Bán sữa, bánh kẹo... phải đi khám sức khỏe?

Vũ Thủy thực hiện 09/09/2015 08:33

Bộ Công thương đang tổ chức lấy ý kiến góp ý Dự thảo Thông tư Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ. Theo đó, chủ cơ sở và người sản xuất, kinh doanh trực tiếp phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tại các cơ sở y tế cấp quận (huyện) trở lên. Quy định này đang gây ra những luồng dư luận trái chiều. Để rộng đường dư luận, Báo ĐBND đăng tải một số ý kiến về nội dung này.

>> Không “lấn sân” thẩm quyền

Cần thiết, nhưng...

Dù thừa nhận quy định như trong Dự thảo Thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương là cần thiết, song PGS. TS Hoa Hữu Lân - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển văn hóa xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội tỏ ra băn khoăn về tính khả thi.
 
Giấy tờ chỉ là hình thức?

- Đứng ở góc độ người tiêu dùng, ông có thể cho biết ý kiến của mình khi vào những địa điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ?

- Người tiêu dùng nào cũng có nhu cầu sử dụng thực phẩm được bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, khi vào cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, thì điều quan tâm đầu tiên của tôi là sự sạch sẽ của địa điểm, cũng như người đứng bán có tuân thủ đúng các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh hay không. Nhưng nhìn chung, chúng ta đều phải “khuất mắt trông coi”, vì khu phục vụ khách hàng thường nằm cách biệt, không dễ quan sát được chất lượng thực phẩm đưa vào sử dụng và quá trình chế biến. Khi ấy, người nấu ăn, phục vụ có mắc bệnh truyền nhiễm thì mình cũng chịu.

Ngoài các nội dung quy định như trên, Dự thảo Thông tư quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công thương còn quy định các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với khu vực sản xuất thực phẩm, nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, chất thải rắn, nước thải trong khu vực sản xuất thực phẩm...

Hồ sơ đăng ký cam kết sản xuất/kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm gồm: bản cam kết (theo mẫu, có thời hạn 3 năm/lần); bản tự đánh giá điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm (theo mẫu); bản sao có chứng thực giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm còn hiệu lực, giấy khám sức khỏe cho chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất/kinh doanh.

- Dường như Bộ Công thương đã lắng nghe, chia sẻ điều đó khi quy định chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, phải khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm, thưa ông?

- Tôi cho rằng, quy định như vậy rất cần thiết dù hơi muộn, sau hàng loạt những vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các vụ kinh doanh thực phẩm bị thối rữa, ngâm tẩm hóa chất độc hại được phát hiện thời gian qua. Tuy nhiên, tôi băn khoăn về tính khả thi của việc yêu cầu chủ cơ sở, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm trực tiếp phải có loại giấy xác nhận nêu trên.

- Nguyên nhân nào khiến ông nghi ngại về tính khả thi của quy định này?

- Lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan đến nhiều chủ thể, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Ngay như ở Hà Nội có hàng vạn hộ kinh doanh, buôn bán thực phẩm thì lấy ai đứng ra tập huấn hết cho họ? Thêm nữa, vấn đề đầu tiên trong kinh doanh là người ta phải nghĩ đến lợi nhuận. Nhiều hộ còn phải thuê nhân công về làm. Bây giờ bắt họ nghỉ làm để đi tập huấn, bỏ tiền ra để đi khám sức khỏe cho mình và cho nhân công thì liệu người ta có chịu không? Họ không tuân thủ thì xử lý thế nào? Chưa kể, nếu không cẩn thận, quy định này khi được thông qua sẽ tiếp tay cho tiêu cực như việc “chạy” giấy chứng nhận, giấy khám sức khỏe. Khi đó, giấy tờ chỉ là hình thức thôi.

- Khi quy định như vậy thì hẳn phải có phương án bảo đảm tính khả thi, thưa ông?

- Tôi đọc dự thảo và không thấy được tính khả thi trong khâu thực hiện, dù phần tổ chức thực hiện đã quy định ai sẽ thực hiện, thực hiện như thế nào, xử lý vi phạm ra sao... Bởi các quy định này vẫn chung chung.

Nguồn: afamily.vn
Nguồn: afamily.vn

Cần quy định chi tiết hơn

- Đây không phải lần đầu tiên quy định trong dự thảo đưa ra bị phản đối và nghi ngờ về tính khả thi. Ví dụ, trước đó, đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h. Theo ông là do đâu?

- Lâu nay, chúng ta chưa có sự gắn kết giữa người làm quy định pháp luật với người triển khai thực hiện. Văn bản quy phạm pháp luật cứ ban hành, còn thực hiện được hay không lại là việc khác. Do vậy, có những quy định khi triển khai thực hiện không như mong đợi, chẳng hạn việc thu phí bảo trì đường bộ với mô tô, xe máy mới đây đã phải tạm dừng vì thiếu khả thi.

- Có ý kiến cho rằng, nếu Bộ Công thương ban hành Thông tư này là “lấn sân” sang lĩnh vực của Bộ Y tế. Ông bình luận gì về điều này?

- Thực tế, vấn đề phân cấp, phân quyền ở ta lâu nay còn chưa thật sự rõ ràng nên có sự chồng lấn giữa các bộ, ngành. Bộ Công thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại, kinh doanh. Do vậy, việc Bộ ban hành Thông tư gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình là việc nên làm.

- Phải chăng lâu nay có những vụ việc mất an toàn thực phẩm là bởi Bộ Công thương đã không kịp thời ban hành thông tư này?

- Thông tư này (nếu được ban hành) không phải là giải pháp mấu chốt. Vấn đề ở đây là Bộ Công thương đã làm được những gì trên thực tế, thông qua công tác kiểm tra, giám sát, xử lý cơ sở kinh doanh/cá nhân vi phạm. Bộ hãy làm tròn vai của mình trước, bảo đảm công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm đúng theo quy định hiện hành cũng như chống tiêu cực (nếu có) trong chính những người thực thi công vụ. Dĩ nhiên, cũng phải hiểu là lực lượng chức năng như quản lý thị trường vẫn còn mỏng nên khó kiểm soát hết tình hình. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan mới mong bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân.

- Theo ông, làm thế nào để tăng tính khả thi của Dự thảo Thông tư này nếu được thông qua?

- Theo tôi, Bộ nên xem xét lại, lấy ý kiến của các bộ liên quan như Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để không chồng lấn các quy định hiện hành. Nhìn vào các điều, khoản của dự thảo thì cảm tưởng là chặt chẽ, song cần phải chi tiết, cụ thể hơn nữa. Chẳng hạn, khi chủ cơ sở và người sản xuất/kinh doanh trực tiếp không thực hiện đúng thì sẽ bị xử lý cụ thể như thế nào, không nên ghi chung chung là “theo quy định hiện hành về xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm”…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bán sữa, bánh kẹo... phải đi khám sức khỏe?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO