Kết quả triển khai Nghị quyết tăng cường hiệu quả thực hiện chính sách phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Bài cuối: Thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:53 - Chia sẻ
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn cũng thẳng thắn nhìn nhận: Một số chủ rừng sử dụng rừng không đúng quy định, dẫn đến tình trạng phát phá rừng trái pháp luật vẫn còn xảy ra ở một số huyện, thành phố. Hiệu quả trồng rừng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng về điều kiện đất đai, nguồn nhân lực tại chỗ. Vẫn còn một số đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, được giao đất, thuê đất lâm nghiệp để trồng rừng song chưa trồng rừng.

Tình trạng phát phá rừng trái pháp luật còn xảy ra

Đối với nội dung Khoản 5, Điều 2: “Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trong năm 2017 cho phù hợp với hiện trạng sử dụng đất lâm nghiệp của địa phương. Chỉ đạo việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng hoàn thành trong năm 2018 (theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12.1.2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng)”. Nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch 3 loại rừng, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở NN - PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng. Kết quả rà soát, điều chỉnh bổ sung đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 7.12.2017. Theo đó, ngày 26.10.2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1794/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Bắc Kạn.

Về giao đất, giao rừng, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp đã được giao có chủ quản lý, với tổng diện tích hơn 298 nghìn héc ta (chủ yếu giao đất lâm nghiệp, trong đó xác định trạng thái, diện tích rừng, chưa thực hiện giao trữ lượng). Từ 2006 đến tháng 6.2018, công tác giao đất, giao rừng đã được đẩy mạnh, việc tiến hành các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân tự quản lý và sử dụng được thực hiện theo quy định hiện hành. Toàn tỉnh đã cấp được 70.536 giấy chứng nhận, với tổng diện tích đã giao 106.580ha. Việc giao rừng mới thực hiện giao thí điểm được 2.363ha tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, xã Quang Phong, xã Côn Minh, huyện Na Rì bằng nguồn vốn hỗ trợ của Dự án 3PAD và Chương trình UNREDD giai đoạn II tỉnh Bắc Kạn. Cơ bản diện tích rừng và đất lâm nghiệp được các chủ rừng quản lý, sử dụng đúng quy định. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ rừng sử dụng rừng không đúng quy định, dẫn đến tình trạng phát phá rừng trái pháp luật còn xảy ra ở một số huyện, thành phố.

HĐND tỉnh Bắc Kạn giám sát việc thực hiện các chính sách trồng rừng tại huyện Bạch Thông

Hiệu quả trồng rừng chưa cao

Đối với nội dung Khoản 6, Điều 2: “Chỉ đạo thanh tra chuyên đề toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức để thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng. Rà soát các dự án trồng rừng và diện tích đất rừng đã giao cho các tổ chức thực hiện để xem xét điều chỉnh quy mô dự án phù hợp khả năng thực hiện của các doanh nghiệp và điều kiện giao đất thực tế của địa phương. Kiên quyết thu hồi quyết định đầu tư các dự án trồng rừng và thu hồi đất đã giao cho doanh nghiệp để thực hiện dự án nhưng quá 2 năm chưa triển khai thực hiện nhằm bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả”.

UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo đối với các tổ chức được giao đất lâm nghiệp cho để thực hiện trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh. Các dự án trồng rừng nguyên liệu của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, tạo ra vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, hiệu quả trồng rừng chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng về điều kiện đất đai, nguồn nhân lực tại chỗ, chưa có mô hình kinh doanh gỗ lớn bằng nguồn giống chất lượng, hiệu quả cho người dân địa phương tham quan học tập. Mặt khác, vẫn còn một số đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, được giao đất, thuê đất lâm nghiệp để thực trồng rừng song chưa thực hiện trồng rừng.

Cụ thể, các dự án đã thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư do nhà đầu tư không có khả năng thực hiện giải phóng mặt bằng, không triển khai dự án theo tiến độ cam kết trong giấy chứng nhận đầu tư, gồm các doanh nghiệp: Công ty TNHH D&G Việt Nam (Dự án đầu tư trồng nguyên liệu tại xã Cao Tân, Nghiên Loan, An Thắng, Xuân La huyện Pác Nặm); Công ty Cổ phần đầu tư và phát triền Hưng Lâm (Dự án đầu tư trồng rừng sản xuất trên địa bàn huyện Ba Bể, Ngân Sơn); Công ty TNHH MTV Quốc tế Bạch Thông (Dự án đầu tư trồng rừng tập trung phát triển nguồn nguyên liệu); Công ty Cổ phần SAHABAK (đã thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và thu hồi đất diện tích 2030ha); Công ty cổ phần Hoàng Long Bắc Kạn (Dự án trồng rừng khoanh nuôi phục hồi rừng tại xã Tân Sơn, Hòa Mục, Cao Kỳ); Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu Thành Đạt (Dự án đầu tư trồng rừng nguyên liệu tập trung tại xã Mỹ Phương, Chu Hương huyện Ba Bể); Công ty TNHH MTV phát triển nông nghiệp nông thôn miền núi (Dự án trồng rừng ở huyện Na Rì); Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại Đa Phương (Dự án trồng và chăm sóc rừng tại huyện Chợ Mới).

VÂN NGUYỄN