Bạn văn trong Quốc hội khóa đầu

02/01/2023 06:27

NGUYỄN HUY THẮNG Một trang văn mang dấu tích, hay kỷ niệm của ba nhà văn, nhà thơ lớn - bản thân điều này đã là một câu chuyện thú vị mà người yêu văn chương tất hẳn quan tâm. Nó chẳng chứng tỏ giữa ba ông, hay ít nhất giữa cha tôi - nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận có mối quan hệ hơn mức giao tiếp bình thường đó ư? Và thực tế đúng là như vậy!

Đi theo cờ đỏ sao vàng

Trong quá trình viết tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã sử dụng nhiều nguồn tài liệu. Bên cạnh lời kể, chứng tích của những người trực tiếp tham gia cuộc chiến (cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, người Hà Nội từng có mặt trong những ngày diễn ra chiến sự...), ông còn có được nhiều tài liệu tham khảo khác do bạn bè, đồng nghiệp cung cấp. Ở bài viết này, tôi muốn nói đến một tập ghi chép của nhà thơ Xuân Diệu trong những hiện vật cha tôi để lại, từng được hóa thân vào tác phẩm của ông.

Đoạn ghi chép của Xuân Diệu được Nguyễn Huy Tưởng sử dụng cho đoạn văn trong
Đoạn ghi chép của Xuân Diệu được Nguyễn Huy Tưởng sử dụng cho đoạn văn trong "Sống mãi với thủ đô"

Mặc dù là những ghi chép cá nhân của tác giả Gửi hương cho gió, tập tài liệu lại do nhà thơ Huy Cận gửi cho cha tôi. Ở mặt ngoài còn lưu bút tích của tác giả Lửa thiêng, một bên ghi: “Bài này do Xuân Diệu viết”, và bên kia là ba câu thơ về một “chú lái khờ”, không rõ họa ai.

Trong hai trang ghi các mẩu chuyện của nhà thơ Xuân Diệu, tập hợp dưới tên chung Đi theo cờ đỏ sao vàng, đáng chú ý có hai đoạn. Đoạn đầu thuật câu chuyện về một bà cụ hồi vỡ mặt trận Ninh Hòa, dù tuổi cao sức yếu nhưng không chịu ở lại nơi nay đã lọt vào tay giặc, mà nhất quyết theo đoàn người tản cư tìm về vùng đất do ta kiểm soát. Và cụ đã mất trên con đường đi tìm miền đất tự do mà không hề tiếc nuối. Thứ đến là một đoạn được đóng khung, kể về một nấm mồ chiến sĩ vô danh hy sinh ở đèo Cả, được chôn trong rừng sâu trên có đề mấy dòng chữ: “mồ chiến sĩ - đội viên trong bộ đội Bắc Sơn, chôn ngày 8.2.1946”.

Từ hai nội dung không có liên quan với nhau đó, nhà tiểu thuyết đã kết hợp lại thành một câu chuyện có tính biểu tượng về một bà cụ đi tìm tự do. Cụ thể, đó là một đoạn trong Chương 6 của tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô, thông qua lời kể của nhân vật Nhật Tân. Anh là chiến sĩ trinh sát của lực lượng bảo vệ thủ đô, từng tham gia đoàn quân Nam tiến và trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Ninh Hòa những tháng cuối năm 1945 - 1946.

Bút tích của Huy Cận ghi bên ngoài tập ghi chép của Xuân Diệu mà ông chuyển cho Nguyễn Huy Tưởng
Bút tích của Huy Cận ghi bên ngoài tập ghi chép của Xuân Diệu mà ông chuyển cho Nguyễn Huy Tưởng

Sau đây là câu chuyện Nhật Tân kể với Hiền, vị hôn thê của anh mà vì chiến tranh đang ngấp nghé, hai người đành gác chuyện hôn nhân: “đồng bào miền Nam khao khát ngoài này lắm, mà họ gọi là đất tự do. Anh kể cho Hiền nghe, cái hồi vỡ mặt trận ở Ninh Hòa, quân Pháp sắp kéo đến. Đồng bào không ai ở lại. Từng đoàn người lũ lượt tản cư, theo nhau băng rừng, lội suối, đi tìm miền tự do. Có một bà cụ tám mươi tuổi cũng chống gậy đi. Mọi người nói với cụ: cụ đã già nua tuổi tác, nó dù có tàn ác đến đâu cũng không giết cụ làm gì. Cụ đừng đi cho vất vả. Đường đi nhọc nhằn, cụ sẽ chết dọc đường mất. Bà cụ nói: cảm ơn các ông, các bà có lòng thương. Nhưng tôi không ham sống làm gì nữa. Chỉ muốn đến những nơi nào không có Pháp, những nơi nào còn có ngọn cờ đỏ sao vàng. Thế rồi bà cụ cứ đi. Sau mấy ngày bà cụ đi trong rừng, cụ đã kiệt sức quá. Cụ đã nằm chết ở bên cạnh đường mòn, lối lên đèo Cả. Cụ đã chết trên con đường đi tới tự do đấy, Hiền ạ. Nhưng nét môi đã rụng hết răng như bằng lòng mình đã thở cái hơi cuối cùng ở trên một miền đất trong sạch, không có dấu chân quân Pháp. Anh đắp một nấm mồ chôn cụ, cài một mảnh giấy chẳng biết bây giờ có còn không, đề mấy dòng: mồ một bà cụ đi tìm tự do, đèo Cả ngày 8.2.1946"…

Năm đại biểu văn hóa - văn nghệ tại một sự kiện năm 1946, từ bên phải qua: Nguyễn Huy Tưởng, Huy Cận, Xuân Diệu, Thôi Hữu, Nguyễn Đình Thi
Năm đại biểu văn hóa - văn nghệ tại một sự kiện năm 1946, từ bên phải qua: Nguyễn Huy Tưởng, Huy Cận, Xuân Diệu, Thôi Hữu, Nguyễn Đình Thi

Những bức ảnh quý giá

Hiện trong lưu trữ của gia đình chúng tôi có ba bức ảnh có cả nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Huy Cận.

Bức thứ nhất chụp năm 1946, khi ba ông đều đã là những người “tai mắt” của chính thể mới, và đều còn rất trẻ: Nguyễn Huy Tưởng 34 tuổi, Xuân Diệu 30 tuổi, và Huy Cận 29 tuổi. Bấy giờ ông Huy Cận là Bộ trưởng Canh Nông trong Chính phủ của cụ Hồ, cha tôi là một lãnh đạo Hội Văn hóa cứu quốc và ông Xuân Diệu là thư ký tạp chí Tiên phong, cơ quan của Hội. Đồng thời, ba ông còn là đại biểu Quốc hội, cùng với ông Nguyễn Đình Thi, người thứ tư trong ảnh. Còn người thứ năm là nhà thơ Thôi Hữu, một nhà hoạt động tiền bối của phong trào cách mạng Hà Nội từ trước 1945.

Bức thứ hai tôi muốn nói đến là tấm hình lưu niệm các ông chụp trước khi vào họp Quốc hội, kỳ họp thứ ba, tháng 12.1953 ở chiến khu Việt Bắc. Ở đó ngoài các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, còn có họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cũng là đại biểu Quốc hội.

Các văn nghệ sĩ là đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa I (tháng 12.1953), từ bên phải qua: Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Đỗ Cung (đứng sau), Huy Cận, Nguyễn Đình Thi
Các văn nghệ sĩ là đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa I (tháng 12.1953), từ bên phải qua: Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Đỗ Cung (đứng sau), Huy Cận, Nguyễn Đình Thi

Và cuối cùng, bức thứ ba, chụp cha tôi cùng các ông Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi. Qua bút tích của nhà thơ Huy Cận, người gửi tặng ảnh cho cha tôi, ta có được những thông tin về bức ảnh: "Tưởng ơi, gửi Tưởng cái ảnh chúng mình chụp ở Chủ tịch phủ hôm họp Quốc hội kỳ 12 - Huy Cận”.

Kỳ họp 12 chính là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội Khóa I, diễn ra vào cuối tháng 4.1960. Và đó có lẽ cũng là lần cuối cùng cha tôi còn họp hành, dù là Quốc hội hay gì khác, vì chỉ một tháng sau, ông phải nhập viện do căn bệnh ung thư đã ủ bệnh từ lâu mà không biết.

Bạn văn trong Quốc hội khóa đầu -0
Bốn nhà văn, nhà thơ dự Kỳ họp thứ 12, Quốc hội Khóa I (tháng 4.1960), từ bên phải sang: Huy Cận, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi

Cha tôi ra đi vài tháng sau đó (25.7.1960), để lại nhiều lỡ dở. Mẹ tôi, sau một thời gian suy sụp, đã gượng dậy để chăm lo cho các con và quán xuyến những gì ông để lại. Ngoài một số ít bản thảo đưa in, mọi thứ thuộc về ông hoặc liên quan đến ông đều được bà giữ lại hết. Từ những gì có lưu bút của ông hoặc tên ông cho đến những thứ ít có vẻ liên quan trực tiếp đến ông, như hình ảnh, thư từ của một người bà không biết, hay một tập tài liệu mà bà biết không phải của chồng mình, như tập ghi chép của nhà thơ Xuân Diệu nói trên. Chính nhờ đó mà giờ đây ta biết được về lai lịch một trang văn trong Sống mãi với Thủ đô, hay bức ảnh cuối cùng nhà văn Nguyễn Huy Tưởng từng chụp cùng các bạn văn, thơ, với lời đề tặng rất thân tình của nhà thơ Huy Cận. Và bao trùm lên tất cả là những câu chuyện văn chương và không chỉ văn chương các ông để lại cho đời...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bạn văn trong Quốc hội khóa đầu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO