Bài học lớn từ nước Nhật

- Chủ Nhật, 13/12/2020, 08:03 - Chia sẻ

Nguyễn Thị Mai Hoa

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

Những năm 1940, chiều cao của người Nhật Bản rất "khiêm tốn". Không phải đơn giản mà trong mấy chục năm qua, họ cải thiện được chiều cao, thể lực và cho đến bây giờ họ có thể ngẩng cao đầu tự hào với thế giới chứ không riêng gì khu vực. Bài học ở họ có lẽ chính là sự đầu tư một cách bài bản, toàn diện và quyết liệt trong việc chăm sóc chế độ dinh dưỡng ngay từ khi con người chào đời đến lúc trưởng thành.

Được biết Nhật Bản từ năm 1954 đã có Luật Bữa ăn học đường. Theo đó, tất cả các trường phải đăng ký về cách thức thực hiện chương trình bữa ăn học đường và số lần thực hiện mỗi tuần. Dù rằng trong quá trình triển khai luật không hoàn toàn thuận lợi, nhất là ở những thời điểm nền kinh tế Nhật Bản gặp khó khăn, thậm chí “đói ăn”, việc duy trì chương trình “bữa ăn học đường” là một thách thức; thậm chí có nhiều ý kiến đề xuất bỏ chương trình này. Nhưng Nhật đã vượt qua và kết quả đạt được là người Nhật có một chiều cao rất lý tưởng. Nếu chương trình ấy không biến thành luật, rất có thể nó đã phá sản. Mặt khác, đã là luật, nên các quy chuẩn chất lượng về dinh dưỡng trở nên rõ ràng, minh bạch. Năm 2005, Nhật Bản bổ sung một luật nữa để hoàn thiện thêm hành lang pháp lý về chăm sóc dinh dưỡng cho người Nhật, đó là Luật Cơ bản về giáo dục dinh dưỡng.

Đối với Việt Nam, có lẽ có được một dự án luật về dinh dưỡng học đường là mục tiêu lý tưởng chúng ta cần hướng tới và nên là mục tiêu gần. Hiện chúng ta đang thực hiện Đề án “Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030” (Đề án 641). Mục tiêu của Đề án rất lớn, đó là phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong 20 năm tới, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, Đề án này không thể là cơ sở pháp lý để các bộ ngành, các địa phương tập trung thực hiện. Và sau 10 năm triển khai Đề án 641, hiệu quả rất khiêm tốn, thậm chí xã hội còn rất ít biết đến. Vì sao lại như thế? Bởi đây chỉ là Đề án, nếu ngành nào, địa phương nào không thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả thì cũng không có chế tài để xử lý. Có rất nhiều lý do để biện minh, chẳng hạn, địa phương còn quá nhiều vấn đề phải lo gấp hơn, thiết thân hơn; còn việc cần cung cấp từng ly sữa hàng ngày để góp phần nâng thêm mấy cm chiều cao của trẻ em sau vài chục năm thì chưa hẳn đã được mấy người quan tâm, ưu tiên. Đây dường như đang là mục tiêu rất "xa và mờ", dù việc người Việt hiện đang có chiều cao, thể lực hạn chế hơn rất nhiều nước thì dường như ai cũng biết.

Chính vì thiếu chế tài nên cần có luật. Tất nhiên, muốn xây dựng luật thì phải làm rõ sự cần thiết, phải xác định được hệ thống chính sách, và phải đánh giá tác động của chính sách! Do đó, việc trước hết cần làm là nên có đánh giá sơ kết giữa kỳ Đề án 641, từ đó đưa ra những khuyến nghị về vấn đề cần thiết xây dựng luật về dinh dưỡng học đường.

Về Dự án luật, bên cạnh những quy định về chính sách, phải đặt ra được quy định chuẩn mực về dinh dưỡng cho người Việt nói chung, chuẩn mực dinh dưỡng học đường nói riêng. Trên thực tế, chúng ta chưa quan tâm về vấn đề này, trước kia là muốn “ăn no”, nay là “ăn ngon”; nhưng người Nhật đã bỏ xa giai đoạn này, vì vấn đề mà họ cần là “ăn đúng”. Bên cạnh đó, luật cũng phải có những quy định về mặt nguyên tắc để chế độ dinh dưỡng chuẩn từ khẩu phần, môi trường, an toàn thực phẩm, bếp ăn, thậm chí cả nhân viên dinh dưỡng trường học…

Có một dự án luật về dinh dưỡng học đường, chúng ta sẽ có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan quản lý, địa phương, gia đình; quy định về nguồn lực, về chính sách để xã hội hóa nguồn lực hỗ trợ cho chương trình dinh dưỡng học đường. Vấn đề này rất cần thiết bởi không thể phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, mà rất cần huy động sự tham gia của cộng đồng, của doanh nghiệp.