Bán tín chỉ carbon – kinh nghiệm từ Quảng Trị

Lê Tùng 23/08/2024 16:50

Năm 2010, Quảng Trị là địa phương đầu tiên ở nước ta được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Đây cũng là một trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ thực hiện thí điểm, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính, theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Và đến cuối năm ngoái 2023, lần đầu tiên Quảng Trị thu về trên 51 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon, số tiền này được chi trả trực tiếp lại cho bà con ở các tổ bảo vệ rừng tại thôn bản và chủ rừng.

Diện tích rừng và kinh tế xanh là trụ cột

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tổng diện tích rừng tương đối lớn và đất quy hoạch phát triển rừng - gần 278 nghìn ha – là lợi thế lớn nhất của địa phương. Trong đó, diện tích rừng 248 nghìnha (rừng tự nhiên 126 nghìn ha, rừng trồng 122 nghìn ha), đất quy hoạch phát triển rừng gần 30 nghìn ha với tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh duy trì ổn định, đạt gần 50% năm 2023.

“Như chúng ta đã biết, rừng được xem là một nhà máy sinh học tự nhiên, thường xuyên thu nhận CO2 và cung cấp O2. Đặc biệt ngày nay khi hiện tượng nóng dần lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính, vai trò của rừng trong việc giảm lượng khí CO2 là rất quan trọng,” ông Đồng thông tin.

Với diện tích rừng lớn, Quảng Trị là địa phương rất có tiềm năng trong lĩnh vực cung cấp tín chỉ carbon từ rừng. Các khu rừng tự nhiên với chất lượng rừng tốt sẽ có khả năng hấp thụ CO2 cao hơn các loại rừng trồng, cây nông nghiệp khác. Bằng cách đầu tư vào công tác phát triển rừng, bảo vệ rừng giúp giảm hoặc ngăn chặn phát thải khí nhà kính chúng ta sẽ trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sự thay đổi tích cực cho tương lai.

Bán tín chỉ carbon – kinh nghiệm từ Quảng Trị -0
Người dân tham gia bảo vệ rừng là điểm cộng trong cách làm của Quảng Trị

Thực hiện, Chương trình chuyển nhượng kết quả giảm phát thải/tín chỉ carbon rừng, đó là Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) được ký ngày 22.10.2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế thuộc nhóm của Ngân hàng Thế giới, Quảng Trị được lựa chọn là 1 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ được thí điểm triển khai thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết thêm, trước tình hình quốc tế và trong nước thay đổi, để có thể chủ động tham gia xu thế toàn cầu về phát triển carbon thấp, huy động nguồn lực, chuyển dịch mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia.

Hiện địa phương này đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo duy trì chỉ tiêu độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt gần 50%; định hướng phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo như điện gió, nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên... theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, cũng như các Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh.

Tiền đến tận tay từng hộ dân cư

Để thực hiện chương trình trên, chi trả số tiền Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Quảng Trị đã tiếp nhận nguồn thu từ Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) theo phân bổ của Cục lâm nghiệp. Hằng năm trên cơ sở kết quả cập nhật diễn biến rừng được công bố, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt diện tích rừng tự nhiên, đối tượng hưởng lợi và kế hoạch tài chính nguồn thu từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, nhóm hộ gia đình, nhóm hộ dân cư được phân bổ tiền bán tín chỉ tương đối cụ thể trong năm 2023. Cụ thể, tổng diện tích rừng tự nhiên được chi trả là 126.692,4 ha, số tiền chi trả là hơn 17 tỷ đồng; năm 2024 tổng diện tích rừng tự nhiên được chi trả là 126.693,87 ha, số tiền chi trả sẽ là hơn 21 tỷ đồng.

Thống kế cũng cho thấy, đối tượng chi trả là các chủ rừng như hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư với diện tích 15.992 ha; chủ rừng là tổ chức với diện tích 85.753 ha (gồm: 3 công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nhà nước, 3 Ban quản lý rừng phòng hộ, 2 Ban quản lý rừng đặc dụng); chủ rừng là UBND huyện (đảo Cồn Cỏ)/ UBND cấp xã với diện tích 18.907 ha và tổ chức được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng với diện tích 6.040 ha (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh).

Đơn giá chi trả được tính theo công thức, sau khi trừ đi 10% chi phí quản lý tại Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, số tiền còn lại được chi trả về cho các chủ rừng, bình quân 130.000 đồng/ha (năm 2023) và dự kiến 155.000 đồng/ha (năm 2024).

Các nội dung được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị chi trả tương đối rộng, bao gồm hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính (gồm rà soát, xây dựng, bổ sung hoàn thiện các hướng dẫn cơ chế, chính sách về giảm phát thải khí nhà kính trong lâm nghiệp).

Rà soát, theo dõi đánh giá biến động trữ lượng các-bon rừng; kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác; tổ chức triển khai các giải pháp về quản lý rừng bền vững; tăng cường thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó, nâng cao năng lực cho tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, bảo vệ rừng.

Các hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính, gồm bảo vệ rừng tự nhiên; các biện pháp lâm sinh theo quy định hiện hành, được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật… cũng được chi trả.

Bên cạnh đó còn là hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế, như các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm cung ứng, giống cây trồng, giống vật nuôi; quản lý lập địa và phát triển kinh tế rừng trồng; mua sắm thiết bị chế biến nông lâm sản; tham quan học tập xây dựng các mô hình trình diễn về phát triển sinh kế gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Các nội dung khác được chi trả tiền bán tín chỉ carbon còn có thể kể tới như  hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng của cộng đồng dân cư như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa và các công trình khác; được cộng đồng tham gia quản lý rừng thống nhất đề xuất; hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các hương ước, quy chế, cam kết thực thi pháp luật.

Hoạt động quản lý, gồm quản lý và điều phối nguồn thu; hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá; đo đạc, báo cáo, thẩm định kết quả giảm phát thải; truyền thông, tuyên truyền hay hoạt động giải quyết thắc mắc, khiếu nại và phản hồi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bán tín chỉ carbon – kinh nghiệm từ Quảng Trị
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO