Tiền có nhưng khó cho vay
- Thưa ông, vì sao vẫn có ý kiến cho rằng tín dụng cho nông nghiệp khu vực ĐBSCL khó tiếp cận?
- Đúng là có hiện tượng đó. Bản thân Agribank cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai cho vay. Đơn cử, tại khu vực này,
các doanh nghiệp đủ tiềm lực để giữ vai trò hạt nhân, dẫn dắt trong chuỗi liên kết không nhiều; cùng với đó, các chính sách xây dựng chuỗi liên kết chưa đồng bộ và chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng.
Bên cạnh đó, phần lớn hợp tác xã trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL hiện nay hoạt động chưa hiệu quả; đa phần sử dụng đất sản xuất của xã viên để canh tác làm cho việc tiếp cận nguồn vốn vay theo mô hình liên kết của hợp tác xã gặp khó khăn khi không có tài sản riêng làm tài sản bảo đảm khoản vay. Việc tuân thủ hợp đồng liên kết của các thành viên còn nhiều bất cập, thiếu biện pháp xử lý để tăng tính ràng buộc.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đáp ứng tiêu chí tài chính minh bạch, thiếu dự án/phương án khả thi, đặc biệt là dự án/phương án ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Nhiều hộ gia đình chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, khiến việc định giá tài sản thế chấp trở nên khó khăn, giá trị đất thấp trong khi nhu cầu vay vốn lại cao.
Xu hướng của thế giới hiện nay là phát triển xanh và bền vững, tuy nhiên, việc hiện thực hóa ý tưởng này đối với ngành nông nghiệp ở Việt Nam còn khá xa vời khi vẫn thiếu các dự án ứng dụng công nghệ cao, giảm thiểu tác hại đến môi trường. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những khó khăn trong chuyển giao công nghệ, thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn cũng như việc quy hoạch, quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất phát triển nông nghiệp còn chậm.
Một nguyên nhân nữa là mức dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm tại khu vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 hiện nay không còn phù hợp, do chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp tăng cao. Vấn đề này Agribank đã có kiến nghị với NHNN nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các khách hàng thuộc đối tượng này.
Tăng trưởng chưa tương xứng
- Vậy Agribank đã tháo gỡ vấn đề này thế nào, thưa ông?
- Với tư cách là nhà đầu tư chủ lực của "Tam nông", chúng tôi luôn ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho vay trong khu vực này nói chung và ĐBSCL nói riêng. Agribank có 18 chi nhánh loại I, 150 chi nhánh loại II đặt tại 13 tỉnh trong khu vực. Nhiều năm gần đây, kể cả trong những thời điểm khó khăn như thời điểm dịch Covid-19, khu vực ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và hiệu quả nhất toàn hệ thống Agribank.
Bên cạnh đó, chúng tôi luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng và phát triển tín dụng đối với các ngành hàng nông sản chủ lực tại khu vực ĐBSCL. Agribank đã ban hành chương trình tín dụng ưu đãi với quy mô 3.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1 - 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank. Sau thời gian triển khai có hiệu quả, Agribank đã nâng quy mô chương trình lên đến 13.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Agribank dành hơn 200.000 tỷ đồng để triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng xuất nhập khẩu, khách hàng là cá nhân, hộ sản xuất vay vốn với mục đích kinh doanh, chương trình ưu đãi đối với các sản phẩm OCOP… với mức lãi suất ưu đãi từ 1% - 2% so với sàn lãi suất cho vay thông thường của Agribank.
Song song với các giải pháp trên, Agribank đơn giản thủ tục hành chính tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tập trung nâng cấp hệ thống công nghệ để phát triển các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số; phối hợp với các cơ quan ban ngành, triển khai các thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cho vay tín dụng nông nghiệp.
Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" là một ví dụ; triển khai chính sách cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đối với các khách hàng gặp khó khăn trong lĩnh vực "Tam nông"...
Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các bên
- Còn vấn đề mở rộng tín dụng cho ngành hàng nông sản chủ lực khu vực ĐBSCL thì sao, thưa ông?
- Như trên đã nói, chúng tôi cam kết tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN; triển khai quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục đồng hành, hỗ trợ khách hàng sản xuất kinh doanh và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng.
Tuy nhiên, để có thể làm được điều đó, thiết nghĩ cần sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời tăng cường minh bạch hóa tài chính doanh nghiệp để ngân hàng có cơ sở tiếp cận, thẩm định, cấp tín dụng đối với khách hàng tốt, các dự án, phương án khả thi và có đầy đủ pháp lý.
Các sở, ban, ngành, các hiệp hội doanh nghiệp địa phương tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với các ngân hàng trong việc kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Đối với việc triển khai Đề án 1 triệu hec-ta lúa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND 13 tỉnh, thành phố tham gia Chương trình sớm công bố các vùng chuyên canh; ban hành định mức kinh tế kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp để hệ thống ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng chủ động tiếp cận, xem xét, quyết định cho vay.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần được hỗ trợ xúc tiến thị trường và ngược lại, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Riêng các khách hàng vay vốn theo Chương trình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, cần thực hiện hiệu quả, bền vững các cam kết khi tham gia liên kết, nâng cao ý thức tuân thủ thỏa thuận đã ký kết giữa các chủ thể tham gia liên kết.
Đây là cơ sở quan trọng để ngân hàng cho vay theo dòng tiền liên kết, cho vay không cần tài sản bảo đảm!
- Xin cảm ơn ông!