Bản sắc dân tộc, bản sắc đa dạng

Lê Thủy 28/06/2011 07:02

Theo nhà văn Nguyên Ngọc, Việt Nam và Pháp đều có vấn đề về bản sắc. Việt Nam thì do những nguyên nhân để lại từ lịch sử và ý thức hệ, trong khi Pháp vì tình trạng nhập cư chưa từng có. Tuy nhiên, lo lắng quá nhiều về bản sắc dễ dẫn đến nghịch lý vừa tự co mình lại trước mọi nền văn hóa khác lạ, lại vừa rối loạn trong tiếp nhận...

Bản sắc dân tộc, bản sắc đa dạng ảnh 1Bản sắc luôn biến đổi

Bản sắc, đặc biệt là bản sắc dân tộc là một khái niệm được nhắc nhiều trên thế giới trong những năm qua, khi tiến trình toàn cầu hóa đang lan rộng, làm mờ các ranh giới cũ, khi các xung đột quốc gia, sắc tộc nhân danh bản sắc vẫn không ngưng nghỉ. Trong hội thảo Bản sắc dân tộc, bản sắc đa dạng tại Hà Nội mới đây, Giáo sư sử học hiện đại Alain J. Lematre, ĐH Haute Alsace (Pháp), cho biết, ở đất nước mà ý niệm quốc gia đã có từ rất lâu đời, thì việc một bên là xây dựng khối cộng đồng châu Âu, với những bộ luật và quy định chung; và một bên là phong trào toàn cầu hóa, sự đột khởi của một thế giới ảo nhờ tin học và kỹ thuật số, đặc biệt của những chuyển động cư dân chưa từng có trong lịch sử, đã khuấy đảo những chuẩn mực truyền thống. Những đột biến và xáo trộn này là nguyên nhân gây ra những lo âu, có thể dẫn đến rối loạn ứáng xử ở cấp độ cá nhân, và ở cấp độ dân tộc bùng phát chủ nghĩa quốc gia, phân biệt chủng tộc, bài ngoại..., đến mức nước Pháp đã cho ra đời Bộ Nhập cư và Bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng, tương tác hay xung đột giữa các nền văn hóa là điều khó tránh khỏi. Mặt khác, bản sắc dân tộc không đứng yên, mà luôn biến đổi, phát triển quanh một trục cố định, làm nền văn hóa ấy ngày càng đa dạng hơn. Gs Phan Ngọc từng nói: bản sắc không phải là một “cái”, mà là một “kiểu”, cái cách một con người hay một dân tộc ứng xử kiểu này hay kiểu khác trước một tình huống, một thách thức đến từ bên ngoài, trước cái khác, cái lạ.

Để giữ gìn bản sắc, cần có những hình mẫu nhấn mạnh sự thống nhất trong khác biệt. Cộng đồng Pháp ngữ là một trong những hình mẫu đó, vốn là sản phẩm của lịch sử được thúc đẩy không chỉ bởi nước Pháp mà bởi cả những nước đã chống lại Pháp và giành lại tự do, là một hình thức làm phong phú thêm đối với các nước thừa nhận nhau trong một nền văn hóa chung.

Nghịch lý trong tâm thức về bản sắc

Ở Việt Nam, với lịch sử chống ngoại xâm triền miên, và trong đó cốt lõi sâu xa nhất là chống đồng hóa, người Việt rất nhạy cảm với vấn đề bản sắc dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng, Việt Nam tiếp nhận Nho giáo không phải trong thời gian chịu đô hộ, mà khi đã giành được độc lập. Vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất, đầu thiên niên kỷ thứ hai, Việt Nam chủ động tiếp nhận Nho giáo như một học thuyết cai trị có hiệu quả cao, để chống lại sự xâm lược của Trung Hoa, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đây quả là một ứng xử văn hóa lạ. Tuy nhiên, ứng xử này bộc lộ một ý thức thực dụng, học lấy cái lạ đến từ bên ngoài cho yêu cầu sống còn tức thì của mình, nên chỉ hớt lấy cái cần, cái trên bề mặt mà học, và dừng lại ở đó. Có thể thấy, mặt khác của tâm thức này là luôn lo sợ mất bản sắc. Hình như ít ở đâu vấn đề bản sắc lại được nói đến nhiều như ở Việt Nam, và nhiều nhất lại là ngày nay. Khi vừa nói đến tiếp biến, tiếp nhận, thậm chí cả trước đó nữa, người ta đã nói ngay đến bản sắc, như một sự cảnh giác, đề phòng, ngăn ngừa, chưa nhận đã sợ...

Không chỉ vậy, theo nhà văn Nguyên Ngọc: “một đặc điểm trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc là khi thiết lập hay xây dựng chế độ mới, người ta lập tức san phẳng những gì thời đại trước đã dựng nên. Nói đến bản sắc, lo lắng quá nhiều về bản sắc, nhưng lại kỳ thị, không chỉ với cái lạ đến từ bên ngoài, mà ngay cả cái khác của triều đại vừa sụp đổ. Một tâm thức về bản sắc, bản sắc dân tộc như vậy thì rất dễ trở thành một ám ảnh nặng nề và vô ích, nếu không nói là có hại, rất dễ dẫn đến nghịch lý vừa tự co mình lại trước mọi văn hóa khác lạ, vừa rối loạn trong tiếp nhận”. Ở Nhật Bản hoàn toàn khác, cái mới đến không bằng cách triệt tiêu cái cũ, tiếp nhận cái lạ không bằng cách từ bỏ cái quen. Vào cuối thế kỷ XII, khi giai cấp võ sỹ nắm quyền, họ không triệt bỏ chế độ thiên hoàng. Đồng thời, khi quyền bính được phục hồi cho chính phủ thiên hoàng, những người trong dòng họ tướng quân Tokugawa (võ sỹ) vẫn được cấp bổng lộc... Người Nhật không quan tâm hàng đầu đến bản sắc, không nơm nớp lo sợ mất bản sắc khi gặp và tiếp nhận cái lạ. Họ có thể tiếp nhận tất cả. Có thể nói đó chính là bản sắc Nhật, đã làm nên sức mạnh và phẩm chất tuyệt vời của họ.

Cả nhà văn Nguyên Ngọc và Gs Alain J. Lematre đều cho rằng, Pháp và Việt Nam cùng có vấn đề với bản sắc, phải đối phó với tâm lý thu mình lại trong bản sắc đơn nguyên, tự đóng mình lại trong những hộp nhỏ và kín của những nền văn hóa. Trong khi đó, con người là một thực thể đa dạng, đa nguyên. Nhà văn Nguyên Ngọc góp ý: “Không nên quá chú tâm vào chuyện bản sắc, bản sắc dân tộc, không nên đến mức lập một Bộ Bản sắc dân tộc, hay ngày nào cũng ra rả nói chuyện bản sắc. Hãy cứ thoải mái, rộng rãi và nhẹ nhàng hơn với nó...”

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bản sắc dân tộc, bản sắc đa dạng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO