Xây dựng tư tưởng, lý luận
Theo nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Phạm Hồng Tung, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào cách mạng Việt Nam; chuẩn bị đường lối, lý luận cho sự ra đời của Đảng. Như Người đã viết trong Đường kách mệnh: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam".
"Chủ nghĩa ấy là chủ nghĩa Mác - Lênin. Hồ Chí Minh đã ví chủ nghĩa Mác - Lênin như trí khôn của con người, như bàn chỉ nam định hướng cho con tàu đi, điều đó nói lên vai trò cực kỳ quan trọng của lý luận trong tất cả các thời kỳ cách mạng. Với ý nghĩa đó, theo Người chủ nghĩa Mác - Lênin trở thành cốt, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam", GS.TS Phạm Hồng Tung phân tích.
Hồ Chí Minh cũng là người trực tiếp đào tạo, huấn luyện các lớp cán bộ cách mạng đầu tiên chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một chính đảng muốn ra đời phải có cán bộ nòng cốt. Đội ngũ này đích thân Hồ Chí Minh ngay từ khi về Quảng Châu, Trung Quốc, thông qua sự giúp đỡ của Phan Bội Châu, đã tiếp cận được với Tâm Tâm Xã, trên cơ sở đó thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, lựa chọn những thanh niên ưu tú đưa ra huấn luyện, giảng dạy.
Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vai trò tổ chức là quan trọng. Bởi thế, trong thư gửi đồng chí, đồng đội trước khi rời Paris (Pháp) đi Liên Xô năm 1923, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra nhiệm vụ khi trở về nước là tổ chức. Trong lớp huấn luyện ở Quảng Châu, Người đã truyền dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản về tổ chức một chính Đảng hiện đại.
"Đây là điều chưa từng có cho cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, chính Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, tiền thân của Đảng, đi từ lập trường tiểu tư sản yêu nước chân chính sang lập trường cách mạng vô sản", GS.TS Phạm Hồng Tung nhận định.
Không vận dụng máy móc, giáo điều
Về vai trò trực tiếp chủ trì và thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phân tích thấu đáo. Lúc đó tại Việt Nam không chỉ có sự phân liệt đấu tranh nội bộ giữa ba tổ chức cộng sản là Đông Dương cộng sản Đảng, An Nam cộng sản Đảng, Đông Dương cộng sản liên đoàn, mà còn có sự đấu tranh giữa Việt Nam quốc dân Đảng với những người cộng sản và các nhóm yêu nước khác.
Theo GS.TS Phạm Hồng Tung, "Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua những xung đột và bất đồng cũ, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, giải quyết thỏa đáng các mối bất đồng, sự mất đoàn kết giữa các tổ chức cộng sản trong nước".
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam họp tại Hong Kong (Hương Cảng, Trung Quốc) gồm các đại biểu của Đông Dương cộng sản Đảng (Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh) và An Nam cộng sản Đảng (Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm). Nguyễn Ái Quốc là đại biểu đại diện của Quốc tế Cộng sản triệu tập và chủ trì. Hội nghị diễn ra trong thời gian tương đối dài, từ ngày 6.1 - 8.2.1930.
"Rõ ràng, để đi tới thống nhất đã có những cuộc đấu tranh, tranh luận rất gay gắt, kỹ càng giữa những người tham dự hội nghị. Các địa điểm họp thay đổi, khi tại khách sạn, câu lạc bộ, lúc ở trên đồi, sân bóng đá và lại vào dịp Tết Nguyên đán; thể hiện tính trách nhiệm cao, giải quyết rốt ráo, triệt để những hiểu nhầm, bất đồng để đi tới đoàn kết bền vững", GS.TS Phạm Hồng Tung phân tích.
GS.TS Phạm Hồng Tung cho biết, Quốc tế Cộng sản từng chỉ đạo quyết liệt, nghiêm khắc, rằng những người cộng sản trên toàn thế giới phải đoạn tuyệt, dứt khoát với những phần tử quốc gia, dân tộc, vì coi họ là những người không đáng tin cậy; và Đảng cộng sản ra đời là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học với phong trào công nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam, áp dụng công thức này không đem lại kết quả, vì giai cấp công nhân quá nhỏ về số lượng và yếu về chất lượng, lại đang chịu cảnh thực dân phong kiến áp bức.
Nguyễn Ái Quốc nhận thấy ở Việt Nam lúc bấy giờ, lực lượng xã hội to lớn, có đủ khả năng tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin là lực lượng thanh niên yêu nước. Có kiến thức và nhiệt thành yêu nước, tầng lớp thanh niên được Người tin tưởng sẽ là hạt nhân nòng cốt trong việc giác ngộ và truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Ngọn cờ lãnh đạo của phong trào dân tộc thường nằm trong tay các trí thức yêu nước. Bản thân Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên cũng có hơn 90% thành phần lãnh đạo là trí thức tiểu tư sản, thanh niên, sinh viên yêu nước chân thành và quyết tâm hy sinh để cứu nước, giải phóng dân tộc...
Nếu chúng ta thực hiện nghiêm khắc chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản sẽ không có thành phần để thành lập Đảng Cộng sản, nhưng nếu không thực hiện thì có thể sẽ mở đường cho lập trường phi vô sản vào trong Đảng. Cho nên, sự bất hòa đã diễn ra giữa ba tổ chức cộng sản mà tổ chức nào cũng nhận mình là chân chính nhất. Đây là mâu thuẫn về việc tiếp nhận học thuyết đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin và chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
"Những gì Hồ Chí Minh đề xuất cho cách mạng Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Người là sự cân bằng, sáng suốt chứ không phải sự thỏa hiệp vô nguyên tắc giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa yêu nước chân chính. Đó là điều then chốt mà Nguyễn Ái Quốc phải mất nhiều thời gian mới có thể làm cho những người cộng sản Việt Nam đầu tiên thấu hiểu để họ yên tâm thống nhất các tổ chức cách mạng, vững tin vào tiền đồ tất thắng của cách mạng Việt Nam", GS.TS Phạm Hồng Tung nhận định.