HĐND với việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương

Bài cuối: Đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đại biểu chuyên trách

- Thứ Sáu, 27/11/2020, 07:38 - Chia sẻ
Để HĐND hoạt động đúng thẩm quyền, phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương, nên bố trí để Bí thư cấp ủy làm Chủ tịch HĐND. Các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo tốt công tác lựa chọn nhân sự để giới thiệu bầu đại biểu HĐND các cấp. Đặc biệt, quan tâm bố trí đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đội ngũ đại biểu chuyên trách. Cùng với đó, văn phòng giúp việc cũng cần được ổn định, cơ cấu tổ chức hợp lý để tham mưu, phục vụ tốt nhất các hoạt động của HĐND.

Cần nghiên cứu kỹ những hạn chế

Thời gian qua, HĐND các cấp ở Hà Tĩnh đã thực hiện khá nghiêm các chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần bảo đảm các quyền lực nhà nước được thực thi khá đồng bộ, phần nào hạn chế sự lạm quyền và tha hóa trong các cơ quan, cá nhân thực thi quyền lực nhà nước ở địa phương, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thể chế cũng như kỳ vọng của Nhân dân. Tuy vậy, thẳng thắn nhìn nhận, việc kiểm soát quyền lực vẫn còn một số hạn chế, cần được nghiên cứu kỹ để có hướng khắc phục cho nhiệm kỳ mới ngay từ khâu lựa chọn, bầu đại biểu.

Trước hết, kiểm soát quyền lực giữa cơ quan chính quyền Trung ương (Quốc hội, Chính phủ với địa phương (HĐND tỉnh), giữa chính quyền cấp trên (HĐND, UBND tỉnh) với HĐND cấp dưới còn nhiều nội dung chưa được thực thi nghiêm túc. Như việc hướng dẫn, giám sát của Chính phủ đối với HĐND tỉnh trong suốt nhiệm kỳ rất ít, hay UBND tỉnh đối với HĐND cấp huyện cũng không làm được nhiều.

Bên cạnh đó, phương thức kiểm soát quyền lực của HĐND đối với cơ quan quản lý hành chính nhà nước tuy ngày càng tốt hơn, song nhiều nội dung còn hình thức và hiệu quả chưa cao. Ở một số nội dung, lĩnh vực cụ thể, đại biểu HĐND và HĐND khó có thể thực hiện vị trí, vai trò của mình với tư cách là quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại biểu cho Nhân dân địa phương. Điều này dẫn đến giám sát là một chức năng quan trọng nhất trong kiểm soát quyền lực, song nhiều lúc chất lượng giám sát không cao, nhiều kiến nghị đưa ra không được thực thi nghiêm túc.

HĐND cấp trên là chủ thể kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương cấp dưới. Tuy nhiên, hoạt động kiểm soát của chính quyền địa phương cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định như: Tính hình thức còn cao, hiệu lực, hiệu quả thấp, tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn là trở ngại; nguồn nhân lực thực hiện kiểm soát chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Kết quả kiểm soát còn chưa rõ nét.

Những hạn chế trên, trước hết do chất lượng đại biểu dân cử các cấp còn nhiều bất cập: Cơ cấu chưa hợp lý, số đại biểu chuyên trách còn ít, số đại biểu trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước còn khá cao; một bộ phận đại biểu còn yếu cả về nghiệp vụ lẫn kỹ năng; bản lĩnh một số đại biểu chưa cao dẫn đến ngại va chạm, né tránh… Trên thực tế, nhận thức của bản thân đại biểu HĐND cũng như của hệ thống chính trị về vai trò của HĐND trong việc kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương chừng mực nào đó chưa đúng mức. Trong đó, vai trò của cấp ủy và Bí thư cấp ủy hết sức quan trọng. Nơi nào cấp ủy và Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND quan tâm tạo mọi điều kiện để HĐND phát huy vai trò, hiệu lực hiệu quả hoạt động của HĐND trong kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương đó sẽ tốt hơn và ngược lại.

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc còn nhiều bất cập. Đối với cấp huyện, xã, mặc dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương giao cho Chính phủ quy định và hướng dẫn song đến nay vẫn chưa có quy định rõ ràng về bộ máy, nhân sự tham mưu, phục vụ cho hoạt động của HĐND cấp huyện, xã nên bố trí nhân lực mỗi nơi làm một cách. Đối với cấp tỉnh, việc thiếu ổn định của văn phòng giúp việc đã ảnh hưởng khá lớn tới công tác tham mưu, phục vụ cho HĐND. Mặt khác, điều kiện nguồn lực phục vụ cho hoạt động của HĐND còn tùy thuộc vào ngân sách của từng địa phương, có địa phương hoạt động thuận lợi, có địa phương nguồn lực hạn hẹp nên hạn chế tới kết quả hoạt động.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh khảo sát một số Dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C. Ảnh Lê Trang

Bố trí Bí thư cấp ủy làm Chủ tịch HĐND

Để HĐND hoạt động đúng thẩm quyền, phát huy hiệu lực, hiệu quả, thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, góp phần quan trọng kiểm soát quyền lực nhà nước ở địa phương. Thiết nghĩ, trước hết cấp ủy đảng các cấp cần tăng cường vai trò lãnh đạo đối với HĐND, thông qua HĐND để đảng kiểm soát tốt các đảng viên sử dụng quyền lực nhà nước trong thực thi nhiệm vụ được đảng phân công. Đảng nên bố trí để Bí thư cấp ủy làm Chủ tịch HĐND. Cùng với đó, các cấp ủy đảng phải lãnh đạo tốt công tác lựa chọn nhân sự để giới thiệu bầu làm đại biểu HĐND các cấp, không quá nặng vào cơ cấu và độ tuổi mà phải lựa chọn được đại biểu có năng lực, trình độ, kỹ năng, bản lĩnh và tâm huyết với hoạt động HĐND. Đặc biệt, cần quan tâm bố trí đủ số lượng, bảo đảm chất lượng đội ngũ chuyên trách.

Quá trình hoạt động, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hướng dẫn, kiểm tra đối với hoạt động HĐND cấp tỉnh. Cần tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp, nhất là đội ngũ chuyên trách. Quan tâm bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cũng như ngân sách cho hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND các cấp, nhất là cấp xã. Cùng với đó, văn phòng giúp việc cũng cần được ổn định, cơ cấu tổ chức hợp lý để tham mưu, phục vụ tốt nhất các hoạt động của HĐND.

ĐOÀN ĐÌNH ANH