Hướng tới mục tiêu 100% dân số được đăng ký, quản lý dân số trong hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW:

Bài cuối: Sớm chia sẻ dữ liệu liên ngành

- Thứ Hai, 29/11/2021, 05:56 - Chia sẻ
Nguồn số liệu sinh, tử thì chỉ có một (sự kiện sinh, tử thực tế), nhưng lại có nhiều cơ quan có trách nhiệm thu thập số liệu, thống kê. Trong khi đó, các cơ quan lại xác định đối tượng thống kê với cách thức, phương pháp thu thập số liệu khác nhau… và đặc biệt là không chia sẻ thông tin cho nhau. Đây là vướng mắc cần sớm được các bộ, ngành liên quan phối hợp giải quyết.
Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, Naomi Kitahara khẳng định cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các bộ, ngành, địa phương

Lắm mối, lại không kết nối

Hiện, các ngành tư pháp, y tế, thống kê, công an đều đã và đang thiết lập Cơ sở dữ liệu điện tử của ngành để quản lý dữ liệu nhân thân của dân cư. Với ngành tư pháp là Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; ngành công an là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; ngành y tế là Cơ sở dữ liệu của Tổng cục Dân số, Cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế … Mỗi ngành có một tài nguyên dữ liệu công dân rất lớn, nhưng các ngành chưa hoàn thiện được cơ sở dữ liệu ngành, nếu có hoàn thành thì cũng chưa đồng bộ, chia sẻ, kết nối được giữa các cơ sở dữ liệu này. Thực tế này, dẫn đến dữ liệu chưa đầy đủ, thống nhất và thiếu hiệu quả, lãng phí nguồn lực.

Đại diện Bộ Y tế, bà Hoàng Thu Hương nêu thực tế, hiện ngành y tế đang thiếu quy chế chia sẻ dữ liệu đối với các trường hợp tử vong tại các bộ, ngành khác; cũng như quy chế phối hợp sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tư pháp.

Trong khi đó việc triển khai Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc nhằm bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Bộ Tư pháp mới được phân bổ ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2023 nhằm nâng cấp Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, nên chỉ ở giai đoạn bắt đầu triển khai.

Tại địa bàn các tỉnh đã triển khai sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch của Bộ Tư pháp, việc cập nhật được các dữ liệu lịch sử vào phần mềm cũng chưa thực hiện được do khó khăn về kinh phí. Do vậy, việc tra cứu dữ liệu hộ tịch phục vụ yêu cầu của người dân (cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân...) hoàn toàn thực hiện thủ công, nhiều trường hợp không bảo đảm tính chính xác và thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của công dân.

Sớm có quy chế phối hợp

Hiện nay, thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử đang trong giai đoạn chuyển giao số hóa về mặt quy trình. Các khó khăn tập trung chủ yếu ở vấn đề liên thông, kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu cũng như tiêu chuẩn đáp ứng với quá trình số hóa về nhân lực, trang thiết bị và cơ sở hạ tầng internet.

Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara khẳng định, một hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch hoạt động tốt chỉ có thể đạt được thông qua sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ban, ngành và các cơ quan ở các cấp dưới sự điều phối của Ban Chỉ đạo Quốc gia. Việc ứng dụng công nghệ số sẽ giúp các bộ ngành chia sẻ thông tin hiệu quả hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến toàn bộ hệ thống đăng ký và thống kê hộ tịch. Điều này sẽ bảo đảm quyền con người được pháp luật công nhận (đặc biệt là thông qua đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử và các sự kiện hộ tịch khác) và tăng sự tiếp cận của người dân tới các dịch vụ xã hội.

Đại diện Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp cho biết, việc liên thông giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vẫn còn chậm và chưa hoàn toàn đồng bộ, việc cấp số định danh cá nhân không kịp thời dẫn đến cấp giấy khai sinh không đúng hạn cho người dân; thông tin của cá nhân được thay đổi trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử chưa được cập nhật tự động với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gây ra khó khăn trong việc xác minh thông tin sau này. 

Từ thực tế này, các bộ: Tư pháp, Công an, Y tế... cần sớm xây dựng Quy chế phối hợp trong việc cập nhật, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu điện tử hiện có; chia sẻ dữ liệu liên ngành; thống nhất cách xác định tỷ lệ đăng ký khai sinh, tỷ lệ đăng ký khai tử. Đồng thời, Bộ Y tế có giải pháp tăng cường quản lý chặt chẽ việc cấp giấy chứng sinh; xây dựng cơ chế thu thập, thống kê số liệu sinh, tử thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu sinh, tử với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để thực hiện liên thông thủ tục hành chính.

Đại diện Bộ Y tế, bà Hoàng Thu Hương cho biết, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ nghiên cứu xây dựng văn bản cơ chế phối hợp giữa cơ quan y tế với cơ quan đăng ký hộ tịch để bảo đảm liên thông giấy chứng sinh - giấy khai sinh, giấy báo tử - giấy chứng tử nhằm ghi nhận đầy đủ, chính xác nguyên nhân tử vong khi đăng ký khai tử và cấp giấy chứng tử; Quy chế phối hợp giữa các bộ ngành trong việc thiết lập Cơ sở dữ liệu điện tử; Thông tư quy định bộ công cụ thu thập nguyên nhân tử vong ngoài cơ sở y tế.

Sở Tư pháp Cần Thơ cũng kiến nghị, Bộ Y tế kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu cấp giấy chứng sinh và chứng nhận y tế về nguyên nhân gây tử vong cho ngành tư pháp (Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử) để theo dõi, kịp thời khuyến khích việc đăng ký khai sinh và cập nhật nguyên nhân tử vong trong việc cấp trích lục khai tử, nhằm có đầy đủ số liệu thống kê đánh giá chính xác các mục tiêu đề ra của chương trình. 

Bài và ảnh: Phạm Hải