Bài cuối: Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Diệp Anh 19/12/2024 11:56

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song tiến độ triển khai thực hiện một số Dự án, Tiểu dự án của Chương trình 1719 vẫn còn chậm; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp; có một số nội dung chưa thực hiện được… Do đó, thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể; nhất là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng mục tiêu đã được phê duyệt…

Không ít “điểm nghẽn”

Việc thực hiện chính sách dân tộc những năm qua, đặc biệt là kể từ khi triển khai Chương trình 1719 với 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần, đa dạng về nội dung, hình thức triển khai thực hiện nên khối lượng công việc lớn, nhiều đầu mối, nhiều văn bản hướng dẫn… đã là những khó khăn, thách thức không thể phủ nhận.

Nhìn chung, quá trình thực hiện Chương trình 1719 đang gặp những “điểm nghẽn” nhất định. Tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp, đặc biệt là vốn sự nghiệp; tính đến thời điểm báo cáo (tháng 10.2024) mới đạt 20,5% tổng kế hoạch (vốn đầu tư đạt 43,7% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 6,4% kế hoạch). Có một số nội dung chưa thực hiện được… Cùng với đó, việc đề xuất lựa chọn, phê duyệt danh mục dự án đầu tư hiệu quả chưa cao, phải điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi. Hiện nay, đối tượng được hỗ trợ thuộc Chương trình 1719 chênh lệch quá lớn so với nhu cầu thực tế, do đang ngày càng bị thu hẹp dần theo từng năm.

Quá trình khảo sát, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi có nhiều nội dung quy định, không rõ đối tượng dự kiến thụ hưởng các chính sách dẫn đến có sự chênh lệch so với thực tế được giao. Chưa kể, lộ trình phân bổ vốn của Trung ương năm sau nhiều hơn năm trước, dẫn đến tình trạng thừa vốn (nguồn sự nghiệp); một số nội dung nguồn vốn được cấp nhiều, nhưng không có hoặc thiếu đối tượng thụ hưởng; một số nội dung có nhu cầu, đối tượng thụ hưởng lớn nhưng nguồn vốn phân bổ lại ít.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vi Sơn cho biết: cơ quan chủ trì Chương trình 1719 là Ban Dân tộc, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tổng hợp chung, chỉ trực tiếp triển khai thực hiện một số nội dung vốn sự nghiệp (Tiểu dự án 2 và Tiểu dự án 4, Dự án 5; Tiểu dự án 2, Dự án 9; Dự án 10); toàn bộ nội dung vốn đầu tư phát triển và phần lớn vốn sự nghiệp được giao cho các đơn vị, địa phương thực hiện... Trong khi đó, công tác phối hợp giữa các địa phương, đơn vị chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ, thường xuyên nên việc tổng hợp báo cáo cũng như theo dõi tiến độ triển khai của cơ quan chủ trì Chương trình 1719 còn gặp khó khăn, chưa bảo đảm theo yêu cầu nội dung và thời gian.

Cũng theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình 1719. Trong đó, đẩy mạnh việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai Chương trình, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm hằng năm. Cùng với đó, tham mưu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường công tác quản lý, điều hành; duy trì chế độ giao ban, kiểm tra, giám sát để đánh giá hiệu quả quá trình thực hiện. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực quản lý; trao quyền làm chủ và sự tham gia tích cực chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư…

“Hiện nay, tỉnh Nghệ An cũng đã đề nghị, việc thiết kế Chương trình cần có sự thống nhất giữa 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia để tránh trùng lặp về nội dung đầu tư giữa các chương trình… Đồng thời, Trung ương cần tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, thực chất hơn cho các cấp chính quyền địa phương để gia tăng tính chủ động, trách nhiệm của các địa phương trong việc xây dựng và quản lý; tránh tình trạng dàn trải, cần tập trung vào một số vấn đề có tính cốt lõi như sinh kế bền vững của người dân”, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh nhấn mạnh.

Thường xuyên theo dõi, đánh giá để kịp thời xử lý các vi phạm

Khắc phục những hạn chế, khó khăn thách thức, tỉnh Nghệ An đang đặt ra lộ trình năm cuối giai đoạn 2021-2025 với những phần việc trọng tâm, có trọng điểm. Đó là tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp gắn với tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 1719… Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể, nhất là các dự án khởi công mới, kiểm soát chặt chẽ sự cần thiết, quy mô từng dự án theo đúng mục tiêu đã được phê duyệt.

Cuộc sống bà con dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An còn nhiều khó khăn. Ảnh: H. Phong

Cuộc sống bà con dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An còn nhiều khó khăn. Ảnh: H. Phong

Quan trọng nhất, tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình 1719 gắn với thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng cũng như kịp thời tổng hợp và kiến nghị những khó khăn, vướng mắc… Song song đó là thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện tại các đơn vị, địa phương để kịp thời phát hiện những hạn chế nhằm khắc phục, xử lý các vi phạm theo quy định. Cùng với đó, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả; đôn đốc, hướng dẫn triển khai kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Trước thực tế những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi thực hiện Chương trình 1719, tỉnh Nghệ An cũng đã đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành quy trình, thủ tục hướng dẫn triển khai thực hiện các cơ chế đặc thù quy định tại các khoản 2, 4, 5, 6, 7 Điều 4 Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18.1.2024 của Quốc hội cụ thể, chi tiết hơn để địa phương thực hiện thuận lợi, chính xác, đúng quy định… Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài nguồn vốn năm 2024 (bao gồm cả vốn 2022, 2023 kéo dài) để tiếp tục thực hiện năm 2025 theo cơ chế đặc thù quy định tại Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18.1.2024 của Quốc hội.

Cùng với đó, tỉnh cũng đề nghị thực hiện mạnh mẽ phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương để tăng tính chủ động, trách nhiệm trong việc xây dựng và quản lý Chương trình 1719, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, mà tập trung vào một số vấn đề có tính cốt lõi như cơ sở hạ tầng, sinh kế bền vững của người dân... Mặt khác, cần bảo đảm nguồn lực cho phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội cho vùng...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bài cuối: Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO