Bảo đảm an toàn, an ninh mạng:

Bài cuối: Thúc đẩy phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng

- Thứ Tư, 23/09/2020, 22:59 - Chia sẻ
Với mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam trở thành trung tâm an ninh mạng khu vực ASEAN, việc xây dựng một thị trường an toàn thông tin phát triển bền mạnh, vững chắc, đồng đều là vấn đề thiết yếu mà chúng ta cần quan tâm.

Tiềm năng nhưng chưa khai thác tốt

An ninh mạng là một ngành công nghiệp đang phát triển và người dùng ngày càng yêu cầu các giải pháp có khả năng đối phó được những vấn đề mất an toàn mạng ngày một tăng cao như hiện nay. Tại Chỉ thị số 14/2019/CT-TTg ngày 7.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam, quan điểm phải tạo ra thị trường an ninh mạng cũng đã được Thủ tướng chỉ ra. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật...

Để thúc đẩy phát triển thị trường an toàn, an ninh mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực này phát triển như: năm 2019, Bộ đã công bố danh mục gồm 2 sản phẩm (của BKAV và Viettel) về phòng, chống phần mềm độc hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo Chỉ thị số 14/2018/CT-TTg (ngày 25.5.2018) của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao năng lực phòng, chống phần mềm độc hại.

An ninh mạng Việt Nam chuyển biến tích cực trong năm 2020
Nguồn: ITN

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, hiện cả nước mới có 84 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin, nhưng phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực viễn thông, số lượng doanh nghiệp hoạt động thuần túy trong lĩnh vực an toàn thông tin chỉ chiếm khoảng 20%.

Tính đến tháng 6.2020, doanh thu lĩnh vực an toàn, an ninh mạng đạt 774,5 tỷ đồng, tăng 67,8% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2019. Doanh thu sản phẩm nội địa so với doanh thu nhập khẩu tăng từ 37,2% cuối năm 2019 lên 50,8% vào tháng 6 năm 2020.

Tỷ lệ nhóm chủng loại sản phẩm an toàn thông tin nội địa tăng từ 50% cuối năm 2019 lên 63,6% vào tháng 6.2020. Số bộ, tỉnh đã triển khai Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng SOC đã tăng từ 8 Bộ, tỉnh vào cuối năm 2019 lên 31 bộ, tỉnh vào tháng 6.2020.

Mở rộng thị trường an toàn, an ninh mạng Việt Nam

Trong xu thế chung của thế giới cũng như tại Việt Nam, an ninh không gian mạng là một yêu cầu đòi hỏi tất yếu, có vai trò hết sức quan trọng để thực hiện thắng lợi công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Để tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam trên thế giới, tại Chỉ thị số 14/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ quy định việc tự giám sát hoặc lựa chọn đơn vị giám sát, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin của doanh nghiệp phải có ít nhất từ 1 - 2 lần trong năm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Nguồn: nhandan.com.vn

Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam đã thành lập Câu lạc bộ Kiểm tra, đánh giá và kiểm định an toàn thông tin Việt Nam với nhiệm vụ phân tích, nghiên cứu và đề xuất các biện pháp để xây dựng, phát triển thị trường dịch vụ kiểm tra, đánh giá và kiểm định an toàn thông tin  tại Việt Nam. Ngoài ra, câu lạc bộ còn là cầu nối giúp xây dựng chính sách của nhà nước và xây dựng các tiêu chuẩn chung về Dịch vụ kiểm tra, đánh giá và kiểm định an toàn thông tin.

Đồng thời Chỉ thị số 14/CT-TTG cũng quy định phải bảo đảm tỉ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm. Nếu thực hiện tốt, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng trong nước từng bước nâng cao tiềm lực.

Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ sẽ thúc đẩy việc tăng tỷ lệ chi cho an toàn, an ninh mạnh lên tối thiểu 10% tổng chi cho CNTT của các bộ, ngành, địa phương. Theo Cục An toàn thông tin, năm 2019 tỷ lệ kinh phí chi cho an toàn, an ninh mạng/tổng chi cho CNTT của các bộ, ngành, địa phương trung bình là 7,87%.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai mô hình 4 lớp bảo đảm an toàn, an ninh mạng đảm bảo đến cuối năm 2020 tỷ lệ này đạt 100%. Đồng thời, thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường tỷ lệ chủng loại sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa đạt 80%, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam.

Ngoài ra, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, để nâng cao nhận thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng của mỗi cá nhân, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, đẩy nhanh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về an toàn thông tin; tăng cường hợp tác, trao đổi công nghệ, giải pháp mới. Qua đó, có cơ hội chia sẻ giữa các quốc gia về kinh nghiệm phòng, hỗ trợ lẫn nhau về kỹ thuật trong ứng cứu khẩn cấp, chống nguy cơ gây mất an toàn thông tin,… để sớm hiện thực hóa nó, đưa ngành ATTT của Việt Nam vươn tầm khu vực, trở thành trung tâm an ninh mạng của ASEAN.

Xuân Tùng