Phát triển hoạt động kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng:

Bám sát thị trường, tạo sự cạnh tranh lành mạnh

- Thứ Ba, 24/11/2020, 18:27 - Chia sẻ
Theo Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Khí miền Nam (PV Gas South) Đào Đình Thiêm, cần có quy định kiểm soát chặt chẽ hơn các trạm chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tránh tạo kẽ hở cho vi phạm, gian lận thương mại. Ban hành quy định về xử lý trách nhiệm hình sự một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử lý đủ để răn đe, hạn chế tình trạng chiếm dụng vỏ bình gas, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Còn nhiều “nút thắt"

Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương Trần Duy Đông cho biết, LPG là một trong những mặt hàng thiết yếu và ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất, tiêu dùng cũng như tới một số các chỉ số vĩ mô kinh tế của Việt Nam. Trong thời gian qua, nước ta là một trong những quốc gia có tộc độ phát triển thị trường LPG cao nhất trên thế giới và khu vực. Trong 5 năm gần đây, khi thị trường LPG thế giới tăng trưởng 4%, thì thị trường LPG của Việt Nam tăng trưởng khoảng 9-10%/ năm. Hệ thống từ sản xuất cho đến kinh doanh, phân phối LPG đã liên tục được phát triển và hoàn thiện.

Việt Nam là một trong những nước có tộc độ phát triển thị trường LPG cao nhất trên thế giới và khu vực. Nguồn: ITN
Việt Nam là một trong những nước có tộc độ phát triển thị trường LPG cao nhất trên thế giới và khu vực
Nguồn: ITN

Trong năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành 4.805 lượt kiểm tra, phát hiện 1.786 vụ việc vi phạm trong kinh doanh LPG. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 3 tỷ đồng.

Thông tin từ Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 và giá dầu giảm sâu trong 3 quý đầu năm 2020 khiến tình hình kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực dầu khí bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến việc giải thể và sát nhập nhiều trong thời gian vừa qua. Cụ thể, việc hạn chế di chuyển và thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến việc huy động nhân sự người nước ngoài tham gia thiết kế, thi công các dự án.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, hoạt động kinh doanh LPG trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể, chi phí kinh doanh, chi phí bán hàng còn cao so với giá thành sản phẩm. Giá và cơ chế giá LPG trong nước phụ thuộc hoàn toàn sự biến động giá thế giới, thiếu tính linh hoạt và ổn định. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chiếm dụng chai LPG, chiết nạp lậu… vẫn còn diễn ra phức tạp và chưa có giải pháp căn cơ để xử lý triệt để. Hệ thống phân phối LPG, đặc biệt là LPG chai chưa được các doanh nghiệp coi trọng, xây dựng bài bản, thiếu sự gắn kết, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Nguyễn Kỳ Minh nhìn nhận, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn diễn ra phức tạp. Tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh LPG chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín, trong đó có nhiều chai LPG chiếm dụng bị cắt tay xách, mài vỏ, không được kiểm định và đưa ra thị trường có chiều hướng phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn, rò rỉ gas, cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng. Các đối tượng sang chiết gas trái phép ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn nhằm qua mặt lực lượng chức năng như tận dụng bãi đỗ xe trống trải cách xa khu dân cư, các khu nhà trọ, bãi đất trống, để tiến hành sang chiết gas trực tiếp từ xe bồn chứa LPG vào bình gas loại 12kg một cách nhanh chóng, tiện lợi thu gọn hiện trường hoặc sang chiết gas mini trái phép.

Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam đánh giá, hoạt động kinh doanh LPG những năm qua vẫn có nhiều “nút thắt” khi chuyển từ hình thức phân phối nhà nước sang cơ chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn đều muốn nâng cao quy mô để bảo đảm hiệu quả, trong khi các doanh nghiệp nhỏ muốn hạ điều kiện để tồn tại độc lập. Từ nhiều năm qua, thị trường LPG chủ yếu cạnh tranh về giá, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng kinh doanh gas giả, gas lậu, trốn thuế... để có giá thấp, dẫn đến nhiều nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng.

Thị trường LPG của Việt Nam tăng trưởng khoảng 9-10%/ năm. Nguồn: ITN
Thị trường LPG của Việt Nam tăng trưởng khoảng 9-10%/ năm.
Nguồn: ITN

Tránh tạo kẽ hở cho gian lận thương mại

Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam Trần Minh Loan đề xuất, hơn lúc nào hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần có các giải pháp hữu ích, vừa tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp kinh doanh LPG, vừa đủ chế tài để xử lý những doanh nghiệp làm ăn “bát nháo”, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường LPG hiện nay.

Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đưa ra khuyến cáo rằng các doanh nghiệp cần nghiêm túc chấp hành quy định của Luật Cạnh tranh và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gas chân chính cần có những hướng dẫn đầy đủ, cụ thể cho người tiêu dùng về cách thức sử dụng bình gas, các biện pháp khắc phục trong trường hợp sự cố xảy ra, cần thiết lập và có nhân viên thường xuyên trực điện thoại đường dây nóng để hỗ trợ người tiêu dùng khi cần thiết. Các doanh nghiệp lớn đứng đầu thị trường cần nghiên cứu kĩ các quy định của pháp luật cạnh tranh, đặc biệt các quy định của hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh, bởi các quy định này có chế tài xử phạt rất nghiêm khắc có thể lên đến 10% doanh thu trên thị trường liên quan.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, Phó tổng giám đốc PV Gas South Đào Đình Thiêm cho hay, để bảo vệ người tiêu dùng đồng thời giữ vững uy tín trong kinh doanh. Tháng 7 vừa qua, Gas South chính thức triển khai giải pháp số hoá, quản lý và truy xuất nguồn gốc vỏ bình LPG trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Công nghệ này khắc phục gần như tuyệt đối các vấn nạn thu mua vỏ bình để bơm gas giả. Giải pháp thông qua ứng dụng (App) trên điện thoại di động sẽ giúp doanh nghiệp số hóa được toàn bộ dữ liệu, quản lý được từng bình từ khi sản xuất, trạm chiết, hệ thống phân phối, bán lẻ, đến tay người tiêu dùng và cho đến khi hồi lưu về nhà máy. Người tiêu dùng sử dụng ứng dụng trên điện thoại được truy xuất chính xác nguồn gốc bình gas khi mua và sử dụng.

Về chính sách quản lý của nhà nước, Phó tổng giám đốc Đào Đình Thiêm kiến nghị cần phải có những quy định kiểm soát chặt chẽ hơn các trạm chiết nạp, kênh phân phối, bám sát thị trường, tránh tạo kẽ hở cho hoạt động vi phạm, gian lận thương mại. Cần ban hành quy định về xử lý trách nhiệm hình sự một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas; có chế tài xử phạt nặng để răn đe, hạn chế tái phạm tình trạng chiếm dụng vỏ bình gas, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Thảo Anh