Kết quả giải ngân còn thấp
Theo đánh giá của Đoàn khảo sát, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, tổ chức thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2024 đạt tỷ lệ thực hiện và giải ngân còn thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ năm 2023. Hiện, toàn tỉnh còn 31/132 dự án chưa khởi công gồm: 21 dự án và 10 Báo cáo kinh tế - kỹ thuật (trong đó, 20 dự án được giao vốn từ tháng 2 đến tháng 6.2024); 43 dự án chưa giải ngân, 44 dự án giải ngân dưới 30%, 41 dự án có tỷ lệ giải ngân từ 30% đến 60%; 6 dự án có vốn đầu tư lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn rất thấp chưa đạt 5%… Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giải ngân chung cả tỉnh đạt thấp.
Kết quả khảo sát cũng chỉ rõ, công tác phối hợp giữa UBND cấp huyện với các sở, ngành có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, kịp thời. Một số công trình chậm ghi vốn, chậm điều chỉnh chủ trương đầu tư. Việc xử lý nợ sau quyết toán để tất toán dự án tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn một số chủ đầu tư chậm thực hiện...
Về công tác thẩm định đề xuất phân bổ kế hoạch vốn, một số công trình dự án lớn chưa sát nhu cầu dẫn đến thực tế không thể hấp thu nguồn vốn và phải điều chuyển sang năm 2025. Trong đó, có các lĩnh vực giáo dục, y tế; các chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án ODA tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp, UBND huyện Vũng Liêm, Trà Ôn...
Thực tế cũng cho thấy, việc tham mưu UBND tỉnh thể chế, sửa đổi các quy định, thực hiện theo Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.8.2024) thực hiện chậm, phối hợp chưa chặt chẽ. Hầu hết UBND cấp huyện lúng túng, chưa xác định, ban hành phê duyệt giá đất cụ thể tại địa phương… Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch còn ít, chưa kịp thời, nội dung chuyên đề chưa tập trung vào các nguyên nhân hạn chế kéo dài chậm khắc phục trong lập hồ sơ, thủ tục, điều chỉnh nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện; lập kế hoạch vốn không sát yêu cầu thực tế; lựa chọn nhà thầu còn hạn chế về năng lực.
Kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có nhu cầu
Với những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị, cần quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của công tác xây dựng cơ bản (XDCB) đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh; nắm vững các quy định của pháp luật, chủ trương của Trung ương về XDCB, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, kế hoạch đầu tư công năm 2025; về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; các văn bản chỉ đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ thị của UBND tỉnh trong những tháng cuối năm 2024.
Với vai trò, chức năng của mình, Thường trực Ban chỉ đạo XDCB tỉnh cần tham mưu UBND tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện dự án của một số ngành còn chậm; nhất là các dự án chuyển tiếp, dự án chưa khởi công, dự án kéo dài. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp; thực hiện nhanh giải phóng mặt bằng, thiết kế thi công, sớm khởi công các dự án. Đặc biệt, phân công rõ trách nhiệm, đúng thẩm quyền, giải quyết nhanh những vướng mắc trong thực hiện đối với từng dự án.
Nhiệm vụ trọng tâm được Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh, các cơ quan chuyên môn là tập trung rà soát, điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đối với các dự án không hấp thu hết nguồn vốn, kịp thời điều chuyển cho dự án có nhu cầu để đẩy nhanh tiến độ, dự án trọng điểm, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 - 2030 và các dự án đã phân bổ nguồn vốn theo kế hoạch nhưng đến nay chưa bảo đảm nguồn vốn bố trí… Mặt khác, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các nguyên nhân hạn chế kéo dài, chậm khắc phục của chủ đầu tư, nhà thầu; việc quản lý sử dụng vốn đầu tư công và công tác đấu thầu, tiêu chí lựa chọn nhà thầu…
Các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND tỉnh, xác định rõ nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân, trách nhiệm khắc phục hạn chế, nghiêm túc thực hiện các nội dung kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước Khu vực IX ngày 18.6.2024 về đầu tư XDCB; rà soát các công trình chậm tiến độ, không giải ngân hết nguồn vốn do chủ quan, thiếu kiên quyết, thiếu trách nhiệm làm cơ sở đánh giá phân loại cuối năm. Trong đó, nghiêm khắc phê bình các trường hợp yếu kém; kịp thời biểu dương, khen thưởng đơn vị, chủ đầu tư thực hiện vượt tiến độ…
Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát việc quy hoạch thực hiện dự án tái định cư; kịp thời tham mưu bố trí vốn giải quyết, bố trí nền tái định cư của hộ dân ảnh hưởng giải phóng mặt bằng theo quy định; tham mưu dự án tái định cư trên địa bàn tỉnh bảo đảm thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc về khan hiếm nguồn cát san lấp; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, xây dựng quy định về giá đất; bồi hoàn, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư trên địa bàn tỉnh.