Phụ nữ tham gia vào cơ quan dân cử - Hướng tới bình đẳng thực chất

Bài cuối: Thu hẹp khoảng cách giới

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 10:16 - Chia sẻ

Bình đẳng giới đã trở thành một vấn đề xuyên suốt không thể thiếu trong các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030. Tuy nhiên, trên nhiều phương diện khác nhau, phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới là định kiến xã hội đối với phụ nữ.

Nữ đại biểu                         Nguồn ITN

Để có tiếng nói trọng lượng

Báo cáo Phát triển Con người năm 2020 của Cơ quan Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) ghi nhận về chỉ số Bất bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 65/162 quốc gia trong bảng xếp hạng. Thực tế cũng cho thấy, hoạt động của nữ giới trong các cơ quan dân cử mặc dù có rất nhiều tiến bộ nhưng vẫn là điều không dễ dàng khi chưa có sự cân bằng tương đối về giới trong cơ cấu của QH, HĐND. Điều này, đã hạn chế về quyền và khả năng đóng góp của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Báo cáo Vai trò của nữ ĐBQH trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021 cho thấy, có tới 63% ĐBQH và 79% ĐB HĐND tham gia khảo sát cho rằng: tỷ lệ nữ ĐBQH và HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 là hợp lý, nhiều đại biểu vẫn tin tưởng và kỳ vọng vào việc gia tăng tỉ lệ nữ đại biểu tham gia các cơ quan QH và HĐND trong tương lai. Đặc biệt có đến gần 60% ĐBQH và 66% ĐB HĐND đồng tình với nhận định “Sẽ có lúc ở Việt Nam số lượng nữ ĐBQH /HĐND và nam ĐBQH/HĐND ngang nhau”.

Hiện, định kiến về giới vẫn là một trong những rào cản lớn. Ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ vốn đặt trách nhiệm nặng hơn đối với người phụ nữ thì khi tham gia hoạt động quản lý, phụ nữ còn gặp những áp lực khác. Đó là quan niệm cố hữu về giới trong quản lý, sử dụng cán bộ, mặc dù quan niệm này có phần cởi mở hơn so với trước đây. Nữ ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) cho biết: “ Trước khi trở thành nữ nghị sĩ, mặc dù đã từng kinh qua nhiều vị trí công việc khác nhau, được học tập và nghiên cứu nhiều trong lĩnh vực pháp luật, có thời gian trải nghiệm thực tế, trong quá trình công tác, được giúp việc cho Đoàn ĐBQH, các ĐBQH, song do phụ nữ ghánh trên vai quá nhiều trọng trách, ngoài  công việc cơ quan, còn phải thực hiện nghĩa vụ làm mẹ, làm vợ nên bản thân luôn phải “cố gắng”, nỗ lực nhiều hơn để xử lý, bố trí hài hòa giữa việc riêng và việc chung, như các cụ đã nói “Đảm việc nước, giỏi việc nhà”. 

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) Tiến sỹ Lê Văn Sơn 

73% nam ĐBQH, 68% nam ĐB HĐND, 84% nữ ĐBQH và 81% nữ ĐB HĐND) đồng tình với nhận định “Có thêm phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo cơ quan Nhà nước sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam”. (Báo cáo Vai trò của nữ ĐBQH trong sự phát triển của Việt Nam giai đoạn 2016-2021, UNDP).

Cần lộ trình cụ thể

Là khuyến nghị được nhiều chuyên gia pháp lý, chuyên gia bình đẳng giới khi bàn về các giải pháp để Việt Nam tới đến các chỉ tiêu đặt ra. Theo đó, cần có những chính sách và lộ trình thực hiện cụ thể nhằm đạt được mục tiêu trên 35% nữ ĐBQH và ĐB HĐND vào năm 2030 như đã đề ra trong Nghị quyết số 26-NQ/TW năm 2018 của Trung ương Đảng (Khóa XII) và thực hiện tốt các cam kết quốc tế về bình đẳng giới của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và tạo mọi cơ hội để cả nam và nữ ĐBQH và ĐB HĐND tham gia tất cả các lĩnh vực bằng việc áp dụng chỉ tiêu giới trong tất cả các Uỷ ban của QH và trong các ban của HĐND.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển Cộng đồng (GFCD) Tiến sỹ Lê Văn Sơn cho rằng: tỷ lệ % mới chỉ là điều kiện cần, quan trọng là vai trò tham gia thực chất của đại biểu nữ. Do đó, để thực sự phát huy hiệu quả vai trò và tiếng nói của đại biểu nữ cần có nhiều giải pháp. Trước hết, nâng cao năng lực xác định các vấn đề bất bình đẳng giới (kỹ năng phân tích giới trong chính sách) và kỹ năng lồng ghép giới trong các lĩnh vực chuyên môn mà đại biểu đang phụ trách. Từ đó, có đủ khả năng để phản biện về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, các đại biểu nữ cần chủ động thu thập thông tin, tìm kiếm các bằng chứng về những vấn đề bất bình đẳng giới có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn do mình phụ trách, từ đó có đủ cơ sở để phản biện về chất lượng và hiệu quả lồng ghép giới vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Viện trưởng Viện Sức khoẻ cộng đồng Ánh sáng, Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Thu Giang bổ sung, đối với đa phần phụ nữ nói chung, để họ có điều kiện tham gia vào các cơ quan dân cử thì chúng ta sẽ cần phải lưu ý rất nhiều khía cạnh. Trong đó, khía cạnh đầu tiên, đó là làm thế nào có thể giảm được tỷ lệ thời gian làm việc nhà và những công việc không trả lương cho phụ nữ. Bởi, như chúng ta đã biết, thời gian làm không được trả lương của người phụ nữ cao hơn rất là nhiều lần so với nam giới. Như vậy, đồng nghĩa với việc là đã lấy đi của họ cái thời gian cũng như cái cơ hội để họ có thể tham gia vào đóng góp tham chính, đấy chính là cái rào cản rất lớn. Tất cả những vấn đề về khía cạnh nhìn nhận xã hội, định kiến xã hội về những công việc làm cũng như việc san sẻ trách nhiệm của nam giới... cần phải thúc đẩy rất là mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nhóm PV Bạn đọc - Pháp luật