Băn khoăn khi đưa lương vào viện phí
Bộ Y tế vừa đưa ra Dự thảo mới nhất của Nghị định về chính sách viện phí và hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo trong các cơ sở y tế công lập. Hai điểm mới nhất của Dự thảo là việc đưa chi phí lương vào viện phí...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, chính sách viện phí mới được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ, công khai chi phí khám chữa bệnh, Nhà nước không bao cấp tràn lan mà hỗ trợ tối đa cho đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi. Trong khi đó, với cơ cấu viện phí mới, những đối tượng không thuộc diện miễn giảm, hỗ trợ (chiếm khoảng 28% dân số) sẽ phải chi trả đầy đủ các chi phí điều trị trực tiếp. Ngân sách nhà nước được dành để chi trả cho những đối tượng được miễn, giảm viện phí thông qua hình thức mua thẻ BHYT. Thực hiện chủ trương chuyển dần việc cấp ngân sách cho các cơ sở y tế sang đối tượng trực tiếp thụ hưởng, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ mua thẻ BHYT cho khoảng 21 triệu người nghèo, 9,5 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, 13 triệu người thuộc đối tượng chính sách xã hội, 14 triệu người cận nghèo và 5 triệu học sinh. Chính sách này sẽ giúp khắc phục tình trạng các bệnh viện chỉ thu một phần trong tổng viện phí nên chưa bù đắp đủ các chi phí trực tiếp phục vụ người bệnh, mức thu giữa các tuyến kỹ thuật không có sự khác biệt lớn, gây ra sự mất công bằng trong hưởng thụ chăm sóc y tế giữa các đối tượng người bệnh, giữa các vùng miền.
Tuy nhiên, điểm gây nhiều băn khoăn nhất trong dự thảo chính là việc thực hiện tính và thu các chi phí về tiền lương vào viện phí. Phó Vụ trưởngVụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho biết, các bệnh viện tuyến trung ương được phép tính 100% chi phí lương vào viện phí, tỷ lệ này ở tuyến tỉnh là 50-100%, tuyến huyện là 20-50%, còn tuyến xã, các cơ sở y tế chuyên khoa vẫn được ngân sách nhà nước chi trả tiền lương cho cán bộ y tế. Ngoài ra, những cơ sở y tế có điều kiện có thể được phép thu thêm tối đa 50% chi phí tiền lương để tạo quỹ, chi trả thu nhập cho các chuyên gia, thầy thuốc giỏi... Do tính thêm chi phí tiền lương, chi phí khấu hao trang thiết bị... nên mức giá viện phí ở các tuyến sẽ có sự chênh lệch cao. Điều này sẽ khuyến khích những người mắc bệnh thông thường điều trị ở tuyến dưới, giảm tải cho cơ sở y tế tuyến trên. Để đáp ứng với mức viện phí mới, Bộ Y tế dự kiến sẽ đề nghị điều chỉnh mức đóng BHYT từ 3% lên 4-5% lương tối thiểu. Ngoài ra, ngân sách nhà nước vẫn sẽ tiếp tục bảo đảm đầu tư lớn hơn về cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu y học tiên tiến trong thời gian tới.
Thế nhưng, cũng có những ý kiến cho rằng việc ban hành chính sách viện phí mới chưa hẳn đã giải quyết tận gốc các khó khăn của ngành y tế hiện nay. Góp ý về dự thảo, nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh cho rằng, trong cơ chế kinh tế thị trường, y tế công phải mạnh cả về y đức, tinh thần phục vụ cũng như cơ sở vật chất, năng lực chuyên môn; Phải bảo đảm khả năng chữa bệnh cho mọi người. Để thực hiện điều này phải tăng ngân sách đầu tư cho hệ thống y tế cũng như chi trả tiền lương cho đội ngũ cán bộ y tế. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế, nguồn ngân sách chi cho y tế phải đạt 50% tổng chi của toàn xã hội cho khám chữa bệnh. Nếu tỷ trọng này thấp hơn 50% sẽ mất công bằng. Tại nước ta, tỷ trọng này hiện chỉ đạt 30%. Bên cạnh đó, mối quan tâm của nhiều chuyên gia y tế là tính khả thi của việc triển khai chính sách viện phí mới trong tương lai khi mà thực tế các điều khoản trong dự thảo Nghị định mới dừng lại ở việc hợp pháp hóa việc nhiều bệnh viện đã chủ động tăng viện phí hoặc chi phí dịch vụ kỹ thuật để lấy quỹ triển khai tự chủ tài chính bệnh viện. Ông Nguyễn Khánh cho rằng, việc xây dựng nghị định cần tính trước định hướng phát triển của ngành y tế trong nhiều năm tới đây, do vậy, cần phải có những đổi mới trong chính sách viện phí theo hướng bảo đảm cho mọi người dân khi có bệnh đến cơ sở y tế đều được điều trị. Còn Phó chủ tịch Tổng hội Y dược học Việt Nam Trần Hữu Thăng đề nghị cần đẩy nhanh việc thực hiện BHYT bắt buộc để tạo cơ sở thiết lập cơ chế chi trả viện phí ở bệnh viện công lập thông qua BHYT. Bên cạnh việc thay đổi phí BHYT, những chính sách khác liên quan đến chi trả BHYT, mức trần trong điều trị... sẽ phải thay đổi cho phù hợp.
Không thể phủ nhận giá thu viện phí theo Thông tư 14/TTLB của Liên Bộ Tài chính- Y tế đã quá lạc hậu, cần phải thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế giá viện phí tăng từ lâu so với mức quy định gấp nhiều lần, nhất là tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Do đó, việc điều chỉnh viện phí không thể bỏ qua yếu tố thu nhập của người dân nói chung trong bối cảnh giá tiêu dùng đang “phi mã”, giá tân dược tiếp tục tăng cao thì mục tiêu bảo đảm chăm sóc sức khỏe cho mọi người dân của ngành Y tế sẽ càng thêm khó khăn. Do vậy, việc điều chỉnh viện phí lần này có phải đã là phù hợp? Việc điều chỉnh giá viện phí càng cần phải có sự cân nhắc, chia sẻ những khó khăn kinh tế của người dân hiện nay thay vì tập trung giải quyết các bất cập, vướng mắc của riêng ngành Y tế.
NAM NGUYÊN