Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng: Liên minh hợp tác xã chỉ nên thành lập ở hai cấp Trung ương và cấp tỉnh
Tôi nhất trí việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về khái niệm và bản chất hợp tác xã. Theo đó, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế tập thể. Chúng ta khẳng định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể ở chỗ nó là một trong những tổ chức có số thành viên quy định rõ là 7 thành viên trở lên và thành lập, hoạt động trên tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau, đặc biệt là nguyên tắc đồng sở hữu tự nguyện, trong sinh hoạt và trong quyết nghị của hợp tác xã phải dân chủ và tập thể. Tinh thần tương trợ và hoạt động giúp đỡ nhau để đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên được thảo luận, được quyết định, được mạn đàm trên cơ sở tôn trọng sở hữu của mỗi bên là một trong những bản chất tốt đẹp của hợp tác xã.
Đối với Liên minh hợp tác xã, tôi nhất trí với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong dự thảo. Theo đó, Liên minh hợp tác xã là cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các sở hữu tham gia trong hợp tác xã; có trách nhiệm tuyên truyền, tập hợp để tổ chức này ngày càng phát triển - đây cũng là một trong những mục đích quyết định bản chất của Liên minh hợp tác xã và vai trò, vị trí của hợp tác xã; có trách nhiệm tư vấn, có trách nhiệm thực hiện một số dự án với Liên minh hợp tác xã nước ngoài, có thể thực hiện được trong nước, có kiểm tra, đôn đốc, tham gia xây dựng chính sách... Đây là vấn đề rất quan trọng, nếu từng hợp tác xã tham gia được thì rất tốt, nhưng có Liên minh hợp tác xã thì vai trò rộng lớn và có tiếng nói vì đây là hội rất đặc biệt. Do đó, tôi nhất trí Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho Liên minh hợp tác xã tồn tại, phát triển và phát huy vai trò, vị thế của mình. Tôi đồng tình cao phương án Liên minh hợp tác xã chỉ nên hình thành ở hai cấp là cấp Trung ương và cấp tỉnh. Điều lệ chung thì Thủ tướng quy định, còn ở cấp tỉnh nên để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sẽ năng động hơn và có điều kiện sửa đổi, bổ sung được. Về chính sách hỗ trợ, nên để Chính phủ quy định theo khả năng mà Chính phủ có thể đáp ứng yêu cầu của Liên minh hợp tác xã và sự phát triển của các hợp tác xã để bảo đảm bản chất của hợp tác xã.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Việc góp vốn, tham gia thành lập doanh nghiệp của hợp tác xã phải nhằm mục đích đem lại lợi ích cao hơn cho các thành viên hợp tác xã
Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sau khi trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Ba và trình UBTVQH cho ý kiến tại Phiên họp trước đã được tiếp thu, chỉnh lý một bước. Ủy ban Kinh tế đã gửi cho các Đoàn ĐBQH và tiếp thu ý kiến của ĐBQH. Đến nay, chỉ còn một vấn đề còn có ý kiến khác nhau là vấn đề tổ chức của Liên minh hợp tác xã. Cụ thể là thẩm quyền phê duyệt điều lệ của Liên minh hợp tác xã do Thủ tướng phê duyệt điều lệ cấp Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt ở cấp địa phương hay quy định Liên minh hợp tác xã như là một tổ chức nghề nghiệp, tức là do đại hội Liên minh hợp tác xã phê duyệt điều lệ?
Ủy ban Kinh tế, cơ quan thẩm tra dự án Luật và cơ quan soạn thảo dự án Luật đều đề nghị tổ chức Liên minh hợp tác xã nên giữ như hiện nay, tức là một tổ chức đặc thù do Thủ tướng phê duyệt điều lệ. Hiện nay tổ chức này cũng có tiếng nói trong Phiên họp thường niên ở Tổ chức Lao động quốc tế, tức là cứ thay phiên nhau, năm nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu thì năm sau, Liên minh hợp tác xã phát biểu tại trụ sở của Tổ chức Lao động quốc tế tại Geneva về đại diện giới chủ, tiếng nói của giới chủ. Ai phê duyệt điều lệ tổ chức hoạt động của Liên minh hợp tác xã thì tổ chức này đều đại diện cho các tổ chức hợp tác xã, đại diện quyền lợi và lợi ích hợp pháp trước pháp luật, tiếng nói của thành phần kinh tế hợp tác xã.
Bản chất của hợp tác xã trong giải trình tiếp thu, chỉnh lý lần này cũng đã được làm rõ thêm. Chính vì hợp tác xã khác với doanh nghiệp, là một thành phần kinh tế hợp tác nên mới cần ban hành một đạo luật về hợp tác xã. Còn nếu xem hợp tác xã là một doanh nghiệp thì chỉ cần sửa đổi Luật Doanh nghiệp là được. Nhưng nếu xem hợp tác xã là một doanh nghiệp thì lại sai bản chất, trong thực tế đây là tổ chức liên kết hợp tác giữa những người vốn ít, có thể gọi là những người yếu thế để hợp tác lại với nhau tạo ra một tổ chức để người ta cung cấp những dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho các thành viên. Tôi nghĩ về mặt lý luận và thực tiễn, vấn đề này có lẽ nên thống nhất như vậy. Vấn đề có cho hợp tác xã tham gia vốn góp với công ty, thành lập doanh nghiệp hay không thì cũng không sai với Luật Doanh nghiệp và Bộ luật Dân sự vì khi đã là một tổ chức kinh tế thì hợp tác xã cũng được quyền tham gia vốn góp và tham gia thành lập doanh nghiệp. Nhưng lần này tiếp thu ý kiến của ĐBQH, chúng ta quy định rõ hơn việc giao cho Chính phủ quy định những tiêu chí, những điều kiện để hợp tác xã có thể thành lập doanh nghiệp; mục đích thành lập doanh nghiệp là tham gia góp vốn với công ty nhằm hỗ trợ cho hoạt động hợp tác của hợp tác xã chứ không phải là chạy theo lợi nhuận, tức là việc góp vốn, tham gia thành lập doanh nghiệp phải hướng đến mục tiêu đem lại hiệu quả cao hơn cho lợi ích của các thành viên của hợp tác xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Các chính sách ưu đãi cho hợp tác xã cần quy định thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật khác
Tôi nhất trí bản chất của hợp tác xã không phải là doanh nghiệp mà là một tổ chức kinh tế tập thể. Vấn đề này không phải đến bây giờ chúng ta mới bàn mà trong Điều 103 của Bộ luật Dân sự đã quy định rồi. Trong Điều 103 của Bộ luật Dân sự khi quy định về tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân gồm: doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác) và hợp tác xã. Do đó, hợp tác xã là một tư cách pháp nhân riêng, không phải nằm trong doanh nghiệp. Cần thống nhất như vậy để thống nhất trong hệ thống pháp luật là hợp tác xã không phải là doanh nghiệp. Hiện nay chúng ta đang áp dụng các chính sách ưu đãi của hợp tác xã thì cũng được đối xử như doanh nghiệp, tức là đây không phải là một tập thể bình thường mà được hưởng các chính sách như doanh nghiệp về mọi mặt, ngoài những chính sách riêng cho hợp tác xã. Hợp tác xã khác doanh nghiệp ở một điểm nữa là về mục đích thành lập, Khoản 1, Khoản 2, Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định mục đích thành lập của doanh nghiệp là kinh doanh thu lời, nhưng mục đích của hợp tác xã là đáp ứng nhu cầu chung của tập thể xã viên của hợp tác xã đó. Rõ ràng 2 mục đích thành lập của doanh nghiệp và hợp tác xã là khác nhau và Bộ luật Dân sự cũng đã quy định như vậy. Vì thế, theo tôi có thể trình QH 1 phương án, hợp tác xã là một pháp nhân riêng.
Về chính sách ưu đãi, cũng có thể quy định trong dự thảo Luật, nhưng nên quy định thống nhất với các văn bản khác. Ví dụ, chính sách miễn lệ phí, theo tôi nên theo quy định hiện hành về phí, lệ phí cho thống nhất. Hay về đất đai, nếu quy định ngay trong Luật Hợp tác xã này thì cũng không thể quy định được hết; trong khi đó, nếu quy định quá cụ thể thì khi làm các luật khác sẽ lại phải sửa và không bảo đảm được tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Một vấn đề cần xem xét nữa là quy định tại Điều 52 và quy định tại Khoản 4, Điều 5 về tài sản không chia của hợp tác xã. Tài sản không chia của hợp tác xã theo Khoản 4, Điều 5 là tài sản không được chia cho các tổ chức thành viên và các xã viên hợp tác xã khi hợp tác xã chấm dứt hoạt động. Nhưng Điều 52 lại quy định dùng tài sản này để thanh toán thì hai điều này không thống nhất với nhau.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh: Bản chất hợp tác xã đã có sự thay đổi rất lớn so với Luật năm 2003 Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) có thể nói là một sự thay đổi rất lớn về bản chất hợp tác xã so với Luật năm 2003 và đã được nghiên cứu tương đối công phu, kỹ lưỡng trong nhiều năm. Chính phủ cũng đã chỉ đạo việc xây dựng dự thảo Luật này để tạo ra một động lực cho hợp tác xã phát triển bền vững lâu dài. Luật Hợp tác xã năm 2003 đã quy định hợp tác xã là một loại hình của doanh nghiệp. Nhưng rõ ràng từ đó đến nay, hợp tác xã không mạnh lên, trên thực tế, hợp tác xã hoạt động rất khó khăn. Hiện nay theo nghiên cứu rất công phu và học tập kinh nghiệm của quốc tế cũng như trong nước và khảo sát rất nhiều, tôi rất đồng tình quy định của dự thảo Luật: hợp tác xã chính là một tổ chức bình đẳng, tự nguyện và được thành lập ra để trên cơ sở đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên chứ không phải mục tiêu mang lại lợi nhuận như doanh nghiệp, đấy là sự khác biệt rất lớn. Có thể nói rằng, nếu hiểu được đúng bản chất này thì nó logic cho những vấn đề đi kèm theo, ví dụ như về vấn đề tài sản không chia hay vấn đề quy định về tỷ lệ % sử dụng sản phẩm dịch vụ hợp tác xã. Bởi vì nếu không phải phục vụ cho thành viên là chính mà lại đưa ra bán sản phẩm thì không phải. Đây không phải là hợp tác xã để sản xuất như trước đây chúng ta hiểu, không phải là hợp tác xã chung nhau tiền lại để sản xuất ra một sản phẩm để bán. |