Tăng cường sự tham gia, nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu

Bài cuối: Tự tin tỏa sáng

- Thứ Tư, 20/10/2021, 07:08 - Chia sẻ
Để tăng cường sự tham gia và đặc biệt nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu dân cử, phải bắt đầu từ việc tin tưởng giao việc, thử thách, bổ nhiệm, luân chuyển, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội để chị em bộc lộ khả năng, khẳng định năng lực. Đặc biệt, bản thân nữ giới phải cố gắng chứng minh được năng lực, đạo đức để được giới thiệu ứng cử ĐBQH, HĐND; để được trúng cử và tự tin tỏa sáng, thể hiện xứng đáng vai trò, trách nhiệm của mình khi đã tham gia vào hoạt động của cơ quan dân cử.
Câu lạc bộ nữ đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016 - 2021 sinh hoạt chuyên đề nâng cao kỹ năng, chất lượng giám sát của nữ đại biểu  - ẢNH BÙI QUÝ
Câu lạc bộ nữ đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên nhiệm kỳ 2016 - 2021 sinh hoạt chuyên đề nâng cao kỹ năng, chất lượng giám sát của nữ đại biểu
Ảnh: Bùi Quý

Bắt đầu từ tin tưởng giao việc

Để tăng cường tham gia và nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ giới trong các cơ quan quyền lực nhà nước, đòi hỏi cần phải có quá trình lâu dài để giải quyết nhiều vấn đề. Giải pháp căn cơ trước hết là việc tạo nguồn, xây dựng được đội ngũ nữ đại biểu dân cử các cấp đủ tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động. Khi đã lựa chọn được những nữ đại biểu xứng đáng, hãy trao cho họ môi trường làm việc thuận lợi, niềm tin, kiến thức và kỹ năng để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nữ đại biểu tham gia hoạt động có chất lượng trong cơ quan dân cử, ngoài cố gắng tự thân của nữ đại biểu, sự đồng thuận, ủng hộ của những người thân trong gia đình, rất cần sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của đồng nghiệp; sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân; đặc biệt là sự lãnh đạo toàn diện, sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, thử thách, giao nhiệm vụ, tạo môi trường thuận lợi giúp phụ nữ có nhiều cơ hội, điều kiện tốt để cống hiến vào hoạt động chung của địa phương. Bởi, quan tâm, ủng hộ cho phụ nữ tham gia vào cơ quan dân cử là thiết thực góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, vì hạnh phúc gia đình và sự phồn vinh của đất nước.

Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ nữ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp. Đảng không can thiệp quá sâu vào vấn đề này nhưng cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, phân công nữ cán bộ có đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, có điều kiện và tâm huyết tham gia cơ quan dân cử các cấp; đặc biệt là việc bố trí nữ đại biểu giữ các chức danh chủ chốt. Việc đào tạo, bồi dưỡng nữ cán bộ, từ đó tìm ra nhân sự để giới thiệu ứng cử vào các cơ quan dân cử là quá trình lâu dài mà ở đó vai trò của cấp ủy, chính quyền có ý nghĩa quyết định. Bắt đầu từ việc tin tưởng giao việc, thử thách, bổ nhiệm, luân chuyển, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội để nữ đại biểu bộc lộ khả năng, khẳng định năng lực.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt chủ trương bình đẳng giới để tiếp tục xóa bỏ rào cản về định kiến giới. Tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ, cán bộ và bình đẳng giới. Đây là giải pháp cần phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì với những hình thức phù hợp nhằm tạo chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Tăng cường các hình thức nêu gương các điển hình của phụ nữ, cán bộ nữ, nhất là những nữ đại biểu ưu tú...

Thể hiện xứng đáng vai trò, trách nhiệm

Cùng với những giải pháp trên, vấn đề đáng quan tâm nữa là bản thân nữ đại biểu phải cố gắng chứng minh được năng lực, đạo đức để được giới thiệu ứng cử ĐBQH, HĐND; để được trúng cử và tự tin tỏa sáng, thể hiện xứng đáng vai trò, trách nhiệm của mình khi đã tham gia vào hoạt động của cơ quan dân cử.

Theo đó, yêu cầu đặt ra là nữ đại biểu cần thực sự tâm huyết, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, vượt qua tâm lý an phận, tự ti và những đặc điểm về giới; tích cực học tập nâng cao trình độ kiến thức, năng lực công tác chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ hiện đại, rèn luyện và nâng cao sức khỏe, đi sâu đi sát với quần chúng, học hỏi từ Nhân dân; thường xuyên nắm bắt thông tin thời sự, tình hình kinh tế - xã hội chung của địa phương nơi mình ứng cử, rèn luyện kỹ năng, phương pháp trình bày và văn hóa ứng xử, giao tiếp...

Bên cạnh đó, tăng cường TXCT để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, đặc biệt là phát hiện những bất cập, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ kịp thời. Bằng những hành động và việc làm cụ thể để chứng minh năng lực, tinh thần trách nhiệm, khả năng cống hiến của mình không kém gì nam giới, hoàn toàn đảm nhiệm được trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao cho.

Sau khi trúng cử, nhất là thời điểm đầu mỗi nhiệm kỳ như hiện nay, công tác bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu, trong đó có đại biểu nữ cần được chú trọng. Nhất là kỹ năng nắm bắt, phân tích lựa chọn thông tin; kỹ năng nói, phát biểu để thuyết phục cử tri cũng như các đại biểu HĐND khác trong quyết định và triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động của các câu lạc bộ nữ đại biểu HĐND ở một số địa phương cũng là một cách làm hay, giúp các đại biểu nữ cùng nhau trao đổi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, chia sẻ thông tin...

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Quảng Nam Dương Thị Thanh Hiền: Hướng đến bình đẳng thực chất

Từ chủ trương, quy định đến thực tiễn tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong cơ quan dân cử các cấp thời gian qua chính là điều kiện thuận lợi nhất giúp các nữ đại biểu dân cử có nhiều cơ hội tham gia và mạnh dạn, tự tin hơn trong hoạt động tham chính. Không chỉ thể hiện qua con số về sự gia tăng tỷ lệ nữ đại biểu dân cử, vai trò của nữ giới còn được thể hiện rõ nét về những đóng góp tích cực trong hoạt động giám sát, chất vấn và tham gia quyết định. Với những điểm mạnh theo đặc điểm giới, phụ nữ tham gia vào cơ quan đại diện sẽ có điều kiện tham gia xây dựng, đánh giá tác động chính sách, nhất là những chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng yếu thế.

Tuy nhiên, với rất nhiều nữ đại biểu, kể cả đại biểu chuyên trách, những rào cản về mặt xã hội vẫn có thể hạn chế sự tham gia trong hoạt động của các cơ quan dân cử. Tham gia thảo luận, phát biểu trực tiếp tại nghị trường - hành động được cử tri trực tiếp quan sát, đánh giá vẫn chưa được nhiều đại biểu nữ mạnh dạn thể hiện do còn tâm lý ngại ngùng, chưa tự tin; mặt khác, trong môi trường làm việc phần lớn là nam giới thì phụ nữ cũng có những e dè nhất định khi trình bày quan điểm, nhất là những ý kiến trái chiều, phản biện…

Tăng tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong hoạt động cơ quan dân cử cần hướng đến tính thực chất và chất lượng, thay vì chỉ gia tăng về số lượng. Thời gian tới, cần quan tâm tổ chức cập nhật kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng cho đại biểu nữ; tạo không khí, môi trường để nữ đại biểu tự tin tham gia thảo luận, đề đạt ý kiến...

Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Lê Hồng Hạnh: Sắc nét trong hoạt động mới khẳng định được mình

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết về bảo đảm tỷ lệ, cơ cấu nữ đại biểu, thời đại 4.0, nữ giới có cơ hội nhiều hơn trong tiếp cận thông tin, học tập nâng cao trình độ, giải quyết công việc nhanh, gọn và có thời gian nghiên cứu thêm, hoàn thiện mình.

Cuộc sống ngày càng văn minh hơn, nữ đại biểu được chia sẻ, gánh vác trách nhiệm gia đình, có điều kiện cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình nên nhiều người thể hiện được thế mạnh trong công việc, nhiều nữ đại biểu được đề bạt, đảm nhận các chức vụ chủ chốt trong bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và đoàn thể ở các cấp. Điều quan trọng là nhiều nữ đại biểu biết hài hòa giữa công việc và các mối quan hệ, cân bằng với cuộc sống gia đình, tận dụng kiến thức, kỹ năng, công nghệ số để khẳng định bản lĩnh, vị thế của mình trên chính trường. Học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn đã tạo nên vẻ đẹp tự tin, năng động và bản lĩnh trách nhiệm của nữ đại biểu dân cử, được cử tri yêu mến.

Tuy nhiên, tỷ lệ, cơ cấu nữ đại biểu nhìn chung vẫn còn thấp nên tiếng nói trên nghị trường phần nào bị hạn chế. Một số nữ đại biểu còn chịu ràng buộc về gia đình, con cái nên chưa thể bứt ra để hết mình với nhiệm vụ, trọng trách của người đại biểu dân cử. Tư tưởng trọng nam khinh nữ ít nhiều vẫn còn tác động tới việc cơ cấu, sắp xếp vị trí việc làm cho cán bộ nữ nói chung và nữ đại biểu dân cử nói riêng. Từ chỗ đứng chưa được khẳng định dẫn tới một số nữ đại biểu vẫn còn tâm lý e ngại, chưa dám thể hiện chính kiến của mình.

Vì vậy, rất cần sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách bình đẳng giới đối với công tác cán bộ, bảo đảm tỷ lệ nữ đại biểu tiếp cận tới mức cân bằng với nam giới. Cùng với đó, nữ đại biểu cần rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh trong hoạt động của HĐND. Khi phát biểu trên nghị trường, cần nắm thật chắc quy định, khảo sát thực tiễn, chỉ cái gì chắc và rõ cái đó thì mới có tính thuyết phục và thể hiện được bản lĩnh. Muốn vậy, ngoài chịu khó nghiên cứu văn bản, quy định, nữ đại biểu cần tăng cường liên hệ với cử tri, học tập Nhân dân; đồng thời, xem xét, cân đối học tập nâng cao trình độ của mình. Bởi, sắc nét trong hoạt động HĐND thì mới khẳng định được mình.

THÁI HÒA ghi

 

 

NGUYỄN NHẬT