Chính trị

Bài cuối: Quốc hội khóa I và bản Hiến pháp đầu tiên - sự mở đầu cho Nhân dân ta xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam (*)

Võ Nguyên Giáp - Đại biểu Quốc hội khóa I, tỉnh Nghệ An 13/02/2025 10:00

Quốc hội Khóa I, kỳ 2 khai mạc trọng thể vào sáng 28/10/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố. Từ ngày Bác lên đường đi Pháp, ngày 31/5/1946, cho đến lúc này kém 3 ngày đầy 5 tháng. Đó là quãng thời gian cả dân tộc, cả Quốc hội hồi hộp ngóng theo từng bước chân đi của Người.

img-0088-093538-301020-41(1).jpg

Nay thấy Người về bình an mạnh khỏe, cả Hội trường Nhà hát Lớn thành phố ầm vang những tràng vỗ tay không ngớt của hàng trăm đại biểu đón chào người công dân số một, danh hiệu vẻ vang mà Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa I đã phong tặng cho Bác.

88 câu hỏi chất vấn

Sự sắp xếp chỗ ngồi kỳ này hơi khác với kỳ trước. Phòng họp chia làm ba khu: Tả, hữu và giữa. Ngồi đầu phía tả là nhóm Mácxít gồm một số Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương lúc bấy giờ đã hoạt động công khai. Rồi đến những đại biểu Đảng Xã hội đeo cavát đỏ và những đại biểu thuộc Đảng Dân chủ. Ngồi ở hàng giữa là những người không đảng phái đã tham gia Mặt trận Việt Minh. Bên cánh hữu là những đại biểu của Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh Hội. Việt Nam Quốc dân Đảng ngồi ở đầu cùng phía bên hữu. Số 70 ghế dành cho các tổ chức này trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên, nay để trống gần một nửa.

Về dự Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa I có 290 đại biểu. Một số đại biểu ở cực Nam Trung Bộ và Nam Bộ vì hoàn cảnh kháng chiến không ra được. Đông đảo phóng viên các báo Mỹ, Pháp, Trung Hoa và Việt Nam đã có mặt trong phiên khai mạc. Công chúng có quyền được vào dự thính kỳ họp và có quyền chất vấn, khen chê Chính phủ.

Khách nước ngoài gồm các lãnh sự Anh, Mỹ, Hoa, Thụy Sỹ và người thay mặt cho tướng Moóclie cùng ngồi với các nhà báo trong các lô dành riêng ở tầng hai.

Chương trình làm việc gồm có:

1. Nghe báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ.

2. Thảo luận và thông qua dự thảo Hiến pháp.

3. Thành lập Chính phủ mới.

Bác Tôn, đại biểu của Nam Bộ, được bầu làm Trưởng đoàn Chủ tịch của Đại hội.

Đại biểu của tỉnh Rạch Giá, đồng chí Nguyễn Văn Tạo, lên diễn đàn thay mặt Nam Bộ chào mừng Đại hội. Anh nhắc tới các đại biểu miền Nam hôm nay vắng mặt: Luật sư Thái Văn Lung đã bị địch tra tấn chết trong khám lớn Sài Gòn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát và nhiều nhà yêu nước khác còn đang bị giam cầm tại địa ngục Côn Đảo. Khi đồng chí Nguyễn Văn Tạo bước xuống diễn đàn, Hồ Chủ tịch đứng dậy ôm hôn anh. Những giọt nước mắt chảy ròng ròng trên gò má Người.

Đại biểu Nam Bộ đề nghị toàn thể Quốc hội bày tỏ lòng tín nhiệm và ủng hộ Hồ Chủ tịch, người công dân số một, người đã sáng suốt đưa nước nhà ra khỏi vòng nô lệ. Toàn thể các đại biểu đứng lên hoan hô một hồi lâu.

Đại hội nghe báo cáo của Chính phủ về những công việc đã làm từ ngày thành lập, trong đó có cuộc đàm phán của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Pháp tại Fontainebleau và việc ký Tạm ước ngày 14/9.

Ngày 31/10, các đại biểu chất vấn Chính phủ. Có 88 câu hỏi nêu lên thuộc các vấn đề quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, tài chính, tư pháp, nội vụ. Những câu hỏi được chuyển tới các Bộ hữu quan, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ trả lời về chính sách ngoại giao của Chính phủ, việc ký Tạm ước ngày 14/9, việc Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh tự ý bỏ đi.

Người nói:

- Về chính sách ngoại giao của Chính phủ và việc ký bản Tạm ước ngày 14/9... trong các báo cáo trước đã nói nhiều. Tóm lại, đối với các nước dân chủ, hết sức gây thiện cảm. Các nước ấy tuy chưa công khai thừa nhận ta, nhưng ít nhiều thiện cảm với ta. Còn về ngoại giao với Pháp thì từ khi ký Hiệp định ngày 6/3, qua các Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau đến Tạm ước ngày 14/9, Chính phủ quyết tâm giữ vững nền độc lập và thống nhất của Việt Nam, đồng thời hợp tác thật thà và thân thiện với Pháp. Cố nhiên, người Pháp cũng phải cộng tác với ta trên nguyên tắc bình đẳng...

Bác nói tiếp:

- Tạm ước này có ảnh hưởng tới các hiệp ước ký sau không?... Trong xã hội loài người, có cái gì mà không ảnh hưởng tới cái khác. Tuy vậy, những sự điều đình sau đây không thể vì bản Tạm ước này mà bị ràng bó. Bản Tạm ước này tùy theo sự thi hành thế nào, sẽ tạo điều kiện đẩy cho những cuộc điều đình sau mau chóng đạt kết quả.

Người chuyển qua vấn đề khác.

- Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Tường Tam, về ông Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh... Các ông ấy không có mặt ở đây... Lúc Nhà nước đương gặp bước khó khăn, quốc dân tin ở người nào trao người ấy công việc lớn mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải hỏi lương tâm thế nào? Những người đã bỏ việc đi kia, họ không muốn gánh vác việc nước nhà hoặc họ cũng không đủ năng lực gánh vác; nay chúng ta không có họ ở đây, chúng ta cũng cứ gánh vác được như thường.

Tiếng vỗ tay nổi lên, Bác lại nói tiếp:

- Nhưng nếu các anh em đấy biết nghĩ lại, dối không nổi lương tâm, với đồng bào, với Tổ quốc mà trở về, thì chúng ta vẫn hoan nghênh.

Trước khi bước xuống, Người nói với các đại biểu:

Nếu trong Chính phủ có các người khác lầm lỡ, thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi với đồng bào.

Buổi chiều và buổi tối, các Bộ trả lời những điều đại hội đã hỏi. Nhưng khi các Bộ giải đáp xong, nhiều đại biểu vẫn tiếp tục chất vấn. Chờ mọi người nêu hết những câu hỏi, một lần nữa, Hồ Chủ tịch lên thay mặt Chính phủ để trả lời. Vẫn bằng những lời lẽ giản dị, ôn tồn. Người nói:

- Vấn đề Quốc kỳ, Chính phủ không bao giờ dám đòi thay đổi Quốc kỳ. Có một vài người trong Chính phủ đề nghị việc ấy, nên Chính phủ phải đệ qua Thường trực Quốc hội xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu các chiến sĩ Việt Nam ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, đã đi từ Á sang Âu, lại từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Đôi mắt sáng rực, bằng giọng nói nhấn mạnh, Người tiếp:

- Bây giờ, trừ hai mươi lăm triệu đồng bào ra còn không ai có quyền gì mà đòi thay đổi Quốc kỳ.

Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, Bác nói tiếp:

- Vấn đề liêm khiết của Chính phủ thì Chính phủ hiện thời đang cố gắng liêm khiết lắm. Nhưng trong Chính phủ từ Hồ Chí Minh cho đến những người làm việc ở ủy ban làng đông lắm. Dù sao Chính phủ cũng đã hết sức làm gương. Và nếu làm gương không xong sẽ dùng pháp luật trừng trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết [1].

Tiếng vỗ tay hoan nghênh lại nổi lên:

- Còn có đại biểu nói rằng bản Tạm ước ngày 14/9 là bất bình đẳng thì Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản Tạm ước ấy, mỗi bên đều nhân nhượng ít nhiều, ta đảm bảo cho Pháp một phần những quyền lợi văn hóa ở đây thì Pháp cũng phải đảm bảo thi hành tự do dân chủ ở Nam Bộ và thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp thành thật thi hành bản Tạm ước hay không thì ta hiểu rằng Pháp cũng có người tốt, có người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng đại đa số nhân dân Pháp bây giờ tán thành chúng ta độc lập và thống nhất lãnh thổ...

Bằng lời nói thật giản dị nhưng cũng thật sáng rõ, khúc chiết chặt chẽ, Bác tiếp tục trả lời tất cả những vấn đề mà các đại biểu đã nêu ra. Người nói xong, không ai hỏi gì thêm. Cuộc chất vấn Chính phủ kết thúc đúng vào nửa đêm.

Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ tuyên bố xin từ chức, trao quyền lại cho Quốc hội, Quốc hội chấp thuận đề nghị từ chức của Chính phủ, và sau đó, nhất trí ủy nhiệm Người lập ra Chính phủ mới.

Bác trở lại diễn đàn cảm ơn sự tín nhiệm của Quốc hội rồi nói:

Lần này là lần thứ hai Quốc hội giao phó cho tôi thành lập Chính phủ. Việt Nam chưa được độc lập, chưa được thống nhất thì Quốc hội giao cho tôi hay giao cho ai cũng phải gắng làm. Tôi xin nhận. Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và với trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được "thăng quan phát tài", Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết tập hợp nhân tài không phân biệt đảng phái... Tuy trong quyết nghị của Quốc hội không nêu lên hai chữ liêm khiết, tôi cũng xin tuyên bố trước Quốc hội, trước toàn dân và trước thế giới: Chính phủ sau đây là Chính phủ liêm khiết. Theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ sau đây là Chính phủ biết làm việc, gan góc, quyết tâm đi vào mục đích vừa kiến thiết, vừa tranh thủ độc lập, thống nhất cho nước nhà. Anh em trong Chính phủ mới sẽ dựa vào sức của Quốc hội, của quốc dân. Dẫu nguy hiểm mấy cũng đi vào mục đích của Quốc hội, quốc dân giao cho.

1 giờ đêm hôm đó, buổi họp mới kết thúc.

Bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà và toàn cõi Á Đông

Từ ngày 1/11, đại hội bắt đầu thảo luận về bản dự thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những cuộc tranh luận diễn ra sôi nổi.

Chiều mồng 2/11, Đại hội được Hồ Chủ tịch báo tin đã lập xong Chính phủ.

5 giờ chiều, Hồ Chủ tịch tới đại hội. Người bước lên diễn đàn giữa những tiếng hoan hô. Người nói:

- Chính phủ này tuy chưa được mười phần như ý nguyện của Quốc hội nhưng cũng gần đúng như phương châm Quốc hội đã vạch ra. Chính phủ mới gồm đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia. Cụ Huỳnh vì tuổi già sức yếu xin rút lui, nhưng do lời tôi đề nghị đã vui lòng ở lại tham gia thêm một nhiệm kỳ nữa.

Quốc hội đón bản danh sách Chính phủ do Hồ Chủ tịch trình bày bằng những tràng vỗ tay kéo dài, Bác báo cáo tiếp chương trình làm việc của Chính phủ.

Toàn bộ đại hội bỏ phiếu tán thành Chính phủ mới.

Không đầy bảy tuần sau đó, do chính sách xâm lược của kẻ thù, chiến tranh đã lan rộng ra cả nước. Chính phủ mà Hồ Chủ tịch thành lập đầu tháng 11 sẽ đảm đương lãnh đạo quốc dân trong cuộc kháng chiến toàn quốc kéo dài suốt tám năm sau này!

Quốc hội tiếp tục thảo luận bản dự thảo Hiến pháp, ngày 9/11/1946, bằng 240 phiếu thuận đối với 2 phiếu chống, Quốc hội đã chuẩn y Hiến pháp chính thức của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

img-0085-095154-301020-11.jpg
Bản Nghị quyết ngày 09/11/1946 của Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa I ủy nhiệm Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp. Nguồn: luutru.gov.vn

Trong buổi kết thúc cuộc họp của Quốc hội, Hồ Chủ tịch đã nói về bản Hiến pháp mới:

Hơn mười ngày nay, các đại biểu đã khó nhọc làm việc. Quốc hội đã thu được một kết quả làm vẻ vang cho đất nước là đã thảo luận xong bản Hiến pháp. Sau khi nước nhà mới tự do được 14 tháng, đã làm thành bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà. Bản Hiến pháp còn là một vết tích lịch sử, Hiến pháp đầu tiên trong cõi Á Đông này nữa. Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn, nhưng nó đã làm nên trong hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó đã tuyên bố cho thế giới biết: dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới: Phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do đó của mọi công dân. Hiến pháp đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bằng các giai cấp.

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa I nhất trí thông qua lại thêm một thắng lợi to lớn của cả dân tộc Việt Nam, của nhà nước Việt Nam trong năm đầu tiên Chính quyền cách mạng.

Chỉ trong vòng hơn một năm trời, trong thế "ngàn cân treo sợi tóc" Bác Hồ đã chèo lái con thuyền Cách mạng Việt Nam vượt qua những thác gềnh, mang những thành quả lớn lao, làm nền tảng cho một quốc gia độc lập thống nhất. Đó là một thể chế chính trị được thiết lập vững chắc với đầy đủ các cơ quan lập pháp, tư pháp và hành pháp. Đây là những cơ sở cực kỳ quan trọng để nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ với muôn vàn khó khăn gian khổ nhưng đã chiến thắng vẻ vang.

Lịch sử đã chứng tỏ Quốc hội khóa I và bản Hiến pháp đầu tiên còn là sự mở đầu cho nhân dân ta xây dựng một Nhà nước pháp quyền Việt Nam theo tinh thần của Nghị quyết các Đại hội lần thứ VII, thứ VIII của Đảng. Trong đó, việc tiến hành cải cách hành chính, tiếp tục xây dựng mới và hoàn chỉnh các hệ thống pháp luật, đẩy mạnh việc chống quan liêu, tham nhũng, không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực cán bộ đã được các nghị quyết của Đảng và các kỳ họp Quốc hội đặc biệt chú trọng, nhằm đạt tới một mục đích mà toàn dân ta đang hết sức mong đợi là "Xây dựng một chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân" theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Khi những dòng hồi ức này được viết xong thì tại Hội trường Ba Đình, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX long trọng kỷ niệm 50 năm bản Hiến pháp đầu tiên ra đời, khẳng định giá trị lịch sử của bản Hiến pháp năm 1946.

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo cũng chính là đang thừa kế tinh thần của bản Hiến pháp đầu tiên ấy.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn là ánh sáng soi đường, là kim chỉ nam cho dân tộc ta vững bước đi lên, theo đúng di chúc của Bác Hồ đã dặn trước lúc Người lên đường đi xa: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.



[1] Ngày 01/8/1946, Bộ Tư pháp đã ra Thông tư số 95 về việc bài trừ nạn hối lộ. Ngày 17/11/1946, Chính phủ ra Sắc lệnh số 223/SL truy tố các tội phạm lạm, biển thủ của công...

(*) Trích đăng theo cuốn “Hồi ký Đại biểu Quốc hội khóa I” của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2000

(*) Đầu đề và các tít phụ do Báo Đại biểu Nhân dân đặt

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài cuối: Quốc hội khóa I và bản Hiến pháp đầu tiên - sự mở đầu cho Nhân dân ta xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam (*)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO