Thiệt hại lớn vì vi phạm bản quyền
“Năm 2017, BHD phát hành phim Cô ba Sài Gòn, có người vào xem và livestream trái phép. Đại diện BHD đã đến làm việc, công an tỉnh vào cuộc xác minh và tìm ra người vi phạm, họ nói không biết làm như vậy là vi phạm pháp luật và bị phạt hành chính 3 triệu đồng. Điều đó cho thấy những hạn chế trong việc giáo dục về giá trị của tài sản trí tuệ” - bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch cấp cao, BHD - Vietnam Media Corp chia sẻ tại hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số” mới đây.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, khi lấy trộm xe máy thì bị đi tù, còn xâm phạm tài sản trí tuệ đầu tư cả triệu USD thì bị phạt chỉ 3 triệu đồng. Điều đó cho thấy sự bất tương xứng...
Tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam đã diễn ra khá phổ biến. Ông Phan Vũ Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP. Hồ Chí Minh ví dụ: Bản quyền các giải bóng đá Champions League và Europa League từng bị ngừng cung cấp tại Việt Nam, bởi nạn vi phạm bản quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn vị kinh doanh truyền hình. Một dẫn chứng khác được ông Tuấn đưa ra là web phim lậu “phimmoi.net” với hàng trăm triệu lượt view mỗi tháng.
“Một trận bóng đá Cúp C1 hay Ngoại hạng Anh, theo nghiên cứu có hơn 500 hành vi xâm phạm, diễn ra trong 90 phút, với 90 triệu lượt xem. Nếu tính trung bình mỗi lượt xem trên hệ thống có bản quyền của VTVcab, FPT hay K+ có giá 1 USD thì chúng ta thất thu 200 tỷ đồng một trận. Hay với các website như phimmoi.net, mỗi tháng có hơn 80 triệu lượt xem. Giả sử mỗi lượt là 2 USD thì con số thất thoát lên đến hàng nghìn tỷ đồng... Con số này không gây thiệt hại cho người xem nhưng gây thiệt hại cho những người sáng tạo. Đó là số tiền nhà sản xuất, diễn viên, nhà đầu tư không thu được và không tái đầu tư cho sáng tạo” - Luật sư Phan Vũ Tuấn phân tích.
Điều đáng nói là dù các đơn vị quản lý đã có nhiều nỗ lực xóa bỏ với nhiều thủ thuật về kỹ thuật và pháp lý tốn công, thì chỉ cần 15 phút họ có thể chuyển sang website mới với tên gần giống và tiếp tục vi phạm. Thêm vào đó, gần đây lại thêm nạn review phim trên TikTok, tiết lộ hết nội dung phim. Điều này khiến người làm phim thiệt hại do khán giả đã nghe xem xong bản rút gọn sẽ không xem bản phim đầy đủ...
Hành trình 26 năm tuyên chiến với vấn nạn sách giả, Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News Nguyễn Văn Phước cho biết: Không chỉ được bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử có vốn hóa hàng ngàn tỷ, sách giả còn xuất hiện tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok với số lượng không thể thống kê được... Đây vẫn là vấn đề nhức nhối cản trở ngành sách.
Tăng hiệu lực bảo vệ bản quyền trên môi trường số
Theo UNESCO, công nghiệp văn hóa là các ngành công nghiệp mà có sự kết hợp giữa sáng tạo, sản xuất và khai thác các nội dung có bản chất phi vật thể và văn hóa. Các nội dung này thường được bảo vệ bởi luật bản quyền và thể hiện dưới dạng các sản phẩm hay dịch vụ. Bởi vậy, bảo vệ bản quyền là yếu tố then chốt để công nghiệp văn hóa có thể phát triển, nhất là trong thời điểm hiện nay, sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.
Luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng, luật pháp Việt Nam đã khá hoàn thiện, với những điều khoản tiến bộ. Tuy vậy, các doanh nghiệp cần phối hợp với các hiệp hội kiến nghị thay đổi chính sách, phải có tòa án chuyên về sở hữu trí tuệ sẽ xử lý các vụ việc vi phạm nhanh hơn. Đồng thời, mỗi nghệ sĩ sáng tạo nên tham gia vào tuyên truyền về sở hữu trí tuệ trong cộng đồng của mình.
Ngoài việc nâng cao nhận thức của các bên liên quan về bảo vệ bản quyền, TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, cần bổ sung các quy định quản lý, nâng cao hiệu quả bảo vệ và thực thi sở hữu trí tuệ trên nền tảng số đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo và các tài sản số. Các sản phẩm ngày càng được phân phối nhiều trên không gian số, dưới hình thức sản phẩm định dạng số. Đây là hình thức khó kiểm soát việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong điều kiện như vậy, cần sử dụng công nghệ để nâng cao năng lực bảo vệ bản quyền trên không gian số. Xây dựng công cụ hỗ trợ phát hiện xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, mạng internet nhằm bảo hộ và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa...
Để phát triển công nghiệp văn hóa, bên cạnh việc có chính sách, biện pháp hữu hiệu bảo vệ bản quyền với sản phẩm sáng tạo, bà Ngô Thị Bích Hạnh cũng góp ý, việc quan trọng, cần làm sớm nhất là Nhà nước có quy định coi tài sản trí tuệ - sản phẩm của công nghiệp văn hóa (phim, ảnh, tác phẩm hội họa…) là tài sản được định giá, có giá trị trong các giao dịch tài chính và được mọi người định hình, chấp nhận.