Hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND cấp huyện tỉnh Bắc Giang

Bài cuối: Yêu cầu giải trình, tái giám sát

- Thứ Sáu, 20/11/2020, 08:14 - Chia sẻ
Thường trực HĐND huyện Lục Ngạn tổng hợp báo cáo rà soát việc thực hiện các kiến nghị giám sát vào giữa và năm cuối nhiệm kỳ, nếu thấy các kiến nghị giám sát bị lãng quên, chưa được giải quyết, các Ban của HĐND có văn bản đôn đốc hoặc mời họp đề nghị giải trình làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân tiến độ chậm. Trong trường hợp xét thấy việc thực hiện không đúng hoặc không hiệu quả, Thường trực, các Ban của HĐND tổ chức tái giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát.

Kết luận chuẩn xác, rõ ràng

Thực tiễn hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND huyện Lục Ngạn thời gian qua cho thấy, để tiếp tục nâng cao chất lượng theo dõi, giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát, trước hết, việc ban hành kết luận giám sát chuẩn xác, rõ ràng, cụ thể, trọng tâm sẽ giúp cho đơn vị chịu sự giám sát giải quyết nhanh chóng, kịp thời các tồn tại, vướng mắc; người theo dõi việc thực hiện cũng dễ đánh giá, nắm bắt tình hình. Trước khi ban hành, đoàn giám sát phải họp thông qua dự thảo báo cáo kết luận giám sát, thành phần là thành viên đoàn giám sát và đối tượng chịu giám sát nhằm trao đổi, giải trình thêm tạo sự thống nhất để báo cáo kết luận giám sát có chất lượng, cơ quan chịu sự giám sát dễ khắc phục, sửa chữa những hạn chế trong báo cáo kiến nghị sau giám sát.

Một vấn đề cũng cần quan tâm nữa ở khâu này là phân loại các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Đối với một số kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục, điều chỉnh ngay, Thường trực, các Ban HĐND có ý kiến yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện. Những kiến nghị đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan phối hợp thực hiện, đoàn giám sát cũng phải tạo điều kiện để cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát có thời gian thực hiện.

Thường trực HĐND huyện Lục Ngạn tổ chức phiên giải trình việc quản lý, sử dụng vốn sự nghiệp nông nghiệp năm 2018 - 2019 trên địa bàn  

Ảnh:  Quỳnh Nga

Bảo đảm các kiến nghị được thực hiện nghiêm túc

Thực tiễn hoạt động cũng cho thấy, thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền trong suốt quá trình trước và sau giám sát sẽ giúp cho đại biểu HĐND, cử tri và các cơ quan Nhà nước theo dõi việc thực hiện các kiến nghị, kết luận giám sát. Khi cử tri theo dõi, phát hiện những tồn tại, hạn chế sẽ có ý kiến với đại biểu HĐND kịp thời tại các hội nghị TXCT, hoặc các phiên tiếp dân của đại biểu HĐND để báo cáo với Thường trực HĐND huyện.

Sau khi ban hành, Thường trực, các Ban HĐND cần theo dõi sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát qua các kênh thông tin từ cơ sở, từ tổ chức đảng, đoàn thể các cấp; qua các hội nghị TXCT; qua đề xuất của các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tiếp công dân tại các xã, thị trấn định kỳ hàng tháng và qua khảo sát trực tiếp tại các hộ dân các thôn, xóm; qua đơn thư và phản ánh của các cơ quan báo chí; từ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trọng tâm đặt ra trong báo cáo hàng tháng, hàng quý.

Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND phải xây dựng kế hoạch thường xuyên theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát. Thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện theo tiến độ vào phiên họp Thường trực HĐND hàng tháng, hoặc giao ban quý của HĐND. Qua theo dõi, nếu phát hiện những nội dung chưa triển khai, có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng cần có giải pháp xử lý hoặc kiến nghị, Thường trực HĐND sẽ yêu cầu cơ quan thẩm quyền có hình thức xử lý đối với các đối tượng được giám sát không thực hiện các kết luận, kiến nghị, các yêu cầu mà đoàn giám sát đã đưa ra trong báo cáo kết quả giám sát.

Cần kiểm tra, theo dõi cập nhật và rà soát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát khi nhận được báo cáo kết quả giám sát đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và các giải pháp tối ưu để thực hiện các kết luận, kiến nghị hay chưa; đã có biện pháp khắc phục hậu quả đối với các sai phạm, hoặc xử lý các cá nhân vi phạm (nếu có).

Đưa nội dung kiến nghị trong cuộc giám sát ra chất vấn thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tại kỳ họp HĐND, sau đó các Ban, các Tổ đại biểu theo dõi việc thực hiện ý kiến chất vấn và báo cáo kết quả lời hứa tại kỳ họp HĐND để bảo đảm việc thực hiện kiến nghị sau giám sát được nghiêm túc. Thường trực, các Ban của HĐND theo dõi việc thực hiện các kiến nghị giám sát đã triển khai trong quá trình giám sát, khảo sát các nội dung mới nếu cùng địa bàn, cơ quan, đơn vị. Việc lồng ghép theo dõi, khảo sát các nội dung sẽ không mất thời gian cho đại biểu HĐND, không gây phiền hà cho cơ sở mà giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả chất lượng các nội dung giám sát, cơ quan chịu sự giám sát sẽ có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ giải quyết theo quy định.

Thường trực, các Ban của HĐND cần sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị giám sát tại kỳ họp HĐND. Thường trực HĐND tổng hợp báo cáo rà soát vào giữa và năm cuối nhiệm kỳ. Nếu thấy các kiến nghị giám sát bị lãng quên, chưa được giải quyết, các Ban của HĐND có văn bản đôn đốc hoặc mời họp đề nghị giải trình yêu cầu làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân, lý do tiến độ chậm. Trong trường hợp xét thấy việc thực hiện kết luận, kiến nghị, yêu cầu của đoàn giám sát không đúng hoặc không hiệu quả, Thường trực, các Ban của HĐND tổ chức tái giám sát việc thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát. Ngoài ra, HĐND có thể ban hành Quy chế về việc tiếp nhận, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và kiến nghị sau giám sát của Thường trực, các Ban của HĐND để các kiến nghị sớm được thực hiện nghiêm túc.

Mai Phương