Lúng túng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo

- Chủ Nhật, 22/11/2020, 07:06 - Chia sẻ
Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ về tài sản của các bên đương sự. Chính vì thế, hoạt động thi hành án dân sự rất dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo; đặc biệt là ở những thành phố lớn - nơi có số lượng việc/tiền phải thi hành nhiều.

Đơn cử, tính đến ngày 30.9.2020, tổng số đơn khiếu nại tố cáo do các cơ quan Thi hành án dân sự Hà Nội đã tiếp nhận là 899 đơn/712 việc (khiếu nại: 637 đơn/511 việc; tố cáo 262 đơn/201 việc); TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận tổng cộng 1.293 đơn các loại, sau khi phân loại đơn thì tổng số việc khiếu nại, tố cáo phải giải quyết là 217 việc…

Số lượng đơn tương đối lớn, tuy nhiên các quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự còn nhiều việc phải bàn. Phản ánh của các cục, chi cục thi hành án dân sự địa phương cho thấy: các quy định pháp luật liên quan còn ít, chưa cụ thể nên trong quá trình giải quyết nhiều trường hợp phải vận dụng các quy định của Luật tố cáo, Luật khiếu nại các văn bản hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Mặt khác, quá trình áp dụng Thông tư 02/2016/TT-BTP ngày 1.2.2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về quy trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự còn nhiều lúng túng. Đơn cử, Khoản 2, Điều 30 Thông tư quy định chung chung, không rõ “Các quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự trái với Thông tư này được bãi bỏ”. Trong khi đó, Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 1318/QĐ-TCTHADS  ngày 30.9.2013 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự) là văn bản được ban hành trước Thông tư 02/2016/TT-BTP chưa bị thay thế. Điều này, dẫn đến việc áp dụng pháp luật về không thống nhất, chồng chéo.

Hay, Khoản 1, Điều 12 Luật tố cáo năm 2018; Luật tố cáo năm 2011 đều quy định “Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức đó giải quyết”. Tuy nhiên, do pháp luật chuyên ngành không quy định rõ về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với trường hợp này khiến quá trình giải quyết bị lòng vòng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Không chỉ dừng lại ở những quy định gây lúng túng, Thông tư còn có nhiều quy định khó thực hiện. Đơn cử, Khoản 1, Điều 9 Thông tư 02/2016 quy định: “Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại lần đầu hoặc kể từ ngày nhận được báo cáo, hồ sơ, tài liệu có liên quan của cơ quan thi hành án dân sự cấp dưới đối với đơn khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải vào sổ thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại”. Quy định này khó thực hiện, bởi không phải đơn khiếu nại nào cũng rõ ràng, đủ tài liệu, đủ căn cứ để ra thông báo thụ lý giải quyết đúng thời hạn. Nhiều trường hợp cơ quan thi hành án dân sự phải làm việc với người khiếu nại để chốt đơn, thống nhất nội dung giải quyết. Phản ánh của Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh còn cho thấy, thời hạn nghiên cứu, phân loại và xử lý đơn theo quy định pháp luật hiện nay rất ngắn. Cụ thể, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, công chức nghiên cứu nội dung đơn và đề xuất người có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp, đơn có nội dung không rõ ràng, viết lan man, rất khó để xác định được nội dung người gửi đơn muốn trình bày. Do đó, công chức được phân công tham mưu, xử lý đơn phải mời người làm đơn đến để xác định lại nội dung đơn trước khi tham mưu, đề xuất xử lý dẫn đến vi phạm thời hạn xử lý đơn.

Nguyễn Minh