Bãi Sậy không còn nghèo đói

07/12/2007 00:00

Bãi Sậy là một trong 3 xã nghèo của huyện Ân Thi, Hưng Yên. Đây là vùng quê thuần nông, ruộng chua đất trũng, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống của người dân rất khó khăn.

    

      Năm 1988 – 2000, Bãi Sậy còn là “điểm nóng” của huyện về tình trạng bán đất gây quỹ, sử dụng ngân sách không đúng quy định, nội bộ mất đoàn kết, đơn thư khiếu kiện kéo dài... ảnh hưởng đến an ninh, chính trị và sự phát triển của xã. Để khắc phục tình trạng trên, ngay sau khi được kiện toàn, UBND xã đã xác định, phải tập trung để chuyển đổi có hiệu quả cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống nhân dân và từng bước ổn định an ninh, chính trị ở địa phương.
      Trước đây, Bãi Sậy tập trung thay đổi cơ cấu mùa vụ bằng việc thay thế mạ dược bằng mạ non và gieo vãi; Tập trung gieo cấy trà muộn trong vụ chiêm xuân. Bên cạnh đó, xã mở rộng diện tích cấy lúa chất lượng cao, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Năm 2007, diện tích lúa chất lượng cao của xã (gồm tẻ thơm, bắc thơm số 7, nếp các loại) chiếm trên 60%. HTX đã mở nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân thâm canh có hiệu quả. Từ năm 2004 đến nay, năng suất lúa của xã đạt mức ổn định 210 – 220kg/sào. Lúa được mùa, được giá, dễ tiêu thụ đã khuyến khích người dân đầu tư cho sản xuất để có thu nhập cao.
      Ngoài cây lúa, Bãi Sậy còn chú trọng việc chuyển đổi vật nuôi, cây trồng. Các kỳ họp, HĐND xã đều ra nghị quyết để khuyến khích nông dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, phát triển các vùng rau màu. Hàng chục hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển những chân ruộng cao sang chuyên canh cây màu, từng bước hình thành những vùng chuyên canh rau phù hợp với trình độ thâm canh và nhu cầu của thị trường. Hiện nay, toàn xã có hơn 70ha hoa màu, hình thành các vùng chuyên canh từng loại cây trồng, như: Dưa lê, dưa hấu ở Đào Quạt, Tiên Kiều; Bí ở Bối Khê; Cà ở Đỗ Mỹ; Ngô, rau xanh ở ấp Đòng... Đặc biệt, trong vụ xuân hè, thay vì cấy lúa, nhiều hộ đã chuyển hẳn sang trồng dưa. Vụ xuân hè vừa qua, toàn xã trồng được 46ha dưa lê và dưa hấu với năng suất từ 1,2 – 1,5 tấn quả/sào. Trừ chi phí, người dân thu lãi mỗi sào từ 1,5 – 2 triệu đồng.
      Gần đây, những diện tích ruộng trũng cấy lúa hiệu quả thấp cũng được các hộ dân chuyển sang các mô hình trang trại. Hiện, Bãi Sậy có trên 10 trang trại với quy mô từ 5 sào đến 2ha, điển hình là trang trại chăn nuôi của anh Trần Văn Kỳ, thôn Tiên Kiều với quy mô hơn 3ha, thường xuyên có từ 5.000 – 6.000 con ngan, vịt. Anh Kỳ đã đầu tư mua 3 giàn máy ấp trứng để cung cấp con giống ra thị trường. Trung bình mỗi năm trang trại của anh xuất bán trên 3 vạn con giống, 1,2 vạn trứng vịt lộn. Anh Kỳ còn quy hoạch 5.000m2 ao nuôi cá chim trắng, trắm, chép và rô phi xuất khẩu; Trên bờ trồng xen kẽ hàng trăm cây ăn quả ngắn và dài ngày, kết hợp trồng cây cảnh tạo nên khu du lịch sinh thái...  Thu nhập bình quân mỗi năm từ mô hình này đạt từ 100 – 150 triệu đồng. Anh Kỳ còn hỗ trợ vốn và tiêu thụ trứng cho hàng chục hộ dân trong vùng, góp phần thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn phát triển. Mô hình Vườn – Ao – Chuồng (VAC) của ông Phạm Huy Bội, thôn Đào Quạt cũng cho thu nhập cao. Bằng cách kết hợp trồng cây ăn quả, phát triển đàn lợn và nuôi cá, ông Bội đã biến khu ruộng trũng thành trang trại có thu nhập 120 triệu đồng mỗi năm.
      Việc chuyển đổi ruộng được quản lý chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định, do đó ở Bãi Sậy không có mâu thuẫn, khiếu kiện xảy ra. Trong những năm qua, toàn xã đã chuyển đổi trên 50 mẫu ruộng trũng thành những mô hình lúa – cá và VAC cho thu nhập cao, góp phần thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, tăng thu nhập cho người dân. Hướng đi phù hợp chính là tạo điều kiện để Bãi Sậy khai thác tiềm năng phát triển kinh tế, góp phần ổn định an ninh, chính trị ở địa phương. 
      Bãi Sậy giờ đây đã khởi sắc, toàn xã không còn hộ nhà tranh vách đất, thu nhập đầu người đạt trên 5 triệu đồng/năm, đường làng, ngõ xóm được trải bêtông và lát gạch. Từ năm 2005 đến đầu năm 2007, số hộ nghèo của xã giảm được 5%; Trường tiểu học và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, 100% trẻ em được đến trường; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Chính quyền cơ sở được củng cố. Từ năm 2005 đến nay, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ thôn được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, công tác thú y, kế hoạch hóa gia đình... để góp phần nâng cao kiến thức cho người dân, từ đó giữ vững và phát huy những thành quả đã đạt được.
      Chủ trương đúng, hợp lòng dân đã đem lại cơ hội và điều kiện thuận lợi để Bãi Sậy vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Lê Thị Hạnh

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bãi Sậy không còn nghèo đói
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO