Bản chất nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân

- Thứ Bảy, 31/08/2013, 08:25 - Chia sẻ
Bỏ HĐND huyện, quận, phường không đem lại lợi ích gì đáng kể cho nước, cho dân mà chính đó lại là yếu tố gây xáo trộn hệ thống chính quyền địa phương đang ổn định; quan trọng hơn làm mất đi chỗ dựa, mất đi công cụ chính trị quan trọng để nhân dân làm chủ thông qua cơ quan đại diện của mình, góp phần quản lý địa phương theo pháp luật và đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng ở địa phương...

Lý do bỏ HĐND huyện, quận, phường không thuyết phục

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Trung ương, chính quyền địa phương, trong đó có HĐND các cấp không ngừng phát triển và lớn mạnh qua từng giai đoạn lịch sử, đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN và đang tiếp tục phấn đấu để đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với chức năng, nhiệm vụ theo luật định, thông qua các hoạt động, HĐND đã góp phần to lớn vào xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân. Đó là thành quả không thể phủ nhận.

Năm 2009, theo đề nghị của Chính phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X, Quốc hội Khóa XII có chủ trương cho triển khai thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành phố. Các lý do nêu lên để tiến hành thí điểm chủ yếu là: HĐND huyện, quận, phường là cấp trung gian, hoạt động mang tính hình thức; để tránh bị xáo trộn trong điều hành; giảm biên chế; tiết kiệm chi; là bước cải cách hành chính; bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân tốt hơn; một bước tiến tới xây dựng chính quyền đô thị… Việc thí điểm đang tiến hành, đến nay mới có báo cáo sơ kết sau 1 năm thực hiện, chưa có báo cáo tổng kết đánh giá chính thức. Xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, khoa học và thực tiễn thì các lý do để thí điểm bỏ HĐND quận, huyện, phường chưa thuyết phục.

Hệ thống chính quyền của Nhà nước có 4 cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Nếu tính từ Trung ương đến cấp xã thì cấp tỉnh và cấp huyện là cấp trung gian. Nếu tính từ cấp tỉnh đến cấp xã thì cấp huyện là trung gian (phường không phải là cấp trung gian). Có ý kiến cho rằng, vì là cấp trung gian nên chủ yếu có nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, QPPL của cấp trên nên không cần phải có HĐND để ban hành nghị quyết!(?) Có thể nói đây là lý sự nông cạn. Dù là cấp nào trong hệ thống chính quyền địa phương thì những cơ chế, chính sách áp dụng thực hiện luật, các văn bản QPPL của cấp trên trước khi trở thành nghị quyết đều phải được đưa ra để các đại biểu HĐND thảo luận, trên cơ sở đó HĐND quyết nghị. Đây là một việc bảo đảm quyền dân chủ, để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, thuộc về nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động, bản chất của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Với cách thức đó, hơn 60 năm duy trì và hoạt động trong một thể thống nhất là Chính quyền địa phương, vị thế, uy tín của HĐND đã được khẳng định.    

Sau 1 năm thí điểm, năm 2010 trong Báo cáo sơ kết do Bộ Nội vụ chuẩn bị có nhận định, đánh giá vẫn trên cơ sở các lý do đưa ra thí điểm, rằng: bỏ HĐND huyện, quận, phường, hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương bảo đảm ổn định, không gây xáo trộn, đã có sự tăng cường phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, cơ quan hành chính, các tổ chức chính trị - xã hội... Tình trạng khiếu kiện của công dân giảm rõ rệt… Có thể nói đây là một nhận định chưa đầy đủ và chưa đúng quan điểm về sự lãnh đạo của Đảng với nhà nước và về thể chế, tổ chức bộ máy nhà nước ta từ khi có HĐND đến nay. Khi chưa thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường, đã có địa phương nào HĐND, đại biểu HĐND gây mất ổn định, gây xáo trộn? Có nơi nào HĐND làm trái, làm lu mờ vai trò lãnh đạo của Đảng? Có thể khẳng định, HĐND không gây nên xáo trộn trong quản lý, điều hành. Vậy tại sao cho rằng bỏ HĐND huyện, quận, phường là bước cải cách hành chính?

Việc đại biểu HĐND tiếp công dân, TXCT là nhiệm vụ do luật định. Khi tiếp công dân đại biểu còn nhiệm vụ phải phổ biến, hướng dẫn cho công dân hiểu các quy định của pháp luật và của địa phương. Tại sao đánh giá khi thí điểm bỏ HĐND Tình trạng khiếu kiện của công dân giảm rõ rệt… Còn nhận định bỏ HĐND huyện, quận, phường bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân tốt hơn là nhận định, đánh giá hồ đồ, không khách quan.

Về vấn đề bỏ HĐND quận, phường để từng bước tiến tới xây dựng chính quyền đô thị. Hiện nay nhiều nhà nghiên cứu đang quan tâm đến mô hình này. Vậy, chính quyền đô thị là chính quyền gì, ở đâu thì được coi là chính quyền đô thị, cách thức tổ chức và hoạt động thế nào, địa vị pháp lý của nó trong hệ thống bộ máy nhà nước và trong hệ thống chính trị, sự bảo đảm các quyền làm chủ của nhân dân ra sao, có gì giống và khác với các địa phương khác; nếu tổ chức chính quyền đô thị thì cái được hơn chính quyền quận, phường bây giờ là gì…? Trên thế giới này đã bao nhiêu nước thực thi chính quyền đô thị mang lại hiệu quả tốt?... Một loạt câu hỏi đặt ra hiện chưa hoặc không có lời giải đáp đầy đủ. Khi lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng, Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều rất sâu sắc trong việc vận dụng Chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào thực tiễn ở Việt Nam. Do đó, dù là ý tưởng xây dựng chính quyền theo mô hình nào thì cũng phải nghiên cứu áp dụng cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam; phù hợp cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ.

Sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách để HĐND hoạt động thực quyền và hiệu quả hơn

Theo Hiến pháp, Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND thì địa vị pháp lý của HĐND các cấp đã được khẳng định, HĐND các cấp có nhiều chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng ở địa phương. Thế nhưng, HĐND các cấp hầu như chưa được quan tâm đáp ứng về cơ cấu tổ chức, về biên chế và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động. Mối quan hệ giữa HĐND các cấp, nhất là quan hệ giữa Thường trực, các ban HĐND các cấp không rõ. Chủ tịch HĐND cấp tỉnh không được quyền ký khen thưởng, kỷ luật đối với HĐND cấp dưới hoặc đối với đại biểu cùng cấp. Đại biểu, Thường trực, các ban HĐND được quyền giám sát, nhưng hiệu lực sau giám sát chưa được như mong muốn. Bởi chưa có Luật giám sát của HĐND, nhất là thiếu chế tài, nên trong nhiều trường hợp không xử lý được việc đối tượng thực hiện không nghiêm túc kết luận sau giám sát…

Tổ chức của  HĐND chưa được quan tâm. HĐND xã, phường, thị trấn chỉ có một cán bộ chuyên trách với chức danh Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch, không có bộ máy và chuyên viên giúp việc; HĐND cấp huyện thường chỉ có 2 đại biểu chuyên trách, từ 1 - 2 chuyên viên giúp việc. Trưởng, phó ban HĐND cấp huyện đều hoạt động kiêm nhiệm. Thực tế, biên chế cán bộ, công chức công tác chuyên trách về lĩnh vực HĐND không bằng biên chế của một tổ chức đoàn thể cùng cấp; chỉ chiếm 0,2 - 0,3% tổng biên chế của bộ máy chính quyền địa phương. Trong khi hàng năm biên chế của các cơ quan thường tăng thêm. UBND cấp quận, huyện từ chỗ có 4 phòng thì nay có nơi thành lập tới 14 phòng, ban. Đấy là chưa kể nhiều nơi cấp ủy Đảng cũng thiếu quan tâm đến HĐND, không cơ cấu cấp ủy; hoặc HĐND được coi là nơi dừng chân của những cán bộ cơ nhỡ. Nhiều người còn ví von HĐND cấp huyện, cấp xã hiện trong tình cảnh Quân thuê, tướng mượn, phương tiện thì nhờ, kinh phí hoạt động không bằng Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… Trong điều kiện như thế, cho dù hết sức cố gắng thì HĐND các cấp vẫn khó hoạt động tương xứng với thực quyền và đạt hiệu quả như mong muốn.

Vì sao thí điểm bỏ HĐND huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành phố mà không đồng thời thí điểm việc tăng thêm các điều kiện bảo đảm thực quyền và các điều kiện khác cho HĐND ở một số địa phương khác để so sánh, để có cơ sở cải cách thiết chế chính quyền? Tại sao lại không suy tính đến việc tinh giản bộ máy hiện rất cồng kềnh, chồng chéo nhiệm vụ, thủ tục hành chính đã và đang gây bức xúc, khó xử lý trách nhiệm trong hệ thống UBND? Tại sao nói bỏ HĐND là tiết kiệm cho ngân sách mà lại không chú trọng xem xét các cơ quan, cá nhân đã để hậu quả lãng phí hàng trăm ngàn tỷ về đất đai, đầu tư tràn lan, không hiệu quả, xây dựng, sử dụng tài sản công lãng phí?

Ở đây đang có một cách nhìn, cách đánh giá và việc làm thiếu công bằng, chưa khách quan, khoa học và toàn diện; nếu không muốn nói là duy ý chí. Bỏ HĐND ở cấp huyện, HĐND cấp xã còn làm được gì? Hệ thống cơ quan HĐND sẽ tổ chức thế nào cho hiệu quả? Đối với UBND ở các địa phương, bỏ HĐND thì cử tri có được bầu trực tiếp không? Dân làm chủ qua hình thức nào? Trong một thực thể nhà nước thống nhất mà vẫn tồn tại sự khập khiễng, không đồng bộ, hệ lụy này giải quyết ra sao? Có thể khẳng định thời gian qua, thông qua hoạt động quyết định HĐND đã phát hiện và không quyết nghị nhiều cơ chế, chính sách chưa phù hợp pháp luật; thông qua giám sát, HĐND đã ngăn chặn, phát hiện, đề nghị xử lý nhiều vi phạm, được cử tri và nhân dân rất tin tưởng. Nếu không có HĐND giám sát mà chỉ đoàn thể giám sát liệu có ngăn được sự lộng quyền vừa đá bóng vừa thổi còi và các vi phạm pháp luật ở địa phương không?

Vừa qua, tại nghị trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng đã có khá nhiều quan điểm bày tỏ quan ngại về việc đưa ra các lý do thí điểm để rồi bỏ hoàn toàn HĐND cấp huyện, quận, phường. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được đưa ra lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân vừa qua, về chế định chính quyền địa phương cũng sơ sài, không cụ thể. Nay muốn bãi bỏ chế định đó, Quốc hội Khóa XIII phải chứng minh cho thuyết phục vì sao thiết chế đó không cần thiết nữa, thiết chế đó nếu để thì có hại gì cho đất nước, cho nhân dân? Lý do nêu ra cần phải khách quan, khoa học để thuyết phục nhân dân đồng tình.

Thiết nghĩ, vấn đề nên làm và cần phải làm ngay là sự quan tâm lãnh đạo sâu sát, thiết thực của các cấp ủy Đảng với tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp. Nhà nước cần sớm hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho HĐND hoạt động đạt được chất lượng, thực quyền và hiệu quả hơn. Bỏ HĐND huyện, quận, phường không đem lại lợi ích gì đáng kể cho nước, cho dân mà chính đó lại là yếu tố gây xáo trộn hệ thống chính quyền địa phương đang ổn định; quan trọng hơn làm mất đi chỗ dựa, mất đi công cụ chính trị quan trọng để nhân dân làm chủ thông qua cơ quan đại diện của mình, góp phần quản lý địa phương theo pháp luật và đấu tranh chống tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng ở địa phương...

Hiện nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đang lãnh đạo việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và sẽ làm rõ lý do tại sao, trên cơ sở khoa học và thực tiễn nào mà bỏ HĐND huyện, quận, phường; duy trì HĐND cấp tỉnh, thành phố, thị xã và cấp xã, thị trấn. Đây là vấn đề đại sự quốc gia, cần xem xét thấu đáo, khách quan, toàn diện về những mặt được, hạn chế thiếu sót trong quá trình vận hành của bộ máy nhà nước ta hiện nay và việc đổi mới, hoàn thiện nó. Bên cạnh đó cũng cần nghiên cứu, chọn lọc để áp dụng hình thức tổ chức bộ máy các nhà nước khác trên thế giới. Nhưng dù thế nào thì không thể quên được bản chất nhà nước ta, mục đích xây dựng nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nguyễn Xuân Diên
Phó văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội