Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV

Bám sát thực tiễn, linh hoạt thích ứng

- Thứ Năm, 29/07/2021, 06:55 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã bế mạc sau 9 ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, bảo đảm chất lượng các nội dung trong chương trình đề ra. Đánh giá bước đầu về kết quả của kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, thông qua việc tổ chức thành công kỳ họp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về một Quốc hội luôn bám sát yêu cầu của thực tiễn, sát cánh cùng Chính phủ và cả hệ thống chính trị vì mục tiêu trước hết và trên hết là chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, sự an toàn của Nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Đồng hành với Chính phủ 

Ảnh: Quang Khánh

Thành công lớn nhất của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV trước hết là ở công tác tổ chức. Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đầy thách thức, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có thể nói là trầm trọng nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước ta đến nay. Tuy nhiên, do ý nghĩa và tính chất hệ trọng của kỳ họp này nên Quốc hội Khóa XV không thể dừng, hoãn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và bộ máy tham mưu, phục vụ đã rất nỗ lực cân nhắc, tính toán, điều chỉnh kế hoạch nhằm kịp thời tổ chức kỳ họp.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề lớn như:  Kiện toàn các vị trí lãnh đạo Nhà nước cấp cao như Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn cơ cấu tổ chức Quốc hội, Chính phủ; xem xét những chính sách lớn nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm và 5 năm tới; quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn và các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025… Cho nên, Kỳ họp thứ Nhất có ý đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Quốc hội thể hiện tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chia sẻ, đồng hành cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua việc điều chỉnh thời gian kỳ họp và bổ sung nội dung liên quan đến phòng, chống dịch vào Nghị quyết chung của Quốc hội. Quốc hội làm việc liên tục, không kể ngày chủ nhật, giảm một ngày thảo luận ở hội trường đối với một số nội dung về tài chính, ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia… do các nội dung này đã được đại biểu Quốc hội thảo luận kỹ ở tổ. Các đại biểu Quốc hội cũng tận dụng cả thời gian nghỉ ngơi để nghiên cứu tài liệu, xem xét các vấn đề liên quan đến nội dung chương trình kỳ họp. Quốc hội đã tận dụng, tối đa hóa thời gian làm việc để dành nguồn lực, thời gian cho công tác phòng, chống dịch vốn đang rất nóng bỏng hiện nay.

Quan trọng nhất, đó là mặc dù thời gian được rút ngắn nhưng chất lượng các nội dung trong chương trình kỳ họp được bảo đảm, không có hiện tượng qua quýt, làm cho xong việc. Mọi vấn đề trình ra Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp đều được các đại biểu Quốc hội bàn thảo, xem xét rất kỹ lưỡng, chất lượng.

ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai): Kịp thời, linh hoạt

Ảnh: Quang Khánh

Với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định vấn đề nhân sự, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Nhân sự của bộ máy của Quốc hội, Chính phủ và Chủ tịch Nước nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều được bầu với sự tín nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội.

Đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, với trên 50% số đại biểu Quốc hội lần đầu tham gia hoạt động nghị trường. Song, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sự giúp đỡ của các cơ quan Quốc hội, các đại biểu Quốc hội mới đã được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để “bắt nhịp” ngay với công việc của Quốc hội. Quan sát hoạt động nghị trường những ngày qua, có thể thấy nhiều đại biểu Quốc hội mới rất tự tin khi tham gia thảo luận, góp ý kiến và biểu quyết những quyết sách quan trọng của đất nước.

Tại kỳ họp này, tôi đặc biệt ấn tượng với việc Quốc hội kịp thời điều chỉnh chương trình kỳ họp cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đáng chú ý như việc bổ sung vào Nghị quyết chung của Quốc hội nội dung liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19, nhằm cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ cấp bách liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19. Điều này thể hiện tính đúng đắn, kịp thời và linh hoạt của Quốc hội dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Quyết định này đã chuyển đi thông điệp về một Quốc hội tiếp tục đổi mới, sáng tạo, linh hoạt thích ứng; khẳng định một Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ, sẵn sàng tham gia và ủng hộ các nỗ lực của cả hệ thống chính trị nhằm giải quyết kịp thời những thách thức, khó khăn, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19 gây ra nhằm mang lại cuộc sống an toàn, ổn định cho Nhân dân.

ĐBQH Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang): Đoàn kết, chất lượng

Mặc dù thời gian tiến hành Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV được rút ngắn đến hai lần do yêu cầu từ thực tiễn, song các nội dung đề ra trong chương trình được bảo đảm về chất lượng và hiệu quả. Các đại biểu Quốc hội tập trung trí tuệ để xem xét, thảo luận nhằm giải quyết khối công việc lớn và rất quan trọng trình Quốc hội lần này. Những nội dung được các đại biểu cho ý kiến đều rất xác đáng, tâm huyết, mang tính xây dựng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và Nhân dân. Các đại biểu cũng thể hiện sự đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ đặt ra trong kỳ họp.

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua hai nội dung quan trọng là các Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Qua nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ và các Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cũng như qua các phiên thảo luận ở Tổ và hội trường, Quốc hội đã bàn bạc kỹ lưỡng những vấn đề đặt ra với hai nội dung này. Các ý kiến của đại biểu bám sát thực tiễn, thiết thực, liên quan mật thiết đến đời sống của Nhân dân. Tôi đánh giá cao việc Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư cho hai Chương trình này, trong đó, đưa ra những mục tiêu chung, hướng đến những nhóm đối tượng yếu thế cần được quan tâm trong xã hội và bảo đảm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới.

Tôi rất ấn tượng với việc Quốc hội ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu, giúp giảm việc sử dụng giấy trong phục vụ kỳ họp, vốn vừa cồng kềnh lại gây lãng phí. Mọi thông tin, hồ sơ, tài liệu đều được cung cấp qua máy tính bảng, giúp các đại biểu thuận tiện hơn trong việc nghiên cứu.

H. Ngọc - T. Thành - T. Chi ghi