Đặc biệt, trong quá trình lãnh đạo đổi mới đất nước, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng XHCN. Do đó, Đảng đã đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thường xuyên tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân
Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng giữa nhiệm kỳ ngày 20.1.1994, Đảng đã nêu rõ: “Từ sau Đại hội VII, Đảng ta, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đã dành nhiều công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta và có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta. Hội nghị Trung ương 3 đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; làm rõ hơn một số quan điểm về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền; xác định một số vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và sinh hoạt đảng; đặt ra nhiệm vụ củng cố hơn nữa khối đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng; đổi mới và tăng cường công tác lý luận, tư tưởng; chấn chỉnh hệ thống tổ chức đảng”[1].
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011)của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận: “Trong lãnh đạo, Đảng có lúc cũng phạm sai lầm, khuyết điểm, có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng do giáo điều, chủ quan, duy ý chí, vi phạm quy luật khách quan”[2]. Đồng thời, Cương lĩnh cũng khẳng định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là một trong sáu phương hướng cơ bản phải quán triệt thực hiện tốt”[3].
Cương lĩnh chỉ rõ rằng: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường dân chủ và kỷ luật trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”[4].
Thực hiện Di chúc của Người, 55 năm qua, Đảng ta đã ra sức giữ gìn, củng cố sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, làm hạt nhân cho đại đoàn kết toàn dân; "thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình", tăng cường, củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; ra sức củng cố và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; đề cao kỷ luật nghiêm minh và tự giác.
Trong những năm qua, bằng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì và đồng bộ của Đảng, đã tạo ra những chuyển biến tích cực, kết quả rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, xây dựng MTTQ Việt Nam và các tổ chức của hệ thống chính trị. Qua đó, đã góp phần quan trọng củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng.
Từ quá trình thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc đã khẳng định, Đảng ta có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, luôn ý thức được sứ mệnh, trọng trách của mình trước nhân dân, trước vận mệnh của dân tộc. Từ thực tiễn 55 năm thực hiện Di chúc, chúng ta có cơ sở vững chắc để khẳng định, muốn xây dựng, chỉnh đốn Đảng có hiệu quả, ngăn ngừa được những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, đảng viên, phải thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Tuy nhiên, thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng cho thấy, đây là vấn đề phức tạp, chịu nhiều tác động khác nhau từ bối cảnh khách quan và chủ quan, do đó, dù đã kiên quyết, đã mạnh tay, nhưng vẫn còn có không ít cán bộ, đảng viên hư hỏng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm niềm tin của nhân dân với Đảng. Ý thức được nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hoá, biến chất…, Đảng ta đã đặt ra yêu cầu phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chống tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ Đảng và trong toàn bộ hệ thống chính trị.
Di chúc của Người mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc
Để vận dụng đúng đắn, khoa học, sáng tạo những căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúcvề xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào trong thực tiễn hiện nay, trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hoá, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".
Hai là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải triển khai từ gốc rễ của vấn đề, tức là từ khi xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nguồn. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhắc nhở chúng ta điều này khi nói về vấn đề thanh niên. Người căn dặn: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”[5].
Nhưng thực tiễn thời gian vừa qua đã cho thấy, không ít cán bộ, đảng viên bị tha hóa, vi phạm pháp luật khi còn rất trẻ. Điều này đòi hỏi vấn đề quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ cần thực chất hơn nữa, để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ tốt hơn, tránh được những tác động xấu, tiêu cực, có ý chí phấn đấu, tự đào tạo, tự rèn luyện để có bản lĩnh chính trị thật sự vững vàng. Có như thế, khi được bổ nhiệm vào các vị trí mới tránh được sự tha hóa, biến chất, mới vượt qua được sự cám dỗ về vật chất. Đây là khâu quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Ba là, cần quán triệt quan điểm, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, tinh thần cách mạng trong sáng, thực sự thương yêu lẫn nhau, thực hiện dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng trên nền của sự giác ngộ chính trị cao và những nguyên tắc của công tác xây dựng Đảng, sẽ làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, phá hoại khối đoàn kết trong Đảng, trong toàn xã hội. Phải thực hành dân chủ rộng rãi, bởi dân chủ là động lực thúc đẩy tiến bộ và phát triển của Đảng.
Do đó, chúng ta không chỉ giáo dục nâng cao nhận thức về dân chủ mà phải thực hành dân chủ rộng rãi và dân chủ thật sự, đặc biệt là trong xây dựng Đảng. Dân chủ để bảo đảm đoàn kết, thống nhất, thực hiện công bằng và bình đẳng. Phải thật sự “chí công vô tư” trong tự phê bình và phê bình. Làm được những điều này, chúng ta sẽ khắc phục được tính cục bộ, địa phương, bệnh hẹp hòi, bè phái; mới tránh được sự hời hợt, hình thức, làm cho có để xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, bảo đảm được vai trò, năng lực, uy tín lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng, với nhân dân, với Tổ quốc.
Bốn là, phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, trong giám sát cán bộ, đảng viên nói riêng, để “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng” thật sự trở thành hiện thực sinh động trong thực tiễn. Phải tôn trọng quần chúng nhân dân, dựa chắc vào quần chúng nhân dân để tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đây là một bài học kinh nghiệm quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, đã chỉ ra ngay từ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc và trong Di chúc. Bởi Đảng cũng từ Nhân dân mà ra, một trong những mục tiêu của Đảng là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, Đảng là người đày tớ trung thành của Nhân dân.
Do đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải dựa chắc vào quần chúng nhân dân, lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ; để soi xét lại đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nguồn; sớm sàng lọc, phát hiện những biểu hiện suy thoái, tha hóa của cán bộ, đảng viên, của các tổ chức cơ sở đảng mà chấn chỉnh, chỉnh đốn. Thực hiện nghiêm túc được điều này sẽ đồng thời khắc phục được bệnh cô độc, hẹp hòi, xa dân, không tôn trọng nhân dân, qua đó giúp gìn giữ và nâng cao năng lực, uy tín của Đảng, bảo đảm vững chắc vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây cũng chính là một nội dung quan trọng đã được Đại hội XIII của Đảng quán triệt thực hiện.
Năm là, phải rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng theo 5 chuẩn mực đã được Bộ Chính trị quy định rõ trong Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9.5.2024. Đó là yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời…
Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện quan trọng, có ý nghĩa lịch sử và thực tiễn cao. Đã 55 năm trôi qua, song những điều chỉ dẫn, những lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị, nhất là vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Do đó, cần phải tiếp tục quán triệt sâu rộng, hiệu quả nội dung Di chúc trong toàn Đảng, toàn dân, để Di chúc của Người mãi mãi là ngọn cờ quy tụ sức mạnh toàn dân tộc, tiếp thêm sức mạnh, nguồn năng lượng to lớn cho Đảng ta, dân tộc ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 53, tr. 187-188.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 498.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần II (Đại hội X, XI, XII), Sđd, tr. 503.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, phần II (Đại hội X, XI, XII), Sđd, tr. 515-516.
[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 15, tr. 622.