Ban hành Đề án sắp xếp tỉnh Bà Rịa – Vũng tàu, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo. Dự kiến chính quyền địa phương cấp xã mới đi vào hoạt động chậm nhất từ 15/8; chính quyền địa phương TP. Hồ Chí Minh mới đi vào hoạt động từ ngày 15/9/2025.

Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan vừa ký ban hành Đề án số 3021/ĐA-UBND về sắp xếp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.
TP. Hồ Chí Minh mới sau sắp xếp có diện tích tự nhiên hơn 6.772km2 (đạt 135,43% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số hơn 13,7 triệu người (đạt 979,04% so với tiêu chuẩn). Sau sắp xếp, TP. Hồ Chí Minh mới có 113 phường, 54 xã và đặc khu Côn Đảo.
Trung tâm Hành chính – Chính trị của TP. Hồ Chí Minh mới tại số 86 đường Lê Thánh Tôn, Quận 1 (trụ sở UBND, HĐND TP. Hồ Chí Minh hiện tại). Ngoài ra, còn có cơ sở 2 tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương hiện tại (đường Lê Lợi, phường Phú Chánh, TP. Thủ Dầu Một) và cơ sở 3 tại Trung tâm Hành chính tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện tại (số 01 đường Phạm Văn Đồng, phường Phước Trung, TP. Bà Rịa).

Theo đề án, sau sắp xếp, Hội đồng nhân dân (HĐND) và các đại biểu HĐND 3 địa phương hợp thành HĐND TP. Hồ Chí Minh mới có 4 ban (như hiện tại) và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ 2021-2026.
TP. Hồ Chí Minh mới sẽ không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND, Trưởng, Phó Đoàn đại biểu Quốc hội, trưởng các ban HĐND và ủy viên UBND theo quy định.
Thường trực HĐND TP. Hồ Chí Minh chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh có liên quan nêu trên. Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh mới.
Việc tổ chức các cơ quan thuộc HĐND, các cơ quan chuyên môn và tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP. Hồ Chí Minh mới thực hiện theo Nghị quyết 76 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chính quyền địa phương TP. Hồ Chí Minh mới hoàn thành sắp xếp bộ máy và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất ngày 15/9/2025.

Đại biểu HĐND các xã của Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh hợp thành HĐND cấp xã mới theo số lượng, phương án sắp xếp và tiếp tục hoạt động đến khi hết nhiệm kỳ 2021-2026. HĐND cấp xã có 2 ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội.
Chính quyền địa phương cấp xã mới hoàn thành sắp xếp và chính thức đi vào hoạt động chậm nhất là ngày 15/8/2025.
Đối với đơn vị hành chính cấp xã mới, không bầu các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND, trưởng các ban HĐND và ủy viên UBND theo quy định. Thường trực HĐND cấp xã chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh có liên quan nêu trên.
Ngoài ra, đề án trên cũng nêu việc xây dựng đề án sắp xếp thanh tra cấp tỉnh; sắp xếp các đài truyền thanh, truyền hình cấp tỉnh và các cơ quan, báo của đảng bộ cấp tỉnh đồng bộ với sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tổ chức lại các cơ quan chuyên môn của TP. Hồ Chí Minh mới trên cơ sở sắp xếp nguyên trạng các sở và cơ quan hành chính của 3 địa phương. TP. Hồ Chí Minh mới sẽ còn 15 sở và tương đương, 1 Sở An toàn thực phẩm thí điểm theo Nghị quyết 98/2023/QH15.
Sau sắp xếp, TP. Hồ Chí Minh có 6 tổ chức đảng cấp trên cơ sở gồm: Đảng bộ UBND TP. Hồ Chí Minh, Đảng bộ cơ quan Đảng thành phố, Đảng bộ Công an thành phố, Đảng bộ Quân sự thành phố, Đảng bộ Bộ đội biên phòng thành phố, Đảng bộ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; và 168 đảng bộ cấp xã.
Sau khi sắp xếp, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tham mưu Bộ Chính trị ban hành quyết định thành lập Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh mới. Đồng thời, tham mưu chỉ định Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó bí thư, ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Về tổ chức cơ quan lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trung ương hiệp y thống nhất với Thành ủy quyết định thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh mới.
Sắp xếp Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương.