Văn học trinh thám Việt Nam - Đánh thức thuở vàng son

Bài cuối: Trông đợi một cuộc chuyển dịch

- Thứ Tư, 03/03/2021, 07:29 - Chia sẻ
Trong số không nhiều tác giả trẻ dấn thân vào thể loại văn học trinh thám, riêng năm 2019, Đức Anh ra mắt liền hai tiểu thuyết “Tường lửa” và “Thiên thần mù sương”, năm 2020 là tiểu thuyết “Đảo bạo bệnh”. Như nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu nói, “tìm hiểu việc viết của những nhà văn trẻ này có nhiều thứ để kỳ vọng”, cuộc trò chuyện với Đức Anh cho thấy sự chuyển hướng của văn học trinh thám Việt Nam.

Lãnh địa sáng tạo hấp dẫn

- Là một trong số ít cây bút chọn thể loại trinh thám - tâm lý ly kỳ làm lãnh địa sáng tạo, hành trình ấy của Đức Anh bắt đầu như thế nào?

- Thời điểm viết tiểu thuyết đầu tay ("Tường lửa") năm 2017 là lúc tôi cảm nhận các sáng tác văn học Việt dường như bắt đầu cũ đi, không ít người viết trẻ cũng ngày càng bị ảnh hưởng bởi lối viết hàn lâm. Trong khi đó, gu của độc giả thế hệ mới đã chuyển hướng, ở một luồng khác, nổi lên thiên hướng đọc sách theo thể loại. Nhận thấy để có bạn đọc thì phải tấn công vào thể loại, tôi chọn theo đuổi dòng văn học trinh thám kinh dị, đào sâu khai thác tính chất của thể loại đó. Sau đó, tôi tiếp tục nhận thấy kiểu như “Tường lửa” lại quá cũ với thế giới. Vậy đấy, chúng cứ cũ đi. Đó cũng là nỗi khổ của chúng tôi.

	Tác giả Đức Anh (thứ hai từ trái sang) giao lưu với độc giả
Tác giả Đức Anh (thứ hai từ trái sang) giao lưu với độc giả

- Điều gì tạo nên khác biệt giữa những người cầm bút thế hệ Đức Anh với các thế hệ cầm bút trước đó, khi cùng theo đuổi dòng văn học trinh thám?

- Vấn đề ở đây liên quan đến thế hệ. Tác giả trưởng thành trong bối cảnh thế nào thì kinh nghiệm, hướng quan tâm, thói quen và thủ pháp sáng tác sẽ gắn với bối cảnh ấy. Ví dụ, tác giả 8X có những sáng tác về đề tài hôn nhân gia đình là điều chúng tôi - thế hệ 9X chưa trải nghiệm nhiều nên rất khó để viết. Tác giả 7X, 8X có ký ức về đồng quê, về thư tay... còn chúng tôi lớn lên trong thời đại của máy móc, công nghệ, internet, các vấn đề tâm lý bất thường mà ngày xưa cũng có nhưng chưa được gọi tên... Điều ấy tạo nên khác biệt giữa các thế hệ cầm bút dù sáng tạo trên một thể loại.

- Soi chiếu vào tiểu thuyết “Tường lửa” và “Thiên thần mù sương”, tiếp đến là “Đảo bạo bệnh”, điều gì khiến anh tự tin nói rằng tác phẩm của mình mang phong cách của thế hệ cầm bút sau này?

- Thực ra, cuốn “Tường lửa” mang đúng tính chất đầu tay, như nhiều tác giả trẻ khác thường hay viết về những gì mang tính cá nhân, trải nghiệm thực tế. Khác biệt nho nhỏ là tôi lồng ghép cốt truyện, nhằm “bẫy” người đọc, để tác phẩm có sự bất ngờ. Đến cuốn thứ hai, “Thiên thần mù sương”, tôi đã có độc giả, khi đối thoại và quan sát cách họ đọc, tôi nghĩ mình phải viết khác đi. Nhìn vào các lớp người đọc luôn có vấn đề để nghĩ. Những người sinh năm 2000 là ai? Họ sinh ra ở thế kỷ mới, cách để tiếp cận họ, theo tôi, chính là sáng tác. Nghĩ vậy, tôi chọn viết tiểu thuyết ly kỳ lấy bối cảnh tương lai. Tôi viết về Việt Nam năm 2040, khi những tập đoàn lớn phủ sóng cuộc sống ngày càng mạnh. “Đảo bạo bệnh” tôi viết với mục đích khẳng định mình có thể viết được tiểu thuyết trinh thám hình sự, nhưng quan trọng hơn, tôi bắt đầu nhận ra cần phải “địa phương” hơn, thuần Việt hơn. Nói chung, quan điểm sáng tác của tôi thay đổi liên tục, tôi học văn chương bằng chính sự thực hành.

Tiểu thuyết “Đảo Bạo Bệnh”, giải Ba cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" giai đoạn 2017 - 2020
Tiểu thuyết “Đảo Bạo Bệnh”, giải Ba cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" giai đoạn 2017 - 2020

Chơi một ván lớn

- Dưới con mắt của tác giả trẻ, anh nhìn nhận thế nào là tác phẩm trinh thám hay?

- Truyện trinh thám hay không phải vì nó miêu tả vụ án, mà là hư cấu vụ án. Một vụ án ngoài đời có ly kỳ đến cỡ nào, thuật lại xác thực thì chỉ trở thành truyện trinh thám tồi. Tôi thấy có người bảo nhà văn viết trinh thám ở Việt Nam gặp khó khăn là do không giỏi kỹ thuật hình sự. Tôi nghĩ ngược lại thì đúng hơn, đấy chính là thuận lợi. Việt Nam có quá nhiều hiện thực, hay chủ nghĩa hiện thực quá lớn, có điều sự phát triển của văn học hiện thực và báo chí, phóng sự... phần nào đã bóp chết tưởng tượng và hư cấu. Ngoài ra, giá trị văn chương còn nằm ở một điều khác, tính hài hước của trinh thám. Vì nó bao dung với cuộc đời, nên nó tìm ra khía cạnh dở khóc dở cười của cuộc đời.

- Kể cả có hay mấy thì trinh thám hiện đại Việt Nam vẫn ở thế yếu trong cuộc cạnh tranh gắt gao với hàng loạt siêu phẩm của tác giả nước ngoài, nhất là trong bối cảnh thị trường xuất bản ngày càng rộng mở như hiện nay. Anh nghĩ sao về nhận định này?

- Thực ra, ngay khi bắt đầu, chúng tôi đều xác định khó khăn. Một là ngôn ngữ tiếng Việt không phổ biến trên thế giới, người viết bằng tiếng Việt chỉ cho người đọc trong nước mà thôi. Thứ hai, độc giả khi đã có thói quen đọc tác giả nổi tiếng nước ngoài, họ thích tác giả nào sẽ theo đuổi tác phẩm của người ấy. Song cũng có nhìn nhận về thị trường văn học trinh thám trong nước mà tôi thấy rất đúng, rằng không phải truyện trinh thám nước ngoài nào nhập về Việt Nam cũng là tác phẩm tốt, hợp gu của người Việt... Đấy là “kẽ hở” cho cây bút Việt Nam. Nói cách khác, người viết phải xác định chơi một ván lớn, trước hết làm sao viết hay hơn một số tác giả nước ngoài có tác phẩm xuất bản ở Việt Nam, lấy nền đó để tham vọng cao hơn.

- Nói như vậy, độc giả có thể mong chờ một cuộc chuyển dịch của văn học trinh thám Việt?

- Cơ hội đang mở ra với các tác giả Việt, nhất là khi đề tài sáng tác ngày càng rộng mở: Những bệnh tâm lý, vụ án phức tạp, câu chuyện về an ninh thông tin, bắt nạt học đường, xâm hại trẻ em, mặt trái của thời đại số... Tất nhiên, trinh thám không có nhiệm vụ khai thác đề tài xã hội, song đó là khởi điểm để kể một câu chuyện hay.

Hiện nay ở Việt Nam có xu hướng nhiều tác giả trẻ nghĩ đến việc viết bằng ngôn ngữ phổ biến hơn để xuất bản truyện trinh thám ở nước ngoài. Viết bằng ngôn ngữ của thế giới, để tìm độc giả của thế giới, xem mình như một công dân của thế giới thì khác, chuyển dịch như vậy rất đáng để trông đợi. Nhưng ở mặt khác, tôi trông đợi cả nữa vào những tác phẩm trinh thám có tư tưởng, có thể soi chiếu phần nào đó xã hội và con người Việt Nam. Và tôi biết rằng ở lĩnh vực này, tới đây chắc chắn sẽ có nhiều tác giả xuất chúng xuất hiện. Cứ chờ xem!

- Xin cảm ơn anh!

Lê Thư thực hiện