Từ chức danh Ủy viên Thường trực HĐND
Không phải tự nhiên mà trước năm 2015, Luật Tổ chức HĐND và UBND và các văn bản pháp luật quy định HĐND có chức danh Ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Giai đoạn này, thứ bậc trong tập thể Thường trực HĐND bố trí theo 3 bậc: Chủ tịch (hoạt động kiêm nhiệm) đến Phó Chủ tịch và sau cùng là Ủy viên Thường trực. “Ý tứ” của việc quy định chức danh là tạo sự phân cấp giữa hai thành viên Thường trực HĐND hoạt động chuyện trách.
Tại thời điểm đó, tên gọi của chức danh Ủy viên Thường trực nhận được nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét của chính những người công tác tại HĐND cho rằng đó là một tên gọi có thể nói là “không giống ai”, gây sự khó hiểu về địa vị pháp lý của chủ thể. Thậm chí, chức danh này khiến nhiều người công tác ngoài HĐND hay cử tri không hiểu.
Tuy nhiên, quy định chức danh Ủy viên Thường trực có ưu điểm là thể hiện sự phân cấp nhiệm vụ của Thường trực. Với cơ cấu tổ chức Chủ tịch HĐND thường là kiêm nhiệm thì hai chức danh chuyên trách của HĐND cần có sự phân cấp là hợp lý, thuận lợi cho chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân.
Nếu nhìn rộng ra sẽ có câu hỏi: Tại sao cùng thực hiện Luật Tổ chức HĐND và UBND nhưng tại thời điểm trước và ngay cả hiện nay, UBND lại quy định các chức danh lãnh đạo của UBND đều là Phó Chủ tịch UBND mà không có và không cần sự phân cấp như HĐND. Câu trả lời là bởi khác với Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND hoạt động chuyên trách nên việc điều hành, phân công, phân nhiệm đã có Chủ tịch UBND đảm đương như “tổng chỉ huy tại chỗ”. Vì vậy, vấn đề phân cấp địa vị pháp lý không cần thiết phải đặt ra đối với các Phó Chủ tịch UBND.
![]() Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai giám sát việc triển khai dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại tại xã Bàu Cạn, huyện Long Thành |
Ảnh: Xuân Huyên |
Đến hai Phó Chủ tịch HĐND
Từ năm 2016, ghi nhận và tiếp thu ý kiến góp ý của các địa phương, tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, chức danh Ủy viên Thường trực được thay bằng Phó Chủ tịch HĐND. HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 2 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách.
Với cơ cấu tổ chức 2 Phó chuyên trách và 1 Trưởng kiêm nhiệm thì các địa phương ý thức sâu sắc rằng không thể 2 phó Chủ tịch cùng “dàn hàng”, “như nhau” một cách tuyệt đối trong vai trò giúp việc cho Chủ tịch HĐND và điều hành hoạt động của Thường trực HĐND mà phải có thứ bậc, phải thể hiện được sự trước, sau, trên, dưới. Nhưng Luật không quy định, vậy nên các địa phương phải tìm cách cho mình.
Cách phổ biến các địa phương thực hiện và gặp thuận lợi là chọn và phân công 1 Phó Chủ tịch Thường trực HĐND. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND đảm nhận vị trí số 2, sau Chủ tịch HĐND và luôn là người có cơ cấu cao hơn trong cấp Ủy cùng cấp. Việc phân cấp thứ bậc này thể hiện trong Quy chế hoạt động hoặc quyết định phân công nhiệm vụ của tập thể Thường trực HĐND.
Tuy nhiên, thực tế lại phát sinh vấn đề mới. Tại Hội nghị, Hội thảo của Thường trực HĐND các khu vực, rất nhiều ý kiến cho rằng tên gọi Phó Chủ tịch Thường trực HĐND chỉ là “tên gọi cho vui” vì không chính danh. Mà không chính danh nên việc sử dụng lúc có, lúc không. Đơn cử như đảm nhận công việc điều hành hoạt động thường xuyên của Thường trực hay trong thứ bậc, giới thiệu... thì có thể thể hiện chức danh Phó Chủ tịch Thường trực HĐND. Nhưng khi ký văn bản hoặc thể hiện chức danh trong các văn bản, thông báo thì khó thể hiện chức danh này.
Cần có địa vị pháp lý riêng
Với việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này, thiết nghĩ cùng với quy định HĐND có 2 Phó Chủ tịch HĐND cũng cần xử lý thêm một vấn đề về địa vị pháp lý của 2 Phó Chủ tịch HĐND. Lý do như đã phân tích ở trên, đồng thời trong quan hệ hành chính, tuân thủ thứ bậc là một nguyên tắt bắt buộc phải có.
Về cách thức, nên quy định theo cách đã thực hiện và chứng minh hiệu quả trên thực tế như đã nêu ở trên. Theo đó, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện sẽ có Phó Chủ tịch Thường trực và Phó Chủ tịch HĐND. Việc quy định ai là Phó Chủ tịch Thường trực (người cơ cấu trong cấp Ủy cao hơn hay người am hiểu hoạt động HĐND hơn) do tập thể Thường trực HĐND đó lựa chọn quyết định sao cho hoạt động của Thường trực HĐND thuận lợi và đạt hiệu quả cao nhất.
Nếu ví HĐND như một con tàu thì Thường trực HĐND chính là đầu tàu đảm nhận nhiệm vụ dẫn dắt và kéo con tàu đó vượt lên. Vì vậy, Thường trực HĐND phải có tổ chức và cơ chế hoạt động hợp lý để tạo tiền đề cho một Thường trực HĐND và một HĐND hoạt động hiệu quả.