả mãn các yêu cầu, đòi hỏi, mong muốn của nhân dân đối với nhà cầm quyền, khi những khát vọng, mong ước của họ không được chấp nhận hoặc bị chà đạp, bị nô dịch bởi giai cấp thống trị. Thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân loại đã chứng minh rất mạch lạc chân lý này.
      Trong xã hội dân chủ, những ý kiến, kiến nghị thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của nhân dân không chỉ xuất phát từ các nhu cầu của đời sống cá nhân hay cộng đồng xã hội, mà còn thể hiện sâu sắc mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân. Trong đó, nhân dân - với tư cách là chủ thể của quyền lực nhà nước - có quyền đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng của mình đối với nhà nước. Và nhà nước, với tư cách là một thiết chế bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân, có nghĩa vụ đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi chính đáng đó. Những vấn đề này đều được hiến pháp và pháp luật của các nhà nước hiện đại ghi nhận.
      Bởi vậy, “dân nguyện” đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong các hoạt động của nhà nước. Những bước phát triển của nền văn minh dân chủ luôn gắn liền với sự hình thành, phát triển của chế định “dân nguyện”, được thể hiện trong các quy định của pháp luật hay các thiết chế nhà nước tương ứng. 
      Từ những vấn đề đã nêu cho thấy nội hàm khái niệm “dân nguyện” chứa đựng hai thuộc tính: dân nguyện (mà nội dung của nó đã được mô tả ở trên) và công tác dân nguyện (hay hoạt động dân nguyện) của nhà nước. Như vậy, liên quan đến khái niệm “dân nguyện”, cần phải đề cập đến các vấn đề: chủ thể dân nguyện; nội dung dân nguyện; chủ thể công tác dân nguyện và nội dung của công tác dân nguyện (hay hoạt động dân nguyện). Theo cách hiểu đó, có 4 yếu tố tạo nên đặc trưng của khái niệm dân nguyện, đó là:
      - Chủ thể của dân nguyện là nhân dân nói chung hoặc cá nhân, nhóm cá nhân trong nhân dân, được xác định theo từng mối quan hệ cụ thể. Xác định rõ chủ thể của dân nguyện có ý nghĩa quan trọng trong việc phân tuyến các mối quan hệ cụ thể giữa cá nhân, nhóm cá nhân hay toàn thể nhân dân đối với mỗi cơ quan nhà nước hay người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước.
      - Nội dung của dân nguyện là những ý kiến, kiến nghị, đề đạt của chủ thể dân nguyện mong muốn được xem xét, xử lý hay giải quyết một vấn đề nào đó. Trên cơ sở xác định rõ nội dung, hình thức, động cơ, mục đích của các chủ thể, sẽ phân loại và xử lý dân nguyện theo thẩm quyền  và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước do pháp luật quy định.
      - Chủ thể của công tác dân nguyện là nhà nước, các cơ quan nhà nước hoặc người có trách nhiệm, được xác định tuỳ theo mối quan hệ về thẩm quyền giải quyết. Việc quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo ra khả năng xem xét, tiếp thu và xử lý có hiệu quả dân nguyện.
      - Nội dung công tác dân nguyện của nhà nước, các cơ quan nhà nước hoặc người có trách nhiệm, bao gồm: cơ chế, chính sách, pháp luật và các hoạt động của chủ thể trực tiếp xem xét, xử lý dân nguyện. Đó là hệ thống các quy phạm trong các văn bản pháp luật xác định về trách nhiệm, thẩm quyền, trình tự xem xét, tiếp thu, xử lý dân nguyện.
      Nói đến khái niệm “dân nguyện” là nói đến những kiến nghị, đề đạt, những mong muốn, khát vọng của nhân dân. 
      Về nội dung, nó được thể hiện khái quát trong 5 nhóm vấn đề chủ yếu sau đây:
      a) Nhóm những ý kiến, kiến nghị liên quan đến công việc chung của đất nước, thể hiện sự quan tâm của nhân dân đối với nhà nước trong việc hoạch định chính sách, pháp luật và việc thực thi chính sách, pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 
      b) Nhóm những ý kiến, kiến nghị liên quan đến đội ngũ cán bộ - công chức nhà nước. Đó là những đòi hỏi, yêu cầu, mong muốn của nhân dân về tiêu chuẩn, chất lượng, năng lực, hiệu quả hoạt động và mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ - công chức nhà nước với nhân dân
      c) Nhóm những ý kiến, kiến nghị liên quan đến công việc của các cấp chính quyền địa phương. Ở đây, nhân dân mong muốn, đòi hỏi và yêu cầu bộ máy chính quyền nhà nước ở địa phương thực thi có hiệu quả những chính sách chung trong điều kiện cụ thể, có tính năng động, sáng tạo, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
      d) Nhóm những ý kiến, kiến nghị liên quan đến quyền lợi cá nhân của công dân. Đó là những ý kiến, kiến nghị phản ánh của công dân về thực trạng quyền lợi của cá nhân mình và yêu cầu đòi hỏi các cơ quan nhà nước, người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước xem xét, giải quyết nhằm bảo vệ những lợi ích chính đáng của mình.
      đ) Nhóm những ý kiến, kiến nghị bày tỏ thái độ bất bình đối với các cơ quan nhà nước và cán bộ - công chức nhà nước. Trong nhóm ý kiến, kiến nghị này, nhân dân thể hiện sự mất tín nhiệm, thiếu niềm tin của mình đối với toàn bộ, một bộ phận của bộ máy nhà nước hay đội ngũ cán bộ - công chức nhà nước và đòi hỏi phải có sự điều chỉnh phù hợp.
      Về hình thức, theo cách diễn đạt như trên, thì: 
      - Những ý kiến, kiến nghị của nhân dân thuộc các nhóm a, b, c là cơ sở hình thành nên những ý kiến đóng góp, thư góp ý, thư ngỏ, dư luận xã hội hoặc đỉnh cao của nó là các cuộc biểu tình phản đối... Những ý kiến, kiến nghị đó gợi mở cho các cơ quan nhà nước và những người có chức trách nhiều vấn đề cần được xem xét, nghiên cứu, tiếp thu, xử lý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình. 
      - Những ý kiến, kiến nghị của nhân dân thuộc nhóm d là cơ sở hình thành nên các khiếu nại của công dân. Trong đó, nhân dân thể hiện sự không thoả mãn trong cách giải quyết của các cơ quan nhà nước, của người có chức vụ, quyền hạn đối với những vụ việc liên quan đến quyền lợi vật chất, tinh thần của mình và tồn tại dưới dạng đơn, thư khiếu nại
      - Nhóm đ - với những ý kiến, kiến nghị bày tỏ nỗi bức xúc của nhân dân đã hình thành nên những đơn, thư tố cáo đối với những việc làm sai trái, những hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan nhà nước hay cán bộ - công chức nhà nước. Cũng có khi những ý kiến, kiến nghị ở cả nhóm dđ kết hợp thành những đơn thư vừa khiếu nại, vừa tố cáo.

Ts. Lê Thanh Vân
 Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu – VPQH

      1 Nguyễn Lân, Từ điển từ và ngữ Việt Nam, NXB thành phố HCM, 2000, tr.490.

      Ảnh: danang.gov.vn

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bàn về khái niệm dân nguyện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO