Xã hội

Bài học từ vụ giảng viên gây tai nạn liên hoàn: Nhậu là thú vui nhưng lái xe sau khi uống say là tội ác

Thanh Hải 18/07/2025 08:01

Tối 16/7, con đường Dương Nội, Hà Nội bỗng chốc trở thành hiện trường của một vụ tai nạn kinh hoàng. Một người đã vĩnh viễn nằm xuống, nhiều thân thể trẻ thơ oằn mình và bao gia đình chìm trong nỗi đau tận cùng. Bi kịch ấy, trớ trêu thay, bắt đầu từ một bàn nhậu, từ khoảnh khắc "chén chú, chén anh" tưởng chừng rất đàn ông nhưng lại biến thành tội lỗi không thể gội rửa.

Tài xế khóc nấc, hối hận muộn màng sau khi qua cơn say khiến nhiều gia đình rơi vào tang thương tối 16/7.

Tài xế Lê Minh Giáp (SN 1984), một giảng viên ngoài 40 tuổi, người trí thức, có công việc ổn định, giờ đây bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Video ghi lại chiếc xe của nam giảng viên trước khi xảy ra va chạm 20 phút. Camera cho thấy chiếc xe di chuyển ngược chiều với tốc độ cao, suýt va chạm với nhiều phương tiện.

Thông tin từ cơ quan công an cho biết, khoảng 20h05' ngày 16/7/2025, Giáp điều khiển ô tô trên đường Nguyễn Trác. Khi đến khu đô thị Dương Nội, do buồn ngủ, anh đã đã đâm vào một xe mô tô. Sau va chạm, trong cơn hoảng loạn, Giáp đạp nhầm chân ga, khiến chiếc xe biến thành "quái vật" không kiểm soát, tiếp tục đâm liên hoàn vào 4 xe mô tô và 2 ô tô đang đỗ bên đường.

Anh Đ.Q.V (SN 1984, trú tại phường Dương Nội) đã mãi mãi nằm lại hiện trường. Chị L.T.H.G (SN 1995) bị gãy chân và hai con nhỏ của chị - một bé 41 tháng tuổi và một bé 68 tháng tuổi phải nhập viên Nhi Hà Nội trong tình trạng nguy kịch.

z6815368706871_02ec6f9a936a1550e125147674d039ba.jpg
Người đàn ông ra đi nằm lại nơi mặt đất lạnh lẽo. Vợ nạn nhân khóc ngất tại hiện trường.

"Báo động đỏ" vang lên trong đêm đen

Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, đêm 16/7 là một đêm không ngủ. Lúc 20h21', hai anh em ruột được đưa vào với đa chấn thương phức tạp. Bệnh viện lập tức kích hoạt quy trình "Báo động đỏ" toàn viện, huy động tối đa nhân lực, thiết bị và chuyên khoa. Hai bệnh nhi nhỏ lần lượt được chẩn đoán đa chấn thương - chấn thương sọ não, xuất huyết dưới nhện, phù não rộng, gãy xương đòn phải, đụng dập phổi.

Ảnh màn hình 2025-07-17 lúc 22.48.15
Hai bệnh nhi đau đớn trong được bệnh viện Nhi Hà Nội huy động lực lượng cứu sống (Ảnh: Bệnh viện Nhi Hà Nội)

Những hình ảnh, những âm thanh ấy, ám ảnh đến tột cùng. Chúng ta chợt nhận ra, phía sau con số khô khốc 0,861 mg/lít khí thở - nồng độ cồn vượt xa mức cho phép của tài xế Giáp là những vệt máu trên đường nhựa, là tiếng còi xe cấp cứu xé tan màn đêm, là những thân thể trẻ thơ thoi thóp, và là nỗi kinh hoàng của những người đi đường vô tội. Đây không chỉ là một con số, mà là ranh giới mong manh giữa sự tỉnh táo và tai họa, giữa một bữa tiệc vui và một lễ tang đầy nước mắt.

Hãy để những cuộc nhậu trở nên văn minh

Thực tế, uống rượu không phải là hành vi xấu. Rượu bia từ lâu đã là một phần của văn hoá giao tiếp, kết nối con người trong những cuộc vui, những buổi sum họp. Thế nhưng, điều đáng lên án, điều dẫn đến bi kịch lại là hành vi lái xe sau khi đã uống rượu. Đây là một sự lựa chọn, một quyết định vô trách nhiệm đẩy bản thân và những người xung quanh vào hiểm nguy. Lê Minh Giáp đã thừa nhận tại cơ quan công an rằng anh ta uống rượu cùng bạn bè rồi lái xe về, và do buồn ngủ nên đã gây tai nạn.

Nhìn lại số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), chỉ tính riêng năm 2024, cả nước xảy ra hơn 21.500 vụ tai nạn giao thông đường bộ, cướp đi sinh mạng của 10.000 người và làm hơn 16.000 người bị thương. Dù chưa có thống kê chính thức, nhưng các chuyên gia ước tính khoảng 20-30% tai nạn giao thông nghiêm trọng có liên quan đến rượu bia, đặc biệt là vào ban đêm và cuối tuần - thời điểm "cuộc vui" thường dễ trượt khỏi tầm kiểm soát.

Chúng ta không lạ gì với văn hoá của người Việt: "rượu để kết nghĩa, bia để kết thân". Câu nói "không uống là không nể" đã trở thành thứ xiềng xích vô hình, buộc người ta phải cạn chén vì sĩ diện, vì thể hiện, vì một thứ "tình nghĩa" lệch lạc được đo bằng nồng độ cồn, chứ không phải sự tử tế chân thành.

dang-sau-hai-chu-het-minh-ban-nhau-01.jpg
Ảnh minh hoạ

Nhưng thử hỏi, nếu sau một cuộc nhậu, thứ còn lại chỉ là máu, nước mắt, tang tóc và tội lỗi thì thứ tình nghĩa có gì đáng để ta phải "nể"? Tình nghĩa thực sự không bắt đầu từ một ly rượu đầy và cái chén cạn. Nhưng nó sẽ hủy hoại vĩnh viễn nếu một người vì "nể" mà gây tai hoạ cho xã hội, hoặc chính mình trở thành kẻ sát nhân trên đường.

Đã uống rượu bia xin đừng lái xe

Tai nạn tối 16/7 không phải là vụ cuối cùng, trừ khi chúng ta thật sự thay đổi. Sự thay đổi không nằm ở một luật lệ mới, mà nằm ở sự chuyển mình trong nhận thức và văn hoá.

Nếu vì một ly rượu, một lời "ép uống" mà tương lai của một đứa trẻ bị đe dọa, thì tình nghĩa ấy có đáng để níu giữ? Nếu sau một bữa nhậu, ai đó nằm lại mãi mãi trên đường, thì bữa nhậu đó liệu có đáng? Và nếu luật pháp đã lên tiếng bằng mức phạt tiền, tước bằng, và thậm chí là án tù, thì cả xã hội liệu có đủ tỉnh táo để tự mình dừng lại, để nói "không" với việc lái xe khi đã có hơi men?

Đã đến lúc chúng ta tách bạch rõ ràng: Uống rượu có thể là một thú vui, nhưng lái xe sau khi uống rượu là một tội ác. Thông điệp cần vang lên mạnh mẽ và rõ ràng hơn bao giờ hết!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài học từ vụ giảng viên gây tai nạn liên hoàn: Nhậu là thú vui nhưng lái xe sau khi uống say là tội ác
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO