Kiên quyết không có lợi ích nhóm trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật
Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sáng 22.10 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Ngay sau phiên thảo luận, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức cuộc họp với cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật, các cơ quan hữu quan để thống nhất định hướng tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức các cuộc họp để chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 29.10.2024, Bộ Y tế cũng đã có Báo cáo số 1412/BC-BYT về dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, hầu hết các nội dung của dự thảo Luật sau chỉnh lý đã đạt được sự thống nhất của các cơ quan, trừ nội dung về quy mô dự án đầu tư mới trong phát triển công nghiệp dược được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sau khi chỉnh lý vẫn gồm 3 điều, Điều 1 sửa đổi 50 điều, bãi bỏ 2 điểm, 1 khoản và 1 điều của Luật Dược hiện hành và bổ sung 3 điều mới; Điều 2 về sửa đổi, bổ sung Phụ lục số 01 về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá ban hành kèm theo Luật Giá số 16/2023/QH15; Điều 3 về Điều khoản thi hành.
Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội đã quán triệt thực hiện tối đa phương pháp tiếp cận mới, tư duy mới trong xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Việc chỉnh lý dự thảo Luật được thực hiện trên cơ sở quán triệt chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, không luật hóa những quy định của nghị định, thông tư và kiên quyết không có lợi ích nhóm trong chỉnh lý Luật.
Riêng một số nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ, đề nghị được tiếp tục giữ tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của dự thảo Luật Dược để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định khác của Luật Dược năm 2016.
Cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa nhằm cắt giảm thêm một số điều khoản
Thảo luận về dự thảo Luật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh Ủy ban Xã hội đã khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan để tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần trong vòng chưa đến 10 ngày rất là nhanh. Tài liệu, hồ sơ được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cẩn thận.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao Ủy ban Xã hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, nhất là việc rà soát nhằm cắt giảm các quy định không cần thiết theo cách tiếp cận mới, tư duy mới trong xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội. Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa nhằm cắt giảm hơn nữa các điều khoản trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu ví dụ, về quản lý nhà nước trong lĩnh vực dược, Luật hiện hành có Điều 4 quy định khái quát về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, địa phương, song có Điều 10 lại quy định rất cụ thể về trách nhiệm của từng bộ. Đến nay, dự thảo Luật cũng sửa đổi một số khoản trong Điều 10.
“Nếu có thể được thì trong lần sửa đổi này, chúng ta bỏ luôn Điều 10 hoặc là sửa đổi Điều 10 chỉ giao Chính phủ quy định phân công trách nhiệm của các bộ liên quan trong quản lý lĩnh vực dược. Có thể liệt kê ra một vài nguyên tắc để Chính phủ quy định cụ thể thôi. Như vậy cũng thể hiện đúng tinh thần tư duy mới trong xây dựng pháp luật, mà lại rất linh hoạt với Chính phủ”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ Y tế, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp này; tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; Thường trực Ủy ban Pháp luật rà soát kỹ thuật văn bản, bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trong quá trình hoàn chỉnh, rà soát kỹ thuật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ, bám sát tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật để rà soát đúng với chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và mới đây là Chủ tịch Quốc hội về thực hiện đúng Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27.6.2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.