Xây dựng phần mềm dùng chung quản lý đơn thư
Để tăng cường mối liên hệ với cử tri, cùng với việc Thường trực HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND thực hiện nghiêm túc việc TXCT trước và sau các kỳ họp thường lệ theo quy định của luật, cần đổi mới hình thức TXCT sau kỳ họp theo hướng tổ chức theo cụm đơn vị bầu cử ở các địa phương (không tổ chức theo từng địa bàn ứng cử); đồng thời, mở thêm kênh TXCT thông qua trang thông tin điện tử và hòm thư phản ánh, kiến nghị của cử tri; lựa chọn nội dung, thực hiện tốt TXCT chuyên đề. Tăng cường việc trả lời kiến nghị, giải đáp pháp luật trực tiếp tại cuộc TXCT nhằm thông tin và giải quyết kịp thời một số thắc mắc, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Quy định cụ thể thời hạn trả lời kiến nghị của cử tri; theo dõi, giám sát việc trả lời kiến nghị của cử tri.
Thường trực HĐND các cấp rà soát, ban hành Quy chế tiếp công dân của đại biểu HĐND cấp mình; thực hiện việc chỉ đạo, điều hòa để 100% đại biểu HĐND được tiếp công dân theo quy định của luật và quy chế ban hành. Tăng cường sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, MTTQ với Tổ đại biểu HĐND các cấp trong việc tiếp công dân và tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Gắn việc tiếp công dân với việc hướng dẫn công dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Cùng với đó, tăng cường theo dõi, đôn đốc và tổ chức giám sát tình hình và kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân. Định kỳ hàng quý, Đảng đoàn HĐND (đối với cấp tỉnh), Thường trực HĐND cấp huyện, xã báo cáo Thường trực cấp ủy kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân của các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết. Xây dựng phần mềm dùng chung để thực hiện tốt việc quản lý, theo dõi tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tham mưu, phục vụ
Nhằm tăng cường hoạt động, Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về việc “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031” nhấn mạnh yêu cầu Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh nâng cao trách nhiệm, thường xuyên hướng dẫn và phối hợp với HĐND cấp huyện để kịp thời tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho HĐND cấp huyện, xã trong quá trình hoạt động. Phân công đại biểu chuyên trách HĐND cấp trên theo dõi, hướng dẫn hoạt động của HĐND cấp dưới. Tăng cường hoạt động giám sát chuyên đề của Tổ đại biểu HĐND tỉnh đối với UBND các huyện, thành phố trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND và những vấn đề bức xúc, nảy sinh trên địa bàn được cử tri quan tâm.
Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp tham dự đầy đủ các hội nghị đối thoại của Chủ tịch UBND cùng cấp. Khi tổ chức hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND mời Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND (địa bàn ứng cử) cùng tham dự để kịp thời nắm bắt thông tin, kiến nghị những vấn đề có liên quan đến vấn đề đối thoại (nếu có).
Đề án cũng nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, phục vụ của bộ máy giúp việc HĐND các cấp. Theo đó, thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc HĐND, lưu ý bảo đảm số lượng biên chế phù hợp và bố trí đủ số cán bộ chuyên trách giúp việc Thường trực, các Ban HĐND các cấp. Đối với HĐND cấp huyện, phân công 1 lãnh đạo Văn phòng HĐND - UBND và ít nhất 1- 2 chuyên viên trực tiếp tham mưu, giúp việc hoạt động của HĐND.
Cùng với bảo đảm các hoạt động của HĐND đều được phát thanh, truyền hình, đưa tin để đông đảo cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND tỉnh và hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của HĐND cấp huyện, xã. Đa dạng các hình thức cung cấp và cung cấp kịp thời thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND các cấp. Tạo lập cơ sở dữ liệu liên thông HĐND 3 cấp, ưu tiên liên thông dữ liệu về các nghị quyết đã ban hành và các chương trình giám sát của HĐND các cấp.