Hành trình phóng viên chiến trường
"Sau này, cha vẫn thường kể cho chúng tôi, hành trang đi chiến dịch của cha, ngoài ba lô và vật dụng thông thường, bao giờ cũng có cái máy ảnh và bao đạn để phim. Cha trực tiếp tác nghiệp ở chiến trường và căn cứ cách mạng, nhưng ở chiến trường nhiều hơn. Ở căn cứ, cha chụp các cuộc họp của Bộ Chính trị, chụp Bác Hồ, Bộ Chỉ huy Mặt trận, sinh hoạt văn nghệ của anh em..." - đạo diễn Triệu Tuấn, con trai nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại xúc động kể về cha mình tại Lễ khai mạc triển lãm Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ sáng 3.5, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.
Trong con mắt của đồng đội, cuộc đời của Triệu Đại là cuộc đời của một phóng viên chiến trường, với hàng nghìn bức ảnh chiến trận, khói đạn, bom nổ, bộ đội xông lên...
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại sinh năm 1920 tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội, trong một gia đình tiểu thương. Hành trình cầm máy của ông bắt đầu năm 1941, khi ông được gia đình cho đi học nghề ảnh ở hiệu ảnh Central Photo, Hà Nội. Ngày kháng chiến toàn quốc, Triệu Đại tham gia đội tự vệ thành Hà Nội. Sau cuộc chiến đấu ác liệt cùng Trung đoàn Thủ đô ở Hà Nội, ông về Vân Đình mở hiệu ảnh Triệu Đại ảnh quán.
Năm 1949, Triệu Đại xung phong vào quân đội và tham gia chiến dịch biên giới năm 1950 với nhiệm vụ chụp ảnh các trận đánh. Bộ ảnh chiến dịch biên giới ông chụp trở thành tư liệu quý, với các bức ảnh về chiến thắng Đông Khê, Thất Khê, hình ảnh bộ đội ta bắt sống hai tên chỉ huy quan năm Pháp, cảnh tù binh bị bắt trong chiến dịch biên giới, cảnh bác sĩ Huard cảm ơn lòng nhân đạo của Chính phủ Việt Nam…
Sau chiến dịch biên giới, ông được cử làm Trưởng phòng Nhiếp ảnh, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Nhờ vậy, Triệu Đại luôn theo sát các chiến dịch lớn. Năm 1952, trong những ngày mở chiến dịch Tây Bắc, Triệu Đại sống cùng bộ đội ở Tuần Giáo, Lai Châu, chụp ảnh bộ đội mở đường vào Điện Biên, cảnh kéo pháo vào trận địa, cảnh hành quân, chuẩn bị cho chiến dịch.
Giai đoạn 1953 - 1954, Triệu Đại tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách phóng viên báo Quân đội Nhân dân. Hành trang của ông là chiếc máy ảnh Leika với ống kính trung bình, vài chục cuộn phim lấy được của địch gói chung với gạo rang chống ẩm. Được sống những ngày hào hùng cả nước ra mặt trận, tham dự những cuộc hành quân gian nan trong cảnh ngày đêm giặc bắn phá, nhiều bức ảnh đã được Triệu Đại ghi lại.
Sau khi được cử về Sư đoàn 312 tham gia trực tiếp mở đột phá khẩu, Triệu Đại nằm trong nhóm phóng viên đầu tiên tiếp cận chiến trường Điện Biên Phủ. Chụp nhiều bức ảnh chiến trường ghi dấu ấn thời điểm lịch sử quan trọng ấy, ông hay đùa rằng mình chỉ có ảnh máu lửa mà không có ảnh đẹp.
Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ
"Chỉ có ảnh máu lửa", bởi Triệu Đại đã theo các mũi xung kích mặt trận và chụp toàn bộ hình ảnh của chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông ghi tên mình trong lịch sử nhiếp ảnh chiến tranh cách mạng khi là phóng viên duy nhất có một bộ ảnh hoàn chỉnh từ lúc mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến lúc chiến dịch toàn thắng.
Những hình ảnh cảm động và chân thực của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ được ông ghi lại rất phong phú, như cảnh dân quân ra hỏa tuyến, công binh mở đường, kéo pháo, cảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho các cán bộ chỉ huy mặt trận...
Trong đó, bức ảnh Triệu Đại chụp lá cờ Quyết chiến quyết thắng được bộ đội ta phất cao trên nóc hầm De Castries chiều 7.5.1954 được sử dụng nhiều nhất, trở thành biểu tượng của Điện Biên Phủ huy hoàng.
Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết, những bức ảnh của Triệu Đại nóng bỏng hơi thở chiến trường, sinh động và hấp dẫn người xem. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại thực sự là một nhà chép sử bằng hình ảnh.
70 bức ảnh trong triển lãm Nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại - Bản anh hùng ca bằng ảnh về Điện Biên Phủ là những điểm sáng tiêu biểu trong hàng nghìn khoảnh khắc quý giá mà nhiếp ảnh gia Triệu Đại khi ấy ghi lại được.
"Qua những bức ảnh của nhiếp ảnh gia Triệu Đại giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về tầm vóc của sự kiện lịch sử Điện Biên Phủ, hiểu về những gì đã làm nên chiến thắng vang dội cùng niềm kiêu hãnh, tự hào về thế hệ cha anh một thời. Đúng như những lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định về ông: "Triệu Đại ra mặt trận không trực tiếp cầm súng như các chiến sĩ, mà vũ khí là máy ảnh. Các bức ảnh là chiến công của Triệu Đại...", bà Nguyễn Thị Tuyết nói.