Bài học cho những người khởi nghiệp về giáo dục

- Thứ Tư, 02/10/2019, 11:29 - Chia sẻ
“Thương hiệu, giá trị của một nhà trường chính nằm ở việc tạo giá trị cho người lao động. Ánh sáng dẫn đường của người thủ lĩnh đủ sức hấp dẫn cho đội ngũ tin theo - đó là bài học sâu sắc cho bất kỳ ai muốn khởi nghiệp về giáo dục”. Đó là chia sẻ của PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục tại Hội thảo “Thầy Văn Như Cương - Người mở đường” diễn ra ngày 1.10 nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội).

Tiên phong "mở đường" hệ thống giáo dục tư thục

Năm 1989, thầy Văn Như Cương là người “đặt những viên gạch đầu tiên” cho giáo dục ngoài công lập Việt Nam, là người tiên phong mở đường xây dựng hệ thống giáo dục tư thục, nơi đề cao giáo dục dân chủ với tinh thần độc lập và tư duy phản biện, nơi đề cao nhân cách con người hơn kiến thức sách vở, nơi mà học sinh được học làm người tử tế trước khi học để thành công trên đường đời. Thành tích của Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) trong gần 30 năm tồn tại và phát triển, mọi người đều ghi nhận và khẳng định, mặc dầu không ít chủ trương, việc làm và cả những phát ngôn thẳng thắn, trung thực của ông về giáo dục chưa hẳn đã được mọi người hoàn toàn tán đồng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, khi nghiên cứu sự thành công, thất bại của một trường học tư thục, vai trò của người sáng lập rất quan trọng. Họ là người thiết kế, mở và trực tiếp xây đường, họ phải “tỏa sáng” như một ngọn đuốc, bởi chính nhân cách, bởi chính hành động của mình. Thầy Văn Như Cương, với tư cách là nhà sáng lập là hình mẫu thuyết phục về tự tạo giá trị cốt lõi và phát huy giá trị cốt lõi đó thông qua năng lực lãnh đạo thể hiện ở các phẩm chất: chịu trách nhiệm và ảnh hưởng xã hội. Sự chính trực trong tư tưởng và hành động tạo ra phong cách và tích lũy thành giá trị của bản thân nhà sáng lập và  của nhà trường. Sự thuyết phục nhất của một thương hiệu trường học được lập ra bởi một con người chính là như thế.

“Đối với cá nhân tôi, thầy Văn Như Cương và Trường Lương Thế Vinh dạy cho tôi nhiều bài học. Đó là bài học về sự thủy chung, kiên định với mục tiêu đã đề ra. Vì thương hiệu đó truyền cảm hứng cho bất kì ai là giáo viên, muốn chứng minh mình là người được lựa chọn. Do đó, thương hiệu, giá trị của một nhà trường chính nằm ở việc tạo giá trị cho người lao động. Ánh sáng dẫn đường của người thủ lĩnh đủ sức hấp dẫn cho đội ngũ tin theo. Và đó là bài học sâu sắc cho bất kì ai muốn khởi nghiệp về giáo dục. Tôi cũng chứng kiến, ở trường Lương Thế Vinh, những học sinh được tôi rèn, để thực sự trưởng thành là nhờ ý chí. Mỗi người dạy, người học ở trường đều có phẩm chất kiên cường, mạnh mẽ như thế. Con đường học vấn, con đường thành công không trải hoa hồng, không mang mật ngọt. Đó là cách mà trường Lương Thế Vinh tạo môi trường giáo dục. Điều đó luôn được truyền đến từng cá nhân, từng hoạt động từ người sáng lập” - PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.


PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục chia sẻ tại Hội thảo “Thầy Văn Như Cương - Người mở đường”

Lễ và văn phải song hành

Phó Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Lương Thế Vinh Văn Thùy Dương  chia sẻ: “Một trong những triết lý giáo dục tạo nên sự khác biệt của trường Lương Thế Vinh so với nhiều trường dân lập khác luôn có sự đổi mới, chính là trong khi không ít trường chọn khẩu hiệu “Tiên học lễ hậu học văn”, thì thầy Văn Như Cương lại chọn khẩu hiệu “Có chí thì nên”. Theo đó, lễ với văn phải được giáo dục song hành. Bên cạnh đó, giáo dục phải kích vào động được ngay nhân tố của tư tưởng có tính động lực đối với thế hệ trẻ là ý chí.

Chia sẻ về triết lý giáo dục này của nhà trường, NGƯT.GS Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, cũng như một con người cần có tính chủ động, sáng tạo, một trường học, nhằm đạt mục tiêu chung, trên cơ sở tuân thủ những quy định thống nhất của ngành, cũng cần có sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra những biện pháp cụ thể linh hoạt, phù hợp.

Chặng đường 30 năm phát triển của trường THCS,THPT Lương Thế Vinh vẫn luôn gắn với triết lý giáo dục của thầy Văn Như Cương dành riêng cho mỗi giáo viên: “Mỗi bài dạy của giáo viên là một bài dạy đầy ý chí!”. PGS.TS Chu Cẩm Thơ đánh giá, chặng đường 30 năm đã đi qua, vinh quang mà trường Lương Thế Vinh cùng với đội ngũ của mình đã có được chính là niềm tin của học sinh, của phụ huynh, của xã hội về những giá trị không thể thay thế của giáo dục, của nhà trường, của mỗi người thầy và nhất là sự chủ động dựng xây uy tín của một trường tư thục.

“Tôi tin rằng, mặc dù trường Lương Thế Vinh nằm trong những xu hướng giáo dục mới nhưng sẽ mãi mãi là: Có chí mới nên người, trường học cần dạy thật - học thật. Ở một bối cảnh mới, sự thích nghi, sự thay đổi để triết lý phù hợp với thời cuộc sẽ giúp chúng ta tạo ra những bối cảnh để trở thành trường học hiệu quả với người học. Người thầy sẽ tự thay đổi, sẽ cần thêm quá trình huấn luyện, bồi dưỡng phù hợp với mô hình nhà trường trên nền tảng giá trị văn hóa vun đắp nhân cách, mở đường tương lai”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.

Minh Vân