Kiên trì phát triển bền vững, thu hút đầu tư chọn lọc
Đồng Nai luôn là địa phương năng động trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tỉnh luôn kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, tăng cường cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả các hoạt động quản lý nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển. Tổng vốn đầu tư thu hút dự án FDI năm 2023 là 1,23 tỷ USD, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2022 (1,15 tỷ USD) và tăng 11,5% so với kế hoạch năm (1.100 triệu USD). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 thu hút đầu tư trong nước đạt trên 42 nghìn tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2023; thu hút đầu tư nước ngoài đạt khoảng 1,1 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với với ngành nghề đầu tư của các dự án cấp mới, tỉnh Đồng Nai vẫn tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án xanh, dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến, công nghiệp phụ trợ. Cụ thể trong năm 2023, thu hút được 39 dự án mới thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (chiếm 50,6% số dự án mới) với vốn đầu tư đăng ký là 340,37 triệu USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký mới.
Các dự án FDI thu hút mới gồm các dự án thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhựa, cơ khí, thực phẩm, logistic… với suất đầu tư bình quân 6,14 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 104 người/ha; không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, không thâm dụng lao động; bảo đảm tiêu chí về công nghệ và đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai cho thấy, Quy hoạch tỉnh với mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, việc tổ chức không gian lãnh thổ phù hợp, bước đầu đã có tác động tích cực đối với thu hút đầu tư, nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai xác định trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung thu hút đầu tư phát triển 3 nhóm ngành kinh tế trụ cột (công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, thủy sản).
Để đáp ứng yêu cầu phát triển với tầm nhìn dài hạn, tỉnh tổ chức không gian phát triển theo 3 vùng kinh tế - xã hội và 2 khu vực có vai trò động lực (đô thị sân bay Long Thành, hành lang sông Đồng Nai), cùng với định hướng phát triển theo Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 7.10.2022 của Bộ Chính trị, tỉnh tập trung kêu gọi, thu hút đầu tư vào các nhóm ngành kinh tế trụ cột.
Cụ thể, xây dựng Trung tâm chính trị - hành chính tỉnh Đồng Nai; phát triển hạ tầng Khu công nghiệp. Trong các năm tiếp theo, tùy theo tình hình phát triển, sự quan tâm của các nhà đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung Danh mục dự án xúc tiến đầu tư, bảo đảm phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển trong Quy hoạch tỉnh; thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quy hoạch tỉnh.
Để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư phát triển, Đồng Nai tập trung nguồn lực của Nhà nước để đầu tư, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, nhất là hạ tầng giao thông liên Vùng và hạ tầng xã hội. Kết hợp hiệu quả nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, có cơ chế, chính sách phù hợp huy động vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh huy động nguồn lực từ hợp tác công - tư, xã hội hóa; ưu tiên nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.
Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có lợi thế cạnh tranh vượt trội, phục vụ cho doanh nghiệp và người dân. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như quỹ đất sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư. Thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên và thân thiện với môi trường; cụm liên kết ngành, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, văn hoá, thể thao, du lịch, khoa học - công nghệ, môi trường…