Đó là yêu cầu của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành tại hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang với thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố lần thứ 7 vừa được tổ chức với chủ đề: “Kinh nghiệm trong quyết định và giám sát việc thực hiện pháp luật về đầu tư công”.
Nhận diện những vấn đề còn sai sót, bất cập
Phát biểu đề dẫn tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành khẳng định: đầu tư công có vai trò quan trọng, chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đầu tư công còn là công cụ của Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng chậm phát triển, vùng khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Đầu tư công còn có vai trò là “vốn mồi”, dẫn dắt đầu tư tư, góp phần khơi dậy tiềm năng to lớn trong nhân dân cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với Bắc Giang, từ năm 2021 đến hết năm 2023, đã huy động hơn 25,9 nghìn tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông tạo sự kết nối với các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm khu vực cũng như cả nước, tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực... Tuy nhiên, thời gian qua việc quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công đang còn nhiều hạn chế: tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công còn diễn ra phổ biến, việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công còn nhiều bất cập, thậm chí còn có sai phạm đã được các cơ quan chức năng chỉ ra đã ở cả cấp tỉnh và cấp huyện…
Thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ của HĐND từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố còn có những nội dung, khâu, công đoạn, làm chưa chuẩn, chưa hết, thậm chí chưa đúng quy định (còn sai sót). Việc thực hiện hoạt động quyết định và giám sát đầu tư công của cấp huyện có nhiều nội dung chưa thực sự chuẩn theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử.
“Từ những lý do trên, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang quyết định chọn chủ đề về “Kinh nghiệm trong quyết định và giám sát việc thực hiện pháp luật về đầu tư công” để trao đổi với các huyện, thị xã, thành phố lần này”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh.
Bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật
Đánh giá cao việc tổ chức Hội nghị mang ý nghĩa một cuộc trao đổi chuyên môn sâu, nhiều vấn đề vướng mắc, băn khoăn của cấp huyện đều đã được trả lời, làm rõ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành biểu dương các địa phương nghiên cứu sâu, đưa ra các câu hỏi rất đúng và trúng thực tiễn để đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND trả lời, làm rõ. Đồng thời, đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, bám sát các quy định của Luật Đầu tư công, các luật liên quan để thực hiện cho đúng thẩm quyền, thời gian, bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành nhấn mạnh việc cần thống nhất với các địa phương để thực hiện cho đúng chức năng, nhiệm vụ của HĐND là quyết định và giám sát.
Theo đó, để bảo đảm thực hiện đúng quy định, hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải đầy đủ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6.4.2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do địa phương quản lý tuân thủ theo quy định tại Điều 27 của Luật Đầu tư công. Cùng với đó, cần xem xét cụ thể các điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án được quy định tại Điều 18 Luật Đầu tư công, như sự phù hợp với kế hoạch, quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch; nguồn vốn, khả năng cân đối vốn của dự án; kế hoạch đầu tư công cần phân bổ chi tiết cho từng dự án theo quy định tại khoản 2, điều 63 Luật Đầu tư công.
Về cơ quan lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND cấp huyện giao cơ quan chuyên môn hoặc UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; nên thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án.
Quá trình thực hiện, cần đặc biệt lưu ý các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công liên quan đến chủ trương đầu tư: Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với các nội dung về mục tiêu, phạm vi, quy mô, vượt tổng vốn đầu tư của chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Trước khi giám sát, cần nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Sau khi nghiên cứu hồ sơ tài liệu thì phải họp lại để thống nhất dự kiến sai sót và tổng hợp thành “Bản tổng hợp kết quả nghiên cứu hồ sơ”. Sau đó, tổ chức buổi trao đổi với đơn vị phụ trách dự án (cán bộ trực tiếp phụ trách) để làm rõ. Sau khi đã cơ bản thống nhất các khuyết điểm, hạn chế và sai sót thì xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát để tổ chức hội nghị giám sát với chủ đầu tư, cơ quan quản lý chuyên ngành có liên quan.
Sau giám sát, đối với các cuộc giám sát chuyên đề của HĐND cần ban hành nghị quyết kết quả giám sát, các nội dung chất vấn của HĐND, giám sát chuyên đề, giải trình của Thường trực HĐND ban hành thông báo kết luận; các nội dung giám sát của Thường trực và các Ban HĐND phải kịp thời báo cáo kết quả giám sát theo quy định. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành yêu cầu các đại biểu cần vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm, giải pháp đã trao đổi tại Hội nghị này vào hoạt động thực tiễn ở địa phương....