“Bán” gì cho EU?

- Thứ Hai, 28/09/2020, 04:11 - Chia sẻ
Sau gần 2 tháng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, nông sản liên tục cập nhật tin vui khi cà phê, chanh leo của Gia Lai; dừa xiêm xanh, bưởi da xanh của Bến Tre; gạo thơm của An Giang đã nối tiếp nhau xuất khẩu thành công vào thị trường EU bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường này trong tháng 8.2020 đạt 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7.2020. EU là một thị trường rất khó tính, có sự cạnh tranh hết sức khốc liệt, nhưng bù lại cũng có giá bán rất cao. Vì vậy, việc nông sản Việt Nam thâm nhập vào EU và từng bước cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực là điều rất đáng mừng, và sẽ là cú hích nhằm từng bước nâng cao chất lượng, cải thiện dần năng lực sản xuất của người dân, doanh nghiệp trong nước.

Sở dĩ, thị trường EU ưa chuộng các nông sản của Việt Nam bởi EU là khu vực không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước dồi dào các nông sản, hầu như đáp ứng được tất cả nhu cầu của người dân EU. Trong đó, nhiều mặt hàng từ lâu đã có chỗ đứng ở thị trường này như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải, mật ong… EVFTA chính là “chìa khóa” giúp ngành nông nghiệp có cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm, tăng kim ngạch xuất khẩu và mở rộng thị trường ở những mặt hàng mà chúng ta có lợi thế.

Tại thị trường EU, Việt Nam sẽ có lợi thế đối với các loại trái cây nhiệt đới. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mới có trái cây nhiệt đới, chúng ta sẽ phải cạnh tranh với nhiều mặt hàng của các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines… Đặc biệt là Thái Lan, một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, họ duy trì được thành công này một thời gian dài là bởi trình độ phát triển nông nghiệp cao, luôn có chiến lược bài bản để nghiên cứu, tìm tòi phát triển những mặt hàng mới, chất lượng cao, củng cố và xây dựng thêm những thương hiệu mạnh nhằm tăng sức cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế.

Hay như Malaysia, đi sau Thái Lan, họ tập trung chọn cho mình những mặt hàng xuất khẩu khác biệt, có lợi thế vượt trội so với các nước trong khu vực như khế, mít, đu đủ… Philippines cũng chọn những lợi thế xuất khẩu như các sản phẩm từ ngũ cốc, chuối, dứa…

Từ những kinh nghiệm trên cho thấy, ngoài việc duy trì những mặt hàng nông sản mà chúng ta đã thâm nhập vào thị trường EU thành công, cần tiếp tục duy trì, mở rộng vùng trồng, nâng cao chất lượng, mẫu mã để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm đối với các đối thủ khác. Mặt khác, chúng ta cần xác định để xây dựng mặt hàng trái cây có lợi thế cạnh tranh cao tại thị trường châu Âu, tương tự như cách mà người Malaysia và Philippines đã làm.

Và dù chúng ta chọn trái cây nào để xuất khẩu sang EU, thì cũng không quên đây là thị trường yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... Chúng ta còn phải từng bước nâng cấp để minh bạch hóa thông tin trong quá trình sản xuất, những yêu cầu bảo đảm điều kiện phúc lợi xã hội khác như vệ sinh, an toàn lao động, chế độ tiền lương...

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội ở phía trước còn rất nhiều, quan trọng là các doanh nghiệp phải chinh phục được thị trường bằng sản phẩm cấp cao, không ngại tìm hiểu, “gõ cửa” các cơ quan, ban, ngành trong và ngoài nước để hỏi kỹ các tiêu quy chuẩn cụ thể với từng thị trường để thỏa mãn yêu cầu dù là khắt khe nhất. Đó là con đường tất yếu nếu muốn mở rộng cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa của mình.

Chi An