Bản sắc và hội nhập
Trên đời có những con đường không thể đi tắt là tới được, mà phải đúng chừng ấy bước, từng ấy thời gian mới tích tụ đủ để làm nên vẻ đẹp, trong văn hóa gọi là bản sắc. Theo nhà văn NGUYỄN VĂN THỌ, trên tiến trình hội nhập, đồng hòa với văn minh nhân loại, bản sắc văn hóa là nguồn sáng lấp lánh của một dân tộc. Hòa bình là điều kiện để nó phát triển, được gìn giữ một cách trí tuệ hơn, song cũng đối mặt nhiều thách thức hơn.
“Không có bản sắc là một dân tộc mù mờ”
- Bản sắc văn hóa làm nên diện mạo của một quốc gia. Ông nghĩ sao về nhận định này?
![]() |
- Như đàn guitar, người ta bấm dây si để so cung, cả 2 dây si và mí đều cho nốt mí cùng một cao độ nhưng ở dây mí nghe không giống dây si. Đó là khác biệt. Với con người, bản sắc được hình thành do quá trình tiến hóa, một là sự hoàn thiện thể chất, hai là phát triển về tinh thần. Tập tục, phong thái, các lĩnh vực khoa học, triết học, tôn giáo… các dân tộc đều có, nhưng không chung mẫu số cho tất cả. Tôi cho rằng, một dân tộc không có bản sắc là một dân tộc mù mờ, không thể nhận diện. Việt Nam có những điều mà dân tộc khác không có. Chẳng hạn ca trù, quan họ trong âm nhạc, hay điêu khắc nghê, rồng, sư tử với hình tượng bình dị, hiền hòa, không dữ dằn như ở một số nước... Mỗi sản phẩm gửi tâm hồn người Việt, mang tinh thần nhãn quan nhìn nhận vũ trụ, nhìn nhận tự nhiên khác biệt của sắc tộc Việt.
- Nhiều người thắc mắc: Một thế giới hội nhập có cần coi trọng vấn đề bản sắc?
- Có câu chuyện thế này: Cách đây gần 20 năm, vào dịp nước Đức kỷ niệm thành lập thành phố Berlin, họ mang 40 con gấu mời các quốc gia cùng trang trí. Nga và một nước châu Phi đạt giải cao nhất. Từ những con gấu giống hệt nhau, các họa sĩ đã vẽ nên bằng suy nghĩ, tâm hồn của dân tộc mình. Tôi cũng biết ở Đức, họ có Quỹ Phát triển các dân tộc, khai thác mặt riêng biệt của những sắc tộc khác nhau sống ở Đức. Rõ ràng, bản sắc văn hóa luôn được các nước coi trọng. Cho nên, phô diễn văn hóa, ta đừng mong đem giao hưởng sánh với phương Tây, không gì bằng chính những vở chèo, dân ca, múa rối… mộc mạc mà gây ấn tượng. Những khác biệt ấy mang Gương mặt Việt không trộn lẫn - Một vùng văn hóa đáng tôn trọng.
- Thế còn cách để người Việt ở nước ngoài giữ gìn bản sắc văn hóa thì sao, thưa ông?
- Đi từ những cái nhỏ nhất, từ sinh hoạt kiểu Việt, ăn uống, nói năng, đọc sách tiếng Việt hay duy trì tục thờ cúng, lễ tết... Như vào các ngày như Quốc khánh, kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, hội lễ… nhiều bà, mẹ mặc áo dài. Vẻ đẹp trầm mềm của người đàn bà trong tà áo dài ở một xứ sở khác, khiến người ta trầm trồ nhận ra ấy là Việt Nam. Cái gì thuộc về văn hóa, là bản sắc thì không trộn lẫn vào đâu được. Có điều, đến giờ, thế hệ thứ nhất, thứ hai không nói nhưng thế hệ thứ ba là đáng lo ngại. Nhiều bạn trẻ ở nước ngoài đang dần quên tiếng Việt. Mà ngôn ngữ là chìa khóa của lâu đài văn hóa, đấy là điều phải suy nghĩ.
![]() |
Tinh thần Việt Nam hiện đại
- Nhắc đến câu chuyện thế hệ, người Việt ngay từ thuở nằm nôi đã được giáo dưỡng, trao truyền giá trị văn hóa từ bà, từ mẹ thông qua làn điệu hát ru... Tới giờ, ông có thích nghe hát ru không?
- Nhà tôi từng có một giúp việc là người Thanh Hóa. Một chiều chợt nghe tiếng bà hát ru con tôi mà rơi nước mắt. Cả tuổi thơ của tôi sống dậy bởi người đàn bà xứ Thanh ấy, con người nghèo khổ, phải đi làm thuê đã hát lời mộc mạc của mẹ tôi, đã cất lên giá trị ngàn đời ngấm vào máu mỗi người đất Việt. Mà ngay trong thời chiến, người ta vẫn hát ru. Chúng tôi hành quân qua làng, có những bà mẹ ôm con và hát: À ơi, cái bống mày ngủ cho ngoan/ Để mẹ đi cấy, còn cha chưa về… Người nghe hiểu ngay bà mẹ mô đi phê dân ca điệu ru cũ, chỉ ra bố của đứa trẻ đương ngoài mặt trận. Tiếng ru buồn day dứt đuổi theo chân người lính đang hành quân vào Nam, điều rất đỗi bình dị ấy đã làm cho chúng tôi vững tay súng. Giá trị bản sắc ở đó.
Nhưng đến thời bình thì… Hoặc những bà mẹ hiện đại bận bịu quá, hoặc nhận thức giá trị của xã hội đã thay đổi quá.
- Trăn trở về giữ gìn bản sắc, theo ông trong bối cảnh nào khó hơn, thời chiến hay thời bình?
- Thời chiến khó hơn. Vì lúc ấy, cả đất nước dốc lòng đấu tranh giành độc lập. Gọi là không chú ý, chứ thực ra, nó vẫn sống trong mỗi gia đình, mỗi người luôn cất cao tinh thần dân tộc. Văn hóa, bản sắc như lửa vùi trong tro, đến lúc cời ra sẽ thổi bùng ngọn lửa. Thời bình, bản sắc văn hóa có điều kiện phát triển hơn, gìn giữ được trí tuệ hơn song cũng đứng trước thách thức lớn hơn.
- Cụ thể, thách thức ông nói tới là gì?
- Gia đình là cái gốc làm nên bản sắc trong mỗi con người nhưng quan hệ ấy đang lỏng lẻo, xói mòn. Truyền thông cổ động vô lối cho giới showbiz, làm tăng thói ăn chơi, hưởng lạc của một bộ phận thanh thiếu niên. Nhiều kẽ hở trong kiểm soát nhập khẩu phim ảnh nước ngoài là vấn đề đáng lo. Văn học, nghệ thuật cũng vậy… Việc nhỏ nhưng mưa dầm thấm lâu, thách thức trở thành nguy cơ hiển hiện. Tất nhiên, dòng chảy văn hóa ngoại lai là vấn đề đặt ra không với riêng quốc gia nào. Dân tộc nào cũng cần xem các dân tộc khác nghĩ gì, nhưng học hỏi thế nào thì phải cân nhắc.
- Trước những thách thức ấy, ông có tin thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay sẽ bảo vệ được bản sắc dân tộc?
- Không chỉ giữ gìn mà còn phải nâng giá trị đó lên. Tới giờ tôi vẫn không quên cảm xúc khi đọc tin về cô gái (Hoàng Thị Minh Hồng) diện chiếc áo dài truyền thống, khoác lên mình lá cờ đỏ sao vàng đứng giữa băng tuyết Nam Cực*. Họ còn là các nghệ sĩ, kỹ sư, vận động viên, nhà toán học… mang trong mình bản sắc dân tộc, luôn phấn đấu trở thành đại diện cho bản sắc đó. Đấy là tinh thần Việt Nam hiện đại, là sự bất khuất của người Việt Nam trong độc lập, hòa bình.
- Xin cảm ơn ông!
______________
* Năm 1997, Minh Hồng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia chuyến thám hiểm Nam Cực do UNESCO tổ chức, cùng 34 bạn trẻ trên khắp thế giới.