Cuộc xung đột ở Nam Sudan đang bước vào giai đoạn quyết định khi lực lượng chính phủ tập trung nỗ lực nhằm tái chiếm các thị trấn quan trọng đã rơi vào tay quân nổi loạn. Bor, thủ phủ bang Jonglei, đã bị sang tay ba lần trong vòng chưa đầy một tháng. Thị trấn nằm trên bờ Đông sông Nile Trắng này giờ đây có vẻ như sắp thất thủ một lần nữa. Lực lượng chiếm đóng cướp bóc, tàn sát bộ tộc khác và khiến hàng nghìn người mất nhà cửa. Trong gần một tháng qua, có hơn 200.000 người phải sơ tán. Cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng thống Salva Kiir và Phó tổng thống Riek Machar đã biến thành một cuộc đối đầu giữa bộ lạc Dinka (của ông Kiir) và bộ lạc Nuer (của ông Machar).
Để đánh giá một cách tổng thể cuộc nội chiến tại Nam Sudan, cần lật giở lịch sử của Sudan trước thời điểm chia tách. Nước Anh thống trị Sudan từ năm 1898 cho đến khi Sudan giành được độc lập vào ngày 1.1.1956. Đó từng là một thời gian hòa bình nhưng kém phát triển, và Nam Sudan phải chịu thiệt thòi nhiều nhất của tình trạng chiếm đóng này. Ở miền Bắc Sudan, người Anh đã xây dựng một mạng lưới đường sắt trải dài từ Port Sudan trên Biển Đỏ đến El Obeid ở Kordofan, đồng thời phát triển chương trình bông Jazira khổng lồ. Tuy nhiên, ngoại trừ việc duy trì trật tự tại miền Nam, họ hầu như không phát triển gì ở vùng này. Trong một Sudan thống nhất, miền Nam kém phát triển phải lệ thuộc vào miền Bắc phát triển hơn. Tuy nhiên, kể từ khi độc lập vào năm 1956, người Sudan đã không bao giờ giải quyết những vấn đề tồn tại, hoặc giải quyết một cách chậm chạp, thông qua bạo lực sự chênh lệch giữa hai miền. Sau nhiều thập kỷ nội chiến, năm 2011, miền Nam tiến hành trưng cầu dân ý, tách khỏi Sudan để trở thành Nhà nước Nam Sudan.
Nhưng sự ra đời của Nam Sudan lại tạo ra một loạt vấn đề mới như phân định biên giới, chia sẻ nguồn doanh thu từ các mỏ dầu ở miền Nam nhưng được xuất khẩu thông qua một đường ống chạy qua miền Bắc tới Khartoum và Biển Đỏ, quan trọng nhất là những gì liên quan đến chính trị nội bộ của miền Nam. Làm thế nào để tất cả các nhóm sắc tộc khác nhau đều được tham gia nền chính trị của Nam Sudan? Giờ đây, những vấn đề này đang được giải quyết một cách chậm chạp và đầy bạo lực. Hiện Nam Sudan có một Hiến pháp tạm thời, mang tính chất chuyển tiếp, nhưng tiến trình này được dự báo sẽ còn kéo dài, bởi một bản Hiến pháp hoàn chỉnh và lâu dài đang nằm đầu danh sách các vấn đề quá khó khăn của Tổng thống Salva Kiir.
Ngay cả khi có Hiến pháp, câu hỏi đặt ra là, liệu bản Hiến pháp đó có những điều khoản quy định sự chia sẻ quyền lực giữa các bộ tộc, và đây có phải là cách duy nhất để dập tắt cuộc xung đột hiện nay giữa sắc tộc Dinka của Tổng thống Salva Kiir và sắc tộc Nuer của Phó tổng Riek Machar - người đang lãnh đạo lực lượng nổi dậy hay không? Họ không phải là những chính trị gia bình thường. Cả hai đều là những quân nhân được tôi luyện thành các vị chỉ huy của phiến quân trong cuộc chiến tranh lâu dài giành độc lập. Do đó, họ có thiên hướng giải quyết các tranh chấp bằng bạo lực. Làn sóng bạo lực mới ở Nam Sudan đã gây quan ngại cộng đồng quốc tế, đồng thời đặt ra câu hỏi về tương lai của quốc gia này.
Cuộc nội chiến hiện nay ở Nam Sudan bắt nguồn từ một thực tế: quốc gia non trẻ này thiếu một nền tảng vững chắc của sự đoàn kết dân tộc, kinh tế ổn định và cơ sở hạ tầng phát triển. Đây cũng là những vấn đề thường gặp của các thể chế ly khai tại nhiều khu vực trên thế giới. Tuy có sự khác biệt về mức độ khủng hoảng, song tình trạng nội chiến là điểm chung của các nhà nước ly khai một khi các phe phái không thể đặt lợi ích của một dân tộc, một quốc gia cao hơn các lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân.