Đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin - cho
Đánh giá đây là một dự luật có nhiều nội dung khó, mới và phức tạp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật, bảo đảm thể hiện nhất quán tư tưởng của Nghị quyết số 12-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. "Phải thực hiện đối chiếu, so sánh vì còn nhiều nội dung chưa thể hiện đúng hoặc chưa thể hiện hết tư tưởng của Nghị quyết", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Một trong những tư tưởng như vậy, đó là "Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp. Vốn nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp được xác định là tài sản, là vốn của doanh nghiệp, nhưng việc gì doanh nghiệp cũng phải đi xin, việc gì doanh nghiệp cũng phải đi làm thủ tục, thì sẽ mất thời cơ, mất cơ hội kinh doanh”.
Cho rằng, nếu căn cứ theo quy định tại Điều 25 về nguyên tắc quản lý hoạt động đầu tư vốn của doanh nghiệp thì "không thể làm được gì cả", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu vấn đề: “Tại sao tư nhân làm hiệu quả, vì người ta tiết kiệm được thời gian, thủ tục, giảm được chi phí xin chỗ nọ, chỗ kia. Cho nên, trong dự thảo Luật này phải thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính, hạn chế cơ chế xin - cho. Đây là vấn đề đã được Thủ tướng Chính phủ phát biểu và chỉ đạo rất nhiều lần, tuy nhiên qua nghiên cứu các điều khoản cụ thể trong dự thảo Luật, thì rõ ràng là chưa cắt giảm được bao nhiêu”.
Cho rằng, dự thảo Luật cần "tăng cường phân cấp, phân quyền", Phó Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, qua rà soát, trong phụ lục có ghi những điểm mới nhưng chưa mới nhiều lắm, chưa phân cấp, phân quyền nhiều. "Nếu không phân cấp, phân quyền, việc gì cũng phải trình cấp trên, doanh nghiệp sẽ không phát huy được”, Phó Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn. Cũng vẫn là Điều 25, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nếu quy định như dự thảo Luật, thì doanh nghiệp sẽ phải "trình từ trình tự, thủ tục đến chiến lược, phương hướng, kế hoạch; ngoài ra, còn phải tuân thủ theo Luật Đầu tư và các luật khác thì không khác gì hiện nay".
Nhấn mạnh quan điểm dự thảo Luật phải xử lý triệt để những vướng mắc hiện nay, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ, 16 tập đoàn, tổng công ty và ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại đã liệt kê rõ những vướng mắc, nhưng dự thảo Luật "chưa giải quyết được nhiều". Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Luật cần chú ý yêu cầu tách chức năng quản lý chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết 12-NQ/TW, vì dự thảo hiện đã tách hai chức năng này, nhưng "chưa được nhiều và chưa triệt để".
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo chủ động cho doanh nghiệp nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ
Cho ý kiến với dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, cơ quan soạn thảo xem xét những nội dung được sửa đổi lần này đã thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng hay chưa? Đã cụ thể hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại phát triển doanh nghiệp có vốn nhà nước hay chưa? Đã tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản vốn nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh doanh nghiệp, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp? Việc tăng cường phân cấp, phân quyền được thể hiện như thế nào?
Một nội dung được Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đó là các quy định của dự thảo Luật đã bảo đảm tính đồng bộ với quy định của pháp luật hay chưa, nhất là các luật có liên quan, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng? Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị làm rõ nội dung Luật hiện hành còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đến sự phát triển của doanh nghiệp vốn nhà nước có được tiếp tục giữ lại trong Luật này hay không? Dự thảo Luật đã xử lý hết, dứt điểm hay một phần vấn đề vướng mắc tại Luật hiện hành cũng như các khó khăn, vấn đề phát sinh trong thực tiễn thời gian qua liên quan đến đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp hay chưa?..
Báo cáo, giải trình làm rõ những vấn đề nêu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long khẳng định, "mạch" tiếp cận của dự thảo Luật này là tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Nghị quyết 12-NQ/TW. Trên tinh thần đó, dự thảo Luật đã có một số điểm mới. Trong đó, quan điểm ở đây là "chuyển từ quản lý và sử dụng vốn nhà nước thành quản lý và đầu tư vốn nhà nước". Có nghĩa, mặc dù chúng ta không muốn nhưng pháp luật hiện hành đang quy định theo hướng can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của doanh nghiệp, và trong dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang thiết kế để "quản lý theo dòng vốn", và "phân định về mặt thẩm quyền". Theo đó, nếu vốn nhà nước tại doanh nghiệp dưới 51% thì hoàn toàn thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp.
Thừa nhận dự thảo Luật chưa thể hiện rõ các quan điểm nêu trên và các ý kiến tại phiên họp là hết sức xác đáng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ xin tiếp thu và sẽ nghiên cứu một cách hết sức kỹ lưỡng. "Quan trọng là chúng ta đang đi theo hướng đúng nhưng thiết kế cụ thể vào Luật là rất khó, làm sao dung hòa để bảo đảm sự gặp nhau giữa các quan điểm là một điều hết sức thách thức". Nêu rõ khó khăn này, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp thu và chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan của Quốc hội để tiếp tục chỉnh lý, rút bớt các thủ tục, phân công, phân cấp, phân quyền rõ hơn nữa để giảm các can thiệp theo hướng triệt để hơn nữa.
Trong kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ và cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn nhưng không can thiệp hành chính vào hoạt động kinh doanh, quản trị của doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động, phát huy tính năng động, sáng tạo của doanh nghiệp nhà nước cùng với việc có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lạm dụng, làm thất thoát tài sản nhà nước, gắn trách nhiệm của đơn vị, người đại diện vốn nhà nước; đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch về thực trạng tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước, bảo đảm việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước và Nhân dân đối với vốn của Nhà nước.
Đặc biệt, cần bảo đảm thực hiện theo quan điểm trong Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương là doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh, những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật; làm tốt vai trò dẫn dắt, phát triển doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác thực sự trở thành nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.