Bản hòa tấu của tam giác phương Nam

Nguyễn Minh 08/04/2011 19:17

Trái với BRIC (sắp tới là BRICS) - một nhóm các nền kinh tế phát triển năng động nhất được dư luận và giới chuyên gia bàn tán ồn ào, có một nhóm khác với tên gọi IBSA gồm 3 thành viên của... BRICS ít hiện diện và ít ảnh hưởng hơn so với BRIC. Tuy vậy, vai trò như một chiếc ô che chở cho các sáng kiến hợp tác đã cho phép kết hợp quyền lợi của các nước IBSA với việc trao đổi giao lưu giữa các xã hội dân sự. Đây có phải là một mô hình hợp tác Nam - Nam mới không?

Trong các cuộc đàm phán thương mại lớn những năm 90 của thế kỷ trước, các nước phương Nam đã chứng tỏ được khả năng hài hòa và ảnh hưởng của mình trong cuộc đấu tranh chống tự do hóa nông nghiệp. Argentina, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi đặc biệt tỏ ra năng động, và ba nước cuối cùng trong số này đã quyết định thành lập nhóm G3, đặt tên là IBSA (viết tắt những chữ cái đầu của tên ba nước bằng tiếng Anh), nhằm nâng cao hơn nữa khả năng đàm phán chung trên các diễn đàn quốc tế lớn như LHQ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

IBSA chính thức được thành lập vào tháng 9.2003. Đây không phải lần đầu người ta xây dựng một không gian tư tưởng, lãnh thổ hay bản sắc mang tính đối kháng (với các cường quốc truyền thống), nhưng có hai yếu tố nổi bật mà IBSA tạo ra sự khác biệt với các tổ chức trước đó: tính chất dân chủ của mỗi nước thành viên và quan hệ không quá phụ thuộc vào phương Tây. Tam giác này không chỉ không phục vụ bất cứ siêu cường thống trị nào, mà còn củng cố vai trò của họ tại mỗi khu vực và vạch định các chu trình hợp tác.

Với biểu hiện của chủ nghĩa đa phương không chính quy, IBSA không có một ban thư ký thường trực mà mang nhiều đặc điểm mới của mối quan hệ quốc tế trong những năm qua: tính xuyên quốc gia của các thể chế, việc giảm thiểu số lượng các thành viên trong nhóm/khối nhằm nâng cao hiệu quả ngoại giao, kinh tế và hướng tới việc nâng cao hiệu quả các mối quan hệ song phương giữa các nước thành viên và xóa bỏ các giới hạn đa phương trong lĩnh vực thương mại. Đây là mô hình liên kết đa phương mới dựa trên hợp tác liên chính phủ (17 nhóm làm việc và đối thoại phi nhà nước), từ đó 3 nước thành viên ấn định chiến lược nhằm tránh lối mòn của nhiều liên kết đa phương từng bị tê liệt vì số lượng thành viên quá đông.

Tổ chức mới nuôi tham vọng trở thành hạt nhân tiên phong của nhóm các nước đang phát triển. New Delhi và Brazilia đã không chút vòng vo công bố ý định trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Riêng với Pretoria, mục tiêu này có chút khó nói vì họ bị ràng buộc bởi Nghị quyết do Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi đưa ra năm 1997 tại Harare, trong đó yêu cầu nâng số thành viên không thường trực của lục địa Đen tại HĐBA lên 5 nước. Hệ quả là Nam Phi bị loại khỏi nhóm 4 ứng cử viên chính cho ghế thường trực tại HĐBA (gồm Đức, Nhật Bản, Brazil và Ấn Độ).

Tuy nhiên, ý nguyện của mỗi nước trong IBSA để trở thành đại diện và người phát ngôn cho khu vực cũng không dễ dàng. Mỗi thành viên IBSA đều là nước lớn trong khu vực tương ứng của họ, và sự thừa nhận lẫn nhau giữa họ không phải là vô căn cứ, song các nước này vẫn phải hành xử một cách khiêm tốn nhất định nhằm tránh xung đột với các nước mới nổi khác. Một bản hòa tấu của các tiểu cường quốc và sự phân tán các thể chế khu vực có thể gây khó chịu cho các nước nhỏ không được mời vào bàn tiệc, hoặc những nước vẫn trung thành với việc tiếp cận các vấn đề toàn cầu thông qua các thể chế quốc tế truyền thống.

Không chỉ là một tổ chức thuần túy mang tính chính trị, liên minh này cũng ấp ủ tham vọng xây dựng một khu vực tự do thương mại rộng lớn -thông qua các hiệp định thương mại khu vực - nhằm liên kết các nền kinh tế của khối Mercosur với tiểu lục địa Ấn Độå, và sau đó là Liên minh thuế quan Nam châu Phi (SACU). Trao đổi thương mại giữa ba nước IBSA mới đạt 10 tỷ USD năm 2008, giá trị chưa cao xét trên góc độ so sánh: trong cùng năm, chỉ riêng kim ngạch thương mại Trung Quốc - Brazil đã đạt 43 tỷ USD. Khoảng cách lớn về địa lý, thương hiệu của mỗi nước chưa gây ấn tượng mạnh đối với giới tiêu thụ tại các nước thành viên khác là hai trong số những trở ngại chính. Vì vậy, IBSA đã đề ra kế hoạch hành động New Delhi nhằm chứng minh IBSA không chỉ là một không gian để diễn thuyết, một tập hợp các tiểu bá mới, mà là nơi để hoạch định chiến lược hành động và hợp tác kinh tế và công nghệ của tương lai.

Tuy nhiên, các thể chế đa quốc gia mới như IBSA sẽ không thể trường tồn chỉ nhờ vào một hoặc hai tác nhân chính trị, mà quan trọng hơn nó phải tỏ ra hiệu quả trên tầm cỡ thế giới và đáp ứng kỳ vọng của các thành phần kinh tế. Rất may (!), khủng hoảng tài chính toàn cầu đã đẩy nhanh quá trình cách mạng hóa hệ thống quốc tế, trong đó một số nước và một số khối sẽ chia sẻ sự lãnh đạo toàn cầu. Nhờ kinh tế tăng trưởng nhanh và không hoàn toàn lệ thuộc Mỹ, IBSA đang thu hút sự chú ý ngày càng tăng đối với vai trò tiềm năng của nhóm và của mỗi nước thành viên như một chất xúc tác cho tiến trình thiết lập một trật tự mới, mà ở đó họ sẽ đại diện cho các nước phương Nam (đối chọi với phương Tây) tạo ra các nguyên tắc và quy định mới của cuộc chơi.

Theo Le Monde Diplomatique

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bản hòa tấu của tam giác phương Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO