Bàn tay cầm đồng tiền

Tản văn của Lộc Vừng 18/09/2012 08:12

Tôi tìm mua trong hiệu sách cũ quyển Hà Nội trong mắt tôi, đọc lại bài Nếp nhà của nhà văn Nguyễn Khải. Ông đã viết: “Càng ít sờ mó tới tiền càng tốt. Nó có độc đấy, bàn tay thương vợ bàn tay yêu con, bàn tay nắm bàn tay của bạn bè đếm mãi tiền nhiễm độc lúc nào không hay, sẽ không còn là bàn tay của người nữa”. Đọc lại câu chữ của Nguyễn Khải mà tôi vẫn giật mình thon thót.

Cái đận sau mùa bóng đá Euro, xã hội từng có bao nhiêu cặp vợ chồng tan nhà nát cửa vì tiền bạc, ra hầu tòa nguyên nhân lại cũng chỉ vì tiền. Sau cá độ là nợ nần, là cãi vã, là con cái đơn lẻ thiếu vắng mẹ hoặc thiếu vắng cha. Hoặc có gia đình không còn nhà ở. Cũng chỉ vì người đàn ông không làm chủ được sự khát khao kiếm tiền bằng cá cược. Và sau những trận bóng đá, có gia đình đi thuê nhà ở. Bố mẹ chờ ly hôn ở phường. Con thơ bơ vơ. Không có phép tính nhân cho nỗi niềm trẻ thơ đau khổ, cũng không có phép tính trừ cho bà mẹ đơn thân bớt tủi cực, nai lưng trả nợ vì có con cờ bạc ở trường đại học, bỏ học, và lêu lổng.

Bàn tay cầm đồng tiền ảnh 1
Minh họa của K.Long

Tất cả cũng từ những bàn tay cầm đồng tiền và bị đồng tiền mê dụ. Nhớ một lần tôi mua trầu cau để giỗ mẹ. Gặp chị Hiển bán trầu cau ở chợ Đồng Xa, người chuyên bán niềm vui sắp đặt cau cưới, ăn hỏi, cho các đôi nam thanh nữ tú, một người chuyên làm đẹp cho đời từ buồng cau, mâm ngũ quả. Người luôn bày cho bảy sắp lễ khi con trai xin cưới vợ, bày chín sắp lễ cho con gái về nhà chồng. Cười với người dưng, rồi quệt mắt khóc tủi thân ở góc chợ, vì con trai chị còn đem cả ngôi nhà của mẹ bán trầu cau cả đời ra cá cược, thế là người mẹ như chị Hiển về quê ngoại tá túc nhà em gái, chị không thể mơ một ngày sắp ngũ quả cho con trai hỏi vợ. Lo nghĩ, chị bị nhồi máu cơ tim rồi mãi mãi xóa sổ số phận mình sau trận Bồ Đào Nha thắng Ý. Không rõ kết thúc số phận con trai chị Hiển ra sao. Còn một cậu tên Hòa ở trường đại học Công nghệ thông tin thì có em trai cá độ một con xe, người anh đi học hàng ngày bằng xe buýt, lại đi làm thuê ở bếp ăn phố chợ ga, có đêm ngủ lại trên bàn chợ để đi học tiếp. Không dám nói cho cha mẹ hay, để đứa em không bỏ học, và còn hy vọng để duy trì tình thương yêu của gia đình với em trai. Chắc Hòa phải đi làm thuê hết bốn năm đại học may ra mới cứu vãn được cách tiêu tiền hồn nhiên của em trai mình. Những việc làm thiếu suy nghĩ, những cay cú bột phát, những tâng bốc bốc đồng của tuổi trẻ đã đánh gục bao bạn trẻ bỏ dở học đường. Lại có em cá độ ở hàng điện tử ở trong ngõ Tự Do, trắng tay một chiếc máy tính xách tay, trắng tay chiếc xe máy chiếc đồng hồ đắt tiền. Cũng là một cách tiêu tiền làm bao bậc cha mẹ ở nông thôn đánh đổi cả hai tạ lúa, năm tạ khoai và vài sào đỗ đỏ cho con học hành. Tất cả đã thành một ván cờ xóa đi trong chốc lát.

Chị Tấp làm cửu vạn ở chợ Long Biên dành dụm mãi được hai triệu bạc cho con nộp tiền học phí. Cậu con ngờ nghệch ra thành phố đưa bạn vay tạm không giấy tờ. Thế là hai triệu không cánh mà bay, cả một tháng còng lưng của mẹ. Rồi còn bà Thành bán vàng mã bị bọn ma cô lột sạch túi tiền khi đi lễ ở bên đền Ghềnh. Mấy người con trai con gái tiêu tiền hoang phí luôn luôn so sánh người mẹ nghèo khó của mình với những gia đình có công danh bổng lộc. Con cái họ tha hồ vung tiền qua cửa sổ. Chao ôi nỗi niềm cực thân của những bà mẹ mấy ai thấu cho. Chị Bê hôm trước đang trực ca cấp cứu cho người mổ xương. Cậu con trai chị nghĩ ra trò đốt cái áo len, để nhờ bà Hai hàng xóm mở cửa. Cửa mở, cậu con trai xách nhẹ cái máy vi tính xách tay ra khỏi nhà. Khi chị Bê về nhà thì chỉ còn chiếc áo len cháy dở và nước mắt người mẹ lặn chảy vào trong. Bà Hai hàng xóm thở dài, chẳng sao đọc hết chữ ngờ về sự cháy.

Có bà mẹ từng ước, giá con mình bị công an bắt sớm, nuôi nó trong tù dễ thở hơn là nó sống trong nhà, suốt ngày có con nợ đến đòi tiền, rồi việc nó xách can xăng đòi đốt nhà nữa.

Rất nhiều nỗi đau không nhìn thấy trên vết thương hằn sâu trong lòng người mẹ, ai chữa cho đây, dù bác sỹ thì cũng chỉ điều trị theo toa thuốc mỗi đợt. Toa thuốc cho những người mẹ mắc bệnh trầm cảm, bệnh nhồi máu cơ tim có khi lại chính là sự ứng xử thân thiện và cách tiêu tiền của đứa con. Trên đời có chăng cha mẹ dạy con nết ăn nết ở, nhưng hiếm khi dạy con cách chi tiêu đồng tiền, nhất là đồng tiền do mồ hôi nước mắt làm ra, bao giờ chi tiêu người ta cũng cân nhắc và thận trọng, hơn là những đồng tiền tiêu trên mồ hôi nước mắt của người khác. Bàn tay ai cũng hơn một lần chạm vào và cầm tiền tiêu cho cuộc đời này. Thì tiêu thời gian đã khó, tiêu tiền còn khó lắm thay.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bàn tay cầm đồng tiền
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO