Xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang

Bài cuối: Thước đo là sự hài lòng của người dân

- Thứ Bảy, 27/03/2021, 06:03 - Chia sẻ
Với chủ trương đúng đắn: “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, chặng đường xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang vừa qua cho thấy, để chương trình thực sự đi vào chiều sâu, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Đặc biệt, phải xác định rõ vai trò “chủ thể”, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Với xuất phát điểm thấp, khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Tuyên Quang mới chỉ có 1 xã đạt hơn 10 tiêu chí; 115 xã đạt dưới 5 tiêu chí và đặc biệt có 4 xã không đạt tiêu chí nào; bình quân đạt 2,8 tiêu chí/xã thì đến năm 2020 tỉnh có 47 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bình quân đạt 15 tiêu chí/xã… Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập người dân; từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, điện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tuyên Quang đã huy động tối đa nguồn lực đầu tư vào khu vực nông thôn

Tỉnh đã hình thành nhiều mô hình liên kết hợp tác hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở xã Kháng Nhật; trồng cà gai leo tại các xã Hợp Hòa, Sầm Dương; trồng cây Sa chi tại xã Lương Thiện (Sơn Dương)... đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đổi mới tư duy, phương thức thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của người dân chính là yếu tố tiên quyết, tạo đột phá trong quá trình thực hiện NTM, mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường nông thôn cũng được chú trọng...

Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Nguyễn Văn Việt cho biết: Qua theo dõi thực tế và kết quả thăm dò ý kiến người dân cho thấy, các đơn vị khi được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao thì tỷ lệ người dân hài lòng về xây dựng NTM tại địa phương mình đều đạt hơn 90%; một số tiêu chí mức độ hài lòng của người dân đạt gần 100% như: Tiêu chí về giao thông, thủy lợi, trường học, điện...

Đơn cử như xã Tân Tiến (Yên Sơn) dù mới tiệm cận đích đến NTM, song qua khảo sát mức độ hài lòng của người dân về chương trình đã đạt ở mức rất cao, khoảng hơn 90%. Bà Hoàng Thị Bích Thìn (Trưởng thôn 5) chia sẻ: "Không hài lòng sao được khi đường, trường, trạm, chợ được xây dựng khang trang phục vụ tốt nhất cuộc sống sinh hoạt của người dân". Tương tự, đối với người dân ở Vinh Quang (Chiêm Hóa), Thái Hòa (Hàm Yên), chương trình NTM đã hỗ trợ đắc lực cho bà con cách làm kinh tế, tăng thu nhập.

Đánh giá về kết quả xây dựng NTM của Tuyên Quang, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường từng nhận định: Những năm qua, tỉnh đã khắc phục khó khăn, phát huy lợi thế, khai thác thế mạnh của rừng, vùng đồi, đa dạng sinh học từ cây trồng, vật nuôi cho đến nét đẹp văn hóa để phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp rất tốt.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo không khí phấn khởi ở khắp các địa phương. Nhiệm vụ xây dựng NTM là trọng tâm, xuyên suốt, vì vậy, Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân nhận thức, hiểu rõ và phát huy vai trò chủ thể của mình, thực sự vào cuộc và là người hưởng lợi thành quả trong xây dựng NTM.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang CHẨU VĂN LÂM

Xác định được trách nhiệm “chủ thể” của người dân

Chia sẻ về những bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM trên địa bàn, Giám đốc Sở NN - PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết: Ðể thực hiện hiệu quả chương trình NTM, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình và xác định được trách nhiệm “chủ thể” của người dân được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo đó, gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu thực hiện trước, chủ động trong thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã NTM, nhất là việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. “Đặc biệt, tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất hàng hóa, môi trường, giáo dục theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”… Nhờ vậy, bản sắc văn hóa được giữ vững, môi trường bảo đảm, an ninh được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, hệ thống chính trị vững mạnh”, ông Việt chia sẻ.

Với quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục thực hiện và duy trì đạt chuẩn NTM. Theo ông Trần Gia Lam, chuyên viên Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh: Năm 2021, tỉnh phấn đấu thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn xã NTM. “Đây là năm có số lượng xã đăng ký hoàn thành xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhiều nhất từ trước đến nay. Dù cần nguồn lực rất lớn, tin tưởng với sự chủ động vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, người dân mục tiêu đề ra chắc chắn hoàn thành”, ông Lam nhấn mạnh.

Để xây dựng NTM đạt hiệu quả trong thời gian tới, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có hơn 68% số xã đạt chuẩn NTM (85 xã), ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Đồng thời, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống của cư dân nông thôn; xây dựng NTM gắn với đô thị hóa nông thôn, phù hợp với yêu cầu và điều kiện trong giai đoạn mới… “Những thành tựu đạt được trong thời gian qua là bài học quý để tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Sự đồng thuận của người dân là nền tảng thuận lợi để tổ chức thực hiện các tiêu chí trong giai đoạn tới”, ông Việt cho biết.

Diệp Anh - Bách Hợp