Bàn tay sắt chống tham nhũng

Huỳnh Vũ 19/11/2013 08:37

Một năm trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức bước vào Đại lễ đường Nhân dân. Khi đó, thái độ kiên quyết với các vấn đề nổi cộm như nạn tham nhũng của ông được coi là những tín hiệu đầu tiên về sự thay đổi. Và quả thực, đã có sự thay đổi lớn trong hàng ngũ lãnh đạo Trung Quốc, từ Trung ương tới địa phương, trong suốt một năm qua.


Một loạt quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị bắt giữ trong những tháng gần đây. Trong số này có Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và quản lý tài sản nhà nước Tưởng Khiết Mẫn, người từng là Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), và cựu Phó bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên Lý Xuân Thành. Bắc Kinh đã làm choáng váng ngành năng lượng của Trung Quốc vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 với việc công bố rằng 5 cựu quan chức cấp cao của PetroChina và doanh nghiệp mẹ CNPC đang bị điều tra vì “những vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, một cụm từ thường được dùng để chỉ tội tham nhũng. Trước đó, quan chức vang bóng một thời tại Trung Quốc, cựu Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị tuyên án tù giam. Gần 12 quan chức cấp thứ trưởng đã bị xử lý kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Giờ đây, cuộc chiến chống tham nhũng đang nóng lên từng ngày ở Trung Quốc và mang lại hiệu quả răn đe đối với các quan tham ở nước này.          

Đánh giá tổng thể chiến dịch chống tham nhũng của ban lãnh đạo Trung Quốc, giới phân tích quốc tế cho rằng chiến dịch này gánh vác nhiều mục tiêu tham vọng, nổi bật nhất là làm nền tảng và đòn bẩy cho công cuộc cải cách tổng thể nền kinh tế vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII. Các nhân vật bị điều tra trong những tháng gần đây, đặc biệt là lãnh đạo ngành dầu khí, cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách siết chặt các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước (SOEs). Từ trước đến nay, các SOE thường đại diện cho những nhóm lợi ích đầy quyền lực, nhưng lại làm ăn kém hiệu quả và phản đối cải cách kinh tế. Từ góc độ này, chiến dịch chống tham nhũng sẽ là đòn đánh “phủ đầu”, giúp ông Tập Cận Bình loại bỏ những trở ngại trong nỗ lực cải cách kinh tế.

Song hành cùng mục tiêu mang tính tổng thể này là mục tiêu quảng bá hình ảnh về một nhà lãnh đạo mới trong sạch và gần dân, khác xa với những quan chức “nhúng chàm” để có được tài sản kếch xù và bất chính, để từ đó củng cố quyền lực lãnh đạo của ban lãnh đạo Trung Quốc thế hệ thứ 5 nói chung và cá nhân Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng.
Giáo sư Kinh tế Hồ Tinh Đấu thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh cho rằng, mức độ phòng chống tham nhũng của ban lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm là chưa từng có, cho thấy một phần “bàn tay sắt trị quốc” của nhân vật này. Tới nay, hàng loạt biện pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí của chính quyền đã thu được hiệu quả rất tốt. Nhờ vậy, củng cố vị thế của ban lãnh đạo.

Tuy nhiên, vượt ra ngoài mục tiêu nâng cao uy tín cá nhân, cải tổ các SOE, chiến dịch chống tham nhũng đã thể hiện khá rõ tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong nỗ lực định hình và định hướng tương lai chính trị Trung Quốc. Như vậy, chiến dịch chống tham nhũng sẽ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, siết chặt kỷ cương từ Trung ương đến địa phương, tăng cường trách nhiệm. Đó là một bộ máy tập trung và thống nhất, nhưng khi vận hành phải trơn tru và hiệu quả. Giới phân tích cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thông qua chiến dịch quy mô này để ngăn chặn và loại bỏ những nguy cơ tiềm tàng đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tương lai, trong khi đồng thời củng cố vị trí của các nhà lãnh đạo.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bàn tay sắt chống tham nhũng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO